Nghiên cứu virus gây bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan tạo biểu mô (IHHNV) trên tôm sú Penaeus monodon tại Việt Nam

-

Đây là nội dung tóm tắt luận án Tiến sỹ của tác giả Phạm Văn Hùng với đề tài “Nghiên cứu virus IHHNV (Infectious Hypodermal and Haematopoietic Necrosis Virus) trên tôm sú Penaeus monodon tại Việt Nam”, thuộc chuyên ngành vi sinh vật học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – ĐHQG. HCM.

1. Tóm tắt nội dung luận án

Virus IHHNV là tác nhân chính gây bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan tạo biểu mô ở tôm he, là virus nguy hiểm cần phải được kiểm soát. Trên thế giới, nhiều báo cáo khoa học nghiên cứu về virus IHHNV đã được công bố. Tuy nhiên ở Việt Nam rất ít các nghiên cứu về virus này. Vì vậy thực hiện đề tài “Nghiên cứu virus IHHNV (Infectious Hypodermal and Haematopoietic Necrosis Virus) trên tôm sú Penaeus monodon tại Việt Nam” là cần thiết và thực tiển.

Mục tiêu nghiên cứu của đề tài là “Nghiên cứu sâu về IHHNV trên tôm sú tại Việt Nam nhằm cung cấp thông tin khoa học có giá trị để tìm kiếm giải pháp hạn chế tác hại của IHHNV, góp phần vào việc phát triển ngành nuôi tôm sú một cách bền vững”. Các nội dung nghiên cứu được thực hiện như sau: (1). Phân lập, tạo dòng và giải trình tự bộ gen IHHNV; (2). So sánh bộ gen IHHNV thu nhận trên tôm sú tại Việt Nam với các đại diện IHHNV trên thế giới; (3). Xây dựng phương pháp phát hiện IHHNV bằng kỹ thuật PCR đảm bảo về tính đặc hiệu và độ tin cậy; (4). Xác định thời gian xâm nhiễm, triệu chứng bệnh lý do IHHNV khi tôm sú bị phơi nhiễm với IHHNV; (5). Khảo sát mức độ phổ biến IHHNV trên các quần thể tôm sú nuôi tại Việt Nam.

image

Ảnh: Tôm sú nhiễm IHHNV ở giai đoạn 50 ngày tuổi (Praveen Rai et al. Indian J Virol. Sep 2012; 23(2): 203–214.)

2. Những kết quả mới của luận án

Bộ gen IHHNV phân lập trên tôm sú nuôi tại Việt Nam có kích thước 3815 bp, 1.168,774 kDa. 3 ORF chính được xác định gồm ORF1 dài 833 nt, mã hóa cho protein NS2 gồm 277 a.a. ORF2 dài 1290 nt, chồng lấp lên ORF1 88 nt, mã hóa cho protein NS1 gồm 429 a.a. ORF3 dài 756 nt, không có vùng chồng lấp lên ORF1 và ORF2, mã hóa cho protein cấu trúc vỏ virus gồm 252 a.a. Các promoter giả định là vùng trình tự phía trước của ba ORF. Trình tự mã hóa cho protein khởi đầu sao chép I và II, vùng trình tự mã hóa cho NTP protein và enzyme helicase A, B và C đều nằm trên ORF2 là các vùng bảo tồn. Ba trình tự poly A (AATAAA) được tìm thấy trong bộ gen. Cấu trúc flip – flop là đoạn trình tự cuối không mã hóa của bộ gen.

Bộ gen IHHNV được đặt tên là IHHNV-VN, mã hiệu trên GenBank là JN616415. Mức độ tương đồng tối đa của JN616415 với các nước trên thế giới là 92 – 100 %. Đại diện IHHNV của Việt Nam cùng nhóm với đại diện IHHNV của Ấn Độ, Đài Loan, Thái Lan, Hoa Kỳ, Phúc Kiến, Hawaii và Ecuador trong phép phân tích tiến hóa.

Phương pháp phân tích IHHNV bằng kỹ thuật PCR với cặp mồi 196F/R đã được xây dựng đáp ứng yêu cầu về tính chuyên biệt, độ nhạy và độ tin cậy.

Trong điều kiện thực nghiệm, tôm sú nuôi bị nhiễm IHHNV sau 7 ngày phơi nhiễm với IHHNV. Các triệu chứng bệnh lý bệnh hoại tử cơ quan tạo máu cơ quan tạo biểu mô biểu hiện ở mô học sau 21 ngày phơi nhiễm với IHHNV. Triệu chứng bệnh lý điển hình do IHHNV gây ra cho tôm nuôi quan sát được bằng mắt thường sau 40 ngày phơi nhiễm.

Mức độ phổ biến của IHHNV trên tôm sú nuôi tại Việt Nam tính theo giá trị trung bình là 52,12 %, còn tính theo ước lượng là 46,53 – 57,71 %. Trong đó khu vực Bắc Bộ tần suất xuất hiện là 19,76 – 57,16 %, Trung Bộ là 36,51 – 65,72 % và Nam Bộ trong khoảng 47,45 – 60,17 % với p < 0,05.

3. Các ứng dụng/khả năng ứng dụng trong thực tiễn hay những vấn đề cón bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu

Đề nghị Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn sử dụng các kết quả nghiên cứu trong đề tài để xây dựng tiêu chuẩn quốc gia: phương pháp phân tích IHHNV bằng kỹ thuật PCR với mồi 196F/R để áp dụng tại các phòng thí nghiệm xét nghiệm bệnh tôm nhằm lựa chọn tôm giống sạch bệnh, góp phần hạn chế sự lây lan IHHNV trong tôm sú nuôi. Phát triển thương mại bộ sinh phẩm sinh học phân tích IHHNV trên tôm.

Source: Phạm Văn Hùng. Nghiên cứu virus IHHNV (Infectious Hypodermal and Haematopoietic Necrosis Virus) trên tôm sú Penaeus monodon tại Việt Nam. Luận án tiến sỹ. Chuyên ngành: vi sinh vật học. Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – ĐHQG. HCM.

Trieu Tuan
Trieu Tuan
Triệu Tuấn là một ông bố 2 con, tốt nghiệp Tiến sỹ chuyên ngành Công nghệ sinh học tại Nhật Bản. Hiện nay đang công tác tại Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau (iPEC).

Share this article

Recent posts

Popular categories

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Recent comments