Vi bào tử trùng Enterocytozoon hepatopenaei không phải là tác nhân gây bệnh phân trắng trên tôm thẻ chân trắng Litopenaeus vannamei

-

Vi bào tử trùng Enterocytozoon hepatopenaei được mô tả lần đầu tiên tại Thái Lan năm 2009 trên tôm sú. Vật chủ tự nhiên của loài ký sinh trùng này hiện nay vẫn chưa được biết rõ. Thời gian gần đây tại các trang trại nuôi tôm của Thái Lan xuất hiện một loài ký sinh trùng có hình thái và cấu trúc mô gần giống với loài vi bào tử trùng này và được cho là tác nhân gây nên hội chứng phân trắng WFS (white feces syndrome) trên tôm thẻ chân trắng và cả tôm sú. Mục tiêu của nghiên cứu này là nhằm so sánh cấu trúc di truyền ở mức độ phân tử của tác nhân gây bệnh mới được tìm thấy này với loài vi bào tử trùng E. hepatopenaei để xác định mối liên hệ của nó với bệnh phân trắng trên tôm.

Kết quả

Các cặp mồi chung được sử dụng để khuếch đại một đoạn gen của tiểu đơn vị nhỏ của RNA ribosome (ssu rRNA) để tạo dòng (cloning) và giải trình tự (sequencing) cho thấy loài ký sinh trùng mới phân lập từ các ao nuôi tôm bệnh phân trắng có 99% trình tự gen tương đồng với loài E. hepatopenaei, điều này cho thấy chúng là cùng một loài. Phân tích mô học bằng phương pháp nhuộm hematoxylin và eosin (H&E) cho thấy có tương đối ít bào tử hiện diện ở các tế bào biểu mô ống lượn, cho thấy rằng mức độ nhiễm bệnh ở mức độ nhẹ. Tuy nhiên, kết quả phân tích bằng phương pháp PCR (nested PCR) và lai tại chổ (in situ hybridization) cho thấy mức độ nhiễm ký sinh trùng rất nặng ở các tế bào biểu mô ống lượn ở khu vực giữa của khối gan tụy của tôm trong trường hợp không có sự hiện diện của bào tử. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, mặc dù tần suất cảm nhiễm vi bào tử trùng E. hepatopenaei trên tôm ở các ao nuôi không xuất hiện bệnh phân trắng rất cao và ở những ao đã phục hồi sau khi tôm bệnh phân trắng cho thấy không có mối liên hệ trực tiếp giữa sự lây nhiễm ký sinh trùng này và hội chứng phân trắng trên tôm. Điều này được khẳng định bằng thí nghiệm gây cảm nhiễm vi bào tử trùng trên tôm trong phòng thí nghiệm, kết quả cho thấy tôm không xuất hiện các triệu chứng của bệnh phân trắng.

image

Phân tôm có màu trắng tập trung một ở góc ao phía dưới gió

Kết luận

Vi bào tử trùng mới được tìm thấy trên tôm thẻ chân trắng trong thời gian gần đây là cùng loài với E. hepatopenaei được mô tả trước đây, và nó không phải là nguyên nhân gây bệnh phân trắng trên tôm thẻ chân trắng. Tuy nhiên, khi mức độ nhiễm vi bào tử trùng nặng, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng và hiệu quả sản xuất, và điều này có thể trầm trọng thêm bởi khả năng lây truyền dọc của vi bào tử trùng đã được chứng minh trong các thí nghiệm gây cảm nhiễm trong phòng thí nghiệm. Phương pháp mô học không được khuyến khích sử dụng để xác đinh mức độ lấy nhiễm vi bào tử trùng vì nó cho kết quả không chính xác về mức độ nhiễm vi bào tử trùng. Phương pháp PCR và lai tại chổ được khuyến khích sử dụng để kiểm tra các vật chủ mang mầm bệnh tự nhiên trong ao nuôi (ví dụ như các loài giáp xác) để giúp loại bỏ chúng khỏi hệ thống nuôi và giúp phát hiện sớm sự hiện diện của vi bào tử trùng trên tôm nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời.

© Triệu Tuấn, trieu tuan blog
Source: Amornrat Tangprasittipap et al. 2013. BMC Veterinary Research, July 2013, 9:139

Trieu Tuan
Trieu Tuan
Triệu Tuấn là một ông bố 2 con, tốt nghiệp Tiến sỹ chuyên ngành Công nghệ sinh học tại Nhật Bản. Hiện nay đang công tác tại Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau (iPEC).

Share this article

Recent posts

Popular categories

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Recent comments