Virus đốm trắng WSSV trên một số mẫu thức ăn tươi sống dùng trong nuôi vỗ tôm sú bố mẹ ở Cà Mau và Bạc Liêu

-

Kể từ khi xuất hiện từ đầu những năm chín mươi thì bệnh đốm trắng đã trở thành một trong những bệnh nguy hiểm hàng đầu trong nghề nuôi tôm trên toàn thế giới. Tính chất nguy hiểm của bệnh là không chỉ gây chết trên diện rộng trong thới gian ngắn với phổ loài cảm nhiễm rất rộng vì vậy việc phát hiện WSSV trên các loài mới là rất có ý nghĩa trong việc phòng chống sự lan truyền mầm bệnh.

Nghiên cứu này được thực hiện nhằm phát hiện thêm các loài vật mẫn cảm mới và đánh giá sự nhiễm WSSV trên các loài có khả năng đưa mầm bệnh vào hệ thống nuôi thông qua quá trình nuôi vỗ tôm sú bố mẹ trong các trại sản xuất giống thu từ Bạc Liêu và Cà Mau.

Việc phát hiện WSSV trên các mẫu thức ăn tươi sống được thực hiện với qui trình PCR của Kimura et al. (1996) và bộ kít IQ2000 của công ty Farming Intelligene Technology Corporation, Đài Loan. Việc khẳng định những ảnh hưởng của WSSV trên các mẫu thứ ăn này ở cấp đô mô, tế bào được thực hiện bằng phương pháp mô học.

Kết quả nghiên cứu

Tình hình sử dụng thức ăn tươi sống nuôi vỗ tôm sú bố mẹ tại hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau

Hiện nay tình hình sử dụng thức ăn tươi sống trong các trại sản xuất giống tôm sú ở Bạc Liêu là rất đa dạng với nhiều loại thức ăn tươi sống khác nhau như mực, ốc mượn hồn, tôm tít, thịt bò…Thông tin ghi nhận từ các trại sản xuất giống tôm sú ở Bạc Liêu (15 trại) và Cà Mau (18 trại) về các loại thức ăn tươi sống đang được sử dụng được trình bày ở Bảng 1. Trong các trại thu tại Bạc Liêu thì 9/15 trại là có sử dụng mực cho tôm ăn trong quá trình nuôi vỗ tôm sú bố mẹ. Ngoài chín trại này, một số trại có sử dụng mực nhưng không thu được tại thời điểm thu mẫu. Loại thức ăn được sử dụng nhiều nhất là ốc mượn hồn 14/15 trại, chỉ có duy nhất một trại ở Bạc Liêu là không sử dụng vì nghi ngờ khả năng mang WSSV vào hệ thống sản xuất. Tôm tít chỉ có duy nhất một trại ở Bạc Liêu sử dụng, đây là trại sử dụng nhiều loại thức ăn có nguồn gốc từ thủy sản (ốc mượn hồn, mực, tôm tít). Trong khi đó các trại ở Cà Mau thì hoàn toàn chỉ sử dụng một loại thức ăn có nguồn gốc từ thủy sản là ốc mượn hồn (18/18 trại). Các loại thức ăn tươi sống này được mua từ những vựa thức ăn ở chợ và những vựa này thu mua từ nhiều nơi khác nhau cả trong và ngoài tỉnh. Dù số lượng loại thức ăn có khác nhau nhưng các trại đều có cùng cách xử lý và cách cho ăn. Ốc mượn hồn thì trữ nơi khô thoáng, đập và rửa sạch bằng nước máy trước khi cho ăn. Mực thì cắt nhỏ, rửa sạch và trữ lạnh để cho ăn dần. Riêng tôm tít thì trữ trong chậu nước và rửa sạch trước khi cho ăn. Tất cả đều cho ăn theo nhu cầu của tôm và cho ăn xoay vòng với các loại thức ăn khác (trừ các trại tại Cà Mau).

Bảng 1. Kết quả về các loại thức ăn tươi sống được sử dụng trong các trại sản xuất tôm sú giống tại Bạc Liêu và Cà Mau

image

WSSV ở mẫu ốc mượn hồn

Ốc mượn hồn là mẫu thu được nhiều nhất tại các điểm thu mẫu, loài ốc này rất đa dạng về hình thái cũng như màu sắc và tỉ lệ nhiễm WSSV là rất cao. Sự tồn tại của WSSV trong các mẫu ốc mượn hồn được phát hiện bằng phương pháp PCR 2 bước (Kimura et al. 1996) (Hình 1). Lo et al. (1996) cũng đã nghiên cứu và phát hiện việc nhiễm WSSV trên các loài giáp xác hoang dã như các loài cua thu trong ao tôm và ngoài tự nhiên. S. K. Otta et al. (1999) cũng đã dùng kỹ thuật PCR phát hiện WSSV trên các loài giáp xác nuôi và tự nhiên ở Ấn Độ. Nghiên cứu này phát hiện WSSV trên nhiều đối tượng khác nhau (tôm, cua, artemia…), cả trên đối tượng biểu hiện bệnh và không biểu hiện bệnh đốm trắng. Cả hai nghiên cứu trên đều sử dụng phương pháp phát hiện WSSV là kỹ thuật PCR 2 bước. Theo kết quả của Trần Thị Phương Trang (2009), các mẫu cua thu ngoài tự nhiên và mẫu ốc mượn hồn thu từ huyện Cái Nước – Cà Mau cũng cho kết quả dương tính với WSSV. Từ đó cho thấy khả năng nhiễm WSSV trong các loài giáp xác hoang dại ở Bạc Liêu và Cà Mau là rất lớn. Hình 1 cho thấy, WSSV hiện diện trong các mẫu ốc mượn hồn được phát hiện bằng phương pháp PCR. Trong đó có cả mẫu của Bạc Liêu (giếng 1, 2) và mẫu của Cà Mau (giếng 3,4). Những mẫu này xuất hiện đồng thời hai vạch tương ứng 570bp của WSSV và 240bp là nội chuẩn của họ mười chân.

image

Hình 1. Kết quả điện di sản phẩm PCR ốc mượn hồn, mực và tôm tít. Giếng M là thang DNA 1kb; Giếng 1, 2, 3, 4 là những mẫu ốc mượn hồn dương tính; Giếng 5 là mẫu mực dương tính; Giếng 6, 7, 8 là những mẫu tôm tít dương tính; Giếng 9 là đối chứng dương; Giếng 10 là đối chứng âm

WSSV ở mẫu mực tươi

Bạc Liêu là điểm thu mẫu thức ăn đa dạng nhất có mực, ốc và cả tôm tít. Các mẫu mực được phân tích là phần thân được cắt sợi. Trong các mẫu mực thu về có một mẫu dương tính với phản ứng PCR 2 bước (phương pháp được sử dụng chung cho việc phát hiện WSSV trên ốc và tôm tít). Kết quả báo cáo của Trần Thị Phương Trang (2009) cũng có một mẫu mực dương tính khi sử dụng cùng một qui trình phát hiện như trên. Theo Lo et al. (1996), kết quả phân tích cho thấy nhóm giáp xác được thu từ ao tôm cũng cho kết quả WSSV dương tính với một qui trình PCR khác. Như vậy sự tồn tại của WSSV trong mực là hoàn toàn có khả năng. Hình 1 (giếng 5) cho thấy, WSSV hiện diện trong mẫu mực, được phát hiện bằng phương pháp PCR (đây là mẫu mực thu tại một trại sản xuất giống tại Bạc Liêu).

WSSV trên tôm tít

Các loài tôm tít cũng là một trong những thức ăn ưa thích của tôm bố mẹ tuy nhiên các trại ít sử dụng loại tôm này vì nghi khả năng nhiễm WSSV của chúng. Cả mẫu tôm tít thu về từ một trại sản xuất giống thuộc khu vực Bạc Liêu thì tất cả đều dương tính với WSSV. Kết quả ở Hình 1 (giếng 6, 7, 8) cho thấy WSSV hiện diện trong 3 mẫu tôm tít thu được ở Bạc Liêu, được phát hiện với phương pháp PCR 2 bước. Kết quả này cũng tương đồng với kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học ở Ấn Độ (Hossain et al. 2000). Với phương pháp PCR 2 bước, nhóm tác giả này đã công bố sự hiện diện của WSSV ở nhiều loài khác nhau (Metapenaeus dobsoni, Parapenaeopsis stylifera, Solenocera indica…) và cả trên tôm tít (Squilla mantis). Bên cạnh đó kết quả nghiên cứu của Lo et al (1996) trên các loài giáp xác hoang dại đánh bắt từ tự nhiên (tôm sú tự nhiên, tôm he Nhật, tôm rằn, tôm thẻ đuôi đỏ) cũng cho kết quả WSSV dương tính ở PCR bước 2. Tuy số lượng mẫu tôm tít được kiểm tra là không nhiều nhưng cũng có thể tin vào khả năng tồn tại của WSSV trong mẫu tôm này.

Xác định tỉ lệ nhiễm WSSV ở các mẫu thức ăn tại Bạc Liêu

Ở khu vực Bạc Liêu, ba loại thức ăn tươi sống (ốc mượn hồn, mực, tôm tít) được thu với số lượng mỗi loại khác nhau. Trong đó 1/5 mẫu mực cho kết quả dương tính với WSSV chiếm tỉ lệ 2,17% tổng số mẫu được kiểm tra. Trong khi tôm tít kiểm tra 3 mẫu thì tất cả đều dương tính chiếm 6,52%. Các mẫu chiếm đa số trong đợt kiểm tra là mẫu ốc mượn hồn với tỉ lệ nhiễm WSSV là 45,65%. Tỉ lệ nhiễm giữa các trại là không giống nhau, có trại thì dương tính cả 5/5 mẫu kiểm tra (2 trại), có trại thì chỉ nhiễm 1 hoặc 2 mẫu (5 trại). Theo Lo et al. (1996), kết quả phân tích PCR của họ mười chân trong nhóm chân đốt hoang dại được thu từ ao tôm thì tỉ lệ nhiễm WSSV là 12,5%. Cùng với kết quả nghiên cứu của Lo et al (1996) trên các loài giáp xác đánh bắt từ tự nhiên cũng cho kết quả dương tính với WSSV của các mẫu cũng khác nhau. Cụ thể là đối với tôm sú tự nhiên thì tỉ lệ nhiễm là 33,78%, đối với tôm he Nhật là 9,45%, tôm rằn 1,35% và tôm thể đuôi đỏ là 2,02%. Tỉ lệ nhiễm trung bình trên tôm tít là có thể chấp nhận so với các loài tôm được thu từ tự nhiên như trên. Lo et al. 1996 cũng đã nghiên cứu và phát hiện việc nhiễm WSSV trên cua hại mà họ thu được chiếm 15,62%. Tỉ lệ này là thấp hơn so với tỉ lệ nhiễm của ốc mượn hồn được nghiên cứu nhưng cũng không thể kết luận được vì phương pháp được sử dụng trong các nghiên cứu là khác nhau. Nhưng điều có thể khẳng định ở đây là sự tồn tại của mầm bệnh WSSV trong các mẫu được kiểm tra. Tóm lại, tùy thuộc vào phương pháp và số lượng mẫu thu mà tỉ lệ nhiễm của các mẫu có thể khác nhau. Các mẫu được kiểm tra đa số là ốc mượn hồn và đây cũng là nhóm chiếm tỉ lệ nhiễm cao nhất.

Xác định tỉ lệ nhiễm WSSV ở các mẫu thức ăn tại Cà Mau

Ở khu vực Cà Mau, ốc mượn hồn là loại thức ăn duy nhất được sử dụng trong tổng số 18 trại được thu và tỉ lệ nhiễm WSSV là 59,26% (48/81 mẫu) trong tổng số mẫu được phân tích khi được kiểm tra bằng PCR 2 bước. Tình hình nhiễm WSSV giữa các trại cũng khác nhau, 8 trại nhiễm toàn bộ 5 mẫu kiểm tra, 3 trại chỉ có 1/5 hoặc 2/5 mẫu nhiễm WSSV, 1 trại nhiễm 4/5 mẫu kiểm tra hay hoàn toàn cho kết quả âm tính trên các mẫu kiểm tra (4 trại). Theo S. K. Otta et al. (1999) cũng đã dùng kỉ thuật PCR phát hiện WSSV trên các loài giáp xác nuôi và tự nhiên ở Ấn Độ. Nghiên cứu được tiến hành trên nhiều đối tượng khác nhau (tôm, cua, artemia…), cả trên đối tượng biểu hiện bệnh và không biểu hiện bệnh đốm trắng. Trên mẫu cua Scylla serrata không có dấu hiệu bệnh, tỉ lệ nhiễm là 15% (3/20 mẫu cua khỏe), tôm mẹ không có dấu hiệu của WSSV là 3/3 mẫu, tôm mẹ có dấu hiệu của WSSV là 7/7 mẫu, artemia khỏe là 1/1 mẫu. Một số mẫu cua khác được kiểm tra thì cho kết quả âm tính với WSSV. Theo Chu-Fang Lo et al. (1996), đối với các loài côn trùng thủy sinh, họ mười chân, cua tạp, tôm tạp hại có kích thước nhỏ thì kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả trên như sau: nhộng của côn trùng thủy sinh 19,04%, họ mười chân 9,52%, tôm tạp 28,57% và cua tạp là 11,9% mẫu dương tính với PCR bước 2. Dù các mẫu được thu ngẫu nhiên từ hai tỉnh khác nhau (Bạc Liêu là 15 trại và Cà Mau là 18 trại) nhưng kết quả dương tính với WSSV lại chiếm tỉ lệ gần bằng nhau (Bạc Liêu là 54,34% và Cà Mau là 59,26%). Tóm lại, tỉ lệ nhiễm WSSV trong mẫu thức ăn tươi sống thu từ các trại sản xuất giống tôm sú ở Cà Mau (59%) là cao hơn Bạc Liêu (54%) nhưng thành phần thức ăn có nguồn gốc thủy sản thì ở Bạc Liêu là đa dạng hơn ở Cà Mau.

Kết luận

– WSSV đã được phát hiện trên thức ăn tươi sống (ốc mượn hồn, mực, tôm tít) sử dụng nuôi vỗ tôm sú bố mẹ tại các trại sản xuất tôm sú giống ở khu vực Bạc Liêu và Cà Mau.

– Tỉ lệ nhiễm WSSV trong các loại thức ăn tươi sống ở Bạc Liêu là 54%.

– Tỉ lệ nhiễm WSSV trong các loại thức ăn tươi sống ở Cà Mau là 59% .

– Phát hiện những thể vùi WSSV trong tế bào của mô liên kết trên ốc mượn hồn khi bị WSSV xâm nhập.

Đề xuất phương pháp phòng bệnh khi sử dụng động vật sống làm thức ăn cho tôm bố mẹ

Một cách tiếp cận tốt nhất để phòng tránh sự lây nhiễm WSSV là tuyệt đối không sử dụng động vật sống (ví dụ, giun nhiều tơ sống, nghêu, sò,..) để làm thức ăn cho tôm bố mẹ. Hoặc nếu vẫn sử dụng động vật sống làm thức ăn cho tôm thì nên đông lạnh sâu trước khi cho tôm ăn vì nó có thể tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh. Ngoài ra, cũng nên tiến hành tiệt trùng các loại thức ăn tươi sống này bằng cách sấy chúng ở nhiệt độ 70oC trong 10 phút để tiêu diệt các loại virus gây bệnh trên tôm (đông lạnh sâu không thể diệt virus). Một phương pháp khác là sử dụng thiết bị chiếu xạ tia gamma đối với thức ăn tươi sống đông lạnh để tiêu diệt mầm bệnh.

trieutuan.blog (tổng hợp)
Source: Cao Chí Thuận. 2009. Phát hiện white spot syndrome virus (WSSV) trong mẫu thức ăn dùng nuôi vỗ tôm sú bố mẹ (Penaeus monodon). Luận văn tốt nghiệp đại học. Khoa Thủy sản, ĐH. Cần Thơ.

Trieu Tuan
Trieu Tuan
Triệu Tuấn là một ông bố 2 con, tốt nghiệp Tiến sỹ chuyên ngành Công nghệ sinh học tại Nhật Bản. Hiện nay đang công tác tại Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau (iPEC).

Share this article

Recent posts

Popular categories

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Recent comments