Tôm cá nuôi ở Châu Á xuất vào Mỹ: Nhiễm kháng sinh, sử dụng cả phân heo làm thức ăn cho cá

-

Tôm là một loại thực phẩm tuyệt vời cho sức khỏe của con người. Tôm có hàm lượng chất béo thấp, protein cao và năng lượng thấp, trong 113 g tôm có khoảng 23,7 g protein, chỉ cung cấp khoảng 112 calo và có ít hơn 1 g chất béo. Tôm cũng rất giàu vitamin D, B12, và acid béo omega 3. Tôm tự nhiên rất tốt cho sức khỏe, tuy nhiên tôm nuôi đang được bán tại Mỹ thì không được như thế do cách nông dân nuôi và thu hoạch chúng.

Nuôi trồng thủy sản ở Châu Á

Việt Nam là một trong những nhà xuất khẩu tôm vào Mỹ lớn nhất, mỗi năm sản lượng tôm Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ khoảng 50.000 tấn, chiếm 8% tổng sản lượng tôm tiêu thụ tại Mỹ.

Nhu cầu tiêu thụ tôm tại Mỹ liên tục gia tăng trong những thập niên gần đây. Điều này dẫn đến sự cạnh tranh giữa các nhà sản xuất tôm trên thị trường, họ tìm cách cắt giảm chi phí nuôi tôm bất chấp sự an toàn và sức khỏe của người tiêu dùng.

Một nghiên cứu cho thấy, nông dân Việt Nam đông lạnh tôm trong nước bẩn (không an toàn để uống) để xuất khẩu sang Mỹ. Mansour Samadpour, chuyên gia vi sinh vật học phân tích chất lượng nước trong quá trình chế biến và nuôi tôm cá cho biết trong nước chứa rất nhiều vi khuẩn có hại và cả mầm bệnh. “Một vấn đề cần biết đó là nước đá dùng để bảo quản tôm được làm từ nước rất bẩn, các trang trại nuôi tôm cá thì nằm gần hoặc bên dưới trang trại nuôi heo, điều này không thể chấp nhận được,” Mansour Samadpour cho biết.

Không chỉ có tôm được nuôi và chế biến ở Châu Á trong điều kiện không đảm bảo vệ sinh và an toàn cho sức khỏe của người tiêu dùng. Một trang trại nuôi cá rô phi ở Yangjiang, Trung Quốc sử dụng phân heo và phân ngỗng để làm thức ăn trực tiếp cho cá rô phi. Theo Michael Doyle, Giám đốc trung tâm an toàn thực phẩm thuộc Đại học Georgia cho biết các loài vi khuẩn gây bệnh nguy hiểm trên người có rất nhiều trong phân heo và phân ngỗng, đặc biệt là nhóm vi khuẩn salmonella.

Làm thế nào để tránh ăn phải hải sản bẩn?

Hải sản nuôi trồng thường có chất lượng kém hơn nhiều so với đánh bắt ngoài tự nhiên. Theo một nghiên cứu được công bố bởi tổ chức Consumer Report, tôm nuôi nhiễm kháng sinh và vi khuẩn gây hại với tỷ lệ rất cao.

Một nghiên cứu cho thấy, 60% của 342 mẫu tôm đông lạnh có chứa vi khuẩn Salmonella, Vibrio, Listeria hoặc E. coli. Ngoài ra, các mẫu này cũng nhiễm các loại kháng sinh như oxytetracycline, enrofloxacin, và kháng sinh thuộc nhóm sulfa. 94% sản lượng tôm nhập vào Mỹ đến từ các nước Châu Á như Thái Lan, Việt Nam, Indonesia và Ấn Độ. Nuôi thâm canh trong điều kiện ô nhiễm đã dẫn đến việc bùng phát dịch bệnh trên tôm nuôi và để chống lại dịch bệnh, nông dân thường sử dụng kháng sinh với liều rất cao để trị bệnh.

Ngược lại, theo nghiên cứu của tổ chức Consumer Report tôm được đánh bắt ngoài tự nhiên ở Mỹ và Argentina có tỷ lệ nhiễm vi khuẩn nguy hiểm và kháng sinh rất thấp trong tất cả các mẫu kiểm tra.

Do đó, để tránh ăn phải hải sản nhiễm kháng sinh và vi khuẩn nguy hiểm, người tiêu dùng nên lựa chọn tôm cá đánh bắt ngoài tự nhiên. Bạn phải trả giá đắt hơn, tuy nhiên các sản phẩm hải sản này không nhiễm kháng sinh, vi khuẩn gây hại và nó có ít tác động xấu đến môi trường hơn so với thủy sản nuôi.

Source: Triệu Tuấn, trieutuan.blog

Trieu Tuan
Trieu Tuan
Triệu Tuấn là một ông bố 2 con, tốt nghiệp Tiến sỹ chuyên ngành Công nghệ sinh học tại Nhật Bản. Hiện nay đang công tác tại Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau (iPEC).

Share this article

Recent posts

Popular categories

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Recent comments