Worldfish sẽ phát triển và phổ biến giống cá rô phi kháng bệnh

-

Tổ chức WorldFish đang được phát triển các dòng cá rô phi sông Nile kháng bệnh nhiều hơn và sử dụng thức ăn hiệu quả hơn.

Dựa trên lộ trình được phát triển với các chuyên gia thế giới tại một hội thảo do WorldFish tổ chức tháng trước tại Viện The Roslin ở Edinburgh, nghiên cứu sẽ sử dụng các kỹ thuật tiên tiến như chọn lọc gien để đưa những đặc tính này vào các giống cá rô phi cải tiến.

Kể từ năm 1988, WorldFish đã sử dụng phương pháp lai tạo giống chọn lọc để phát triển và quản lý giống cá rô phi nuôi được cải thiện di truyền có tốc độ sinh trưởng nhanh (GIFT). Dòng này đã được phổ biến tới ít nhất 16 quốc gia, chủ yếu ở các nước đang phát triển, và được hàng triệu nông dân nuôi cá quy mô nhỏ nuôi để tạo nguồn thực phẩm, thu nhập và dinh dưỡng trên toàn cầu. Việc sử dụng các công cụ chọn lọc gien, cho phép lựa chọn các sinh vật dựa trên các chỉ dấu di truyền, sẽ cho phép WorldFish mở rộng nghiên cứu về GIFT của mình vượt ra ngoài việc chỉ tập trung vào sự tăng trưởng của cá rô phi và giới thiệu các lựa chọn cho các đặc tính khác rất khó đo lường, như khả năng chống chịu dịch bệnh và hiệu quả sử dụng thức ăn. Việc chọn lọc gien đã tạo nên một bước thay đổi trong tỷ lệ cải tiến di truyền của gia súc trên cạn, và có tiềm năng để làm tương tự đối với cá.

Việc mở rộng nghiên cứu GIFT là một phần quan trọng trong Chương trình Nghiên cứu của Nhóm tư vấn nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế CGIAR về cá (FISH) và hỗ trợ các nỗ lực của WorldFish trong chương trình nuôi trồng thủy sản bền vững nhằm tăng năng suất cho nuôi trồng thủy sản quy mô nhỏ để đáp ứng nhu cầu cá ngày càng tăng trên toàn cầu.

John Benzie, Giám đốc Chương trình Nuôi trồng Thuỷ sản Bền vững của WorldFish, cho biết: “Việc kết hợp các đặc điểm mới trong chương trình nhân giống GIFT sẽ giúp người nuôi cá chuẩn bị cho những thách thức trong tương lai như biến đổi khí hậu và nguy cơ bệnh tật tăng. Điều này đặc biệt mang lại lợi ích cho nông dân ở châu Phi và châu Á, nơi mà cá rô phi rất quan trọng đối với an ninh lương thực nhưng người nông dân thường chỉ được tiếp cận với các giống cá được cải tiến phù hợp với các điều kiện địa phương”.

Ross Houston, trưởng nhóm của Viện Roslin cho biết thêm: “Sản lượng nuôi trồng thủy sản cần tăng 40% vào năm 2030 để đáp ứng nhu cầu thủy sản toàn cầu. Cá rô phi (Oreochromis niloticus) được coi là loài thủy sản quan trọng nhất thế giới và đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết vấn đề đói nghèo ở các nước đang phát triển. Những đổi mới trong cải tiến di truyền được nêu lên trong hội thảo này là một bước quan trọng để đạt được những mục tiêu đầy tham vọng này”.

Tham dự hội thảo có các chuyên gia từ các văn phòng của WorldFish tại Malaysia và Ai Cập, Viện Roslin, Đại học Khoa học Nông nghiệp Thụy Điển, Viện Nuôi trồng Thuỷ sản của Đại học Stirling, Viện Earlham và Nhóm Lai tạo giống và Di truyền của Đại học Wageningen. Lộ trình sẽ được đưa vào chiến lược cải tiến gien và phổ biến giống GIFT ở châu Phi, bước phát triển tiếp theo sẽ được tổ chức tại cuộc họp Mạng lưới Di truyền do WorldFish tổ chức tại Hội nghị Nuôi trồng Thuỷ sản Thế giới năm 2017 tại Cape Town vào ngày 26-30 tháng 6.

Source: HNN, Tổng cục Thủy sản (Theo thefishsite)

Trieu Tuan
Trieu Tuan
Triệu Tuấn là một ông bố 2 con, tốt nghiệp Tiến sỹ chuyên ngành Công nghệ sinh học tại Nhật Bản. Hiện nay đang công tác tại Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau (iPEC).

Share this article

Recent posts

Popular categories

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Recent comments