Nghiên cứu về đặc điểm sinh học của vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus cho thấy điều trị EMS/AHPND là không hiệu quả

-

Những thông tin mới nhất và cực kỳ hữu ích về EMS/AHPND được cung cấp bởi Tiến sỹ Stephen Newman. Những thông tin này cho chúng ta một cái nhìn toàn diện về cơ chế xâm nhập, gây bệnh của vi khuẩn V. parahaemolyticus và giúp chúng ta giải thích tại sao các loại kháng sinh, chất khử trùng, các chất chiết xuất từ thảo dược và các phương pháp điều trị khác thường không có tác dụng hoặc hiệu quả đối với bệnh EMS/AHPND.

Vibrio parahaemolyticus bao gồm các chủng có độc tố có khả năng gây bệnh và các chủng không gây bệnh hoại tử gan tụy cấp tính AHPND. Dòng vi khuẩn gây bệnh AHPND phát triển trong dạ dày tôm, chúng hình thành nên các màng bao sinh học (biofilm) giúp bảo vệ chúng bởi tác dụng của các loại kháng sinh và các phương pháp điều trị khác. V. parahaemolyticus có khả năng chịu đựng với các độ mặn, pH, nhiệt độ và dễ dàng đeo bám trên các sinh vật phù du di chuyển theo dòng chảy.

Chỉ có một số lượng nhỏ các chủng vi khuẩn Vibrio gây bệnh trên tôm nuôi. Phần lớn nó là mầm bệnh cơ hội, tức là chúng chỉ phát triển và gây bệnh khi vật chủ bị stress hoặc yếu và không có khả năng chống lại chúng. Chỉ có một số rất ít mầm bệnh vi khuẩn Vibrio là tác nhân gây bệnh chính trên động vật khỏe mạnh. Vi khuẩn Vibrio có độc tính cao có thể giết chết tôm khi tiếp xúc với sự hiện diện rất ít của mầm bệnh hoặc khi tôm ăn phải một lượng nhỏ vi khuẩn.

V. parahaemolyticus rất phổ biến trong môi trường ở các vùng cửa sông, và một số ít hiện diện trong môi trường nước ngọt. Hầu hết chúng đều không có khả năng gây bệnh và thường vô hại khi ăn phải, tuy nhiên, độc tố phát sinh từ vi khuẩn này thường được tìm thấy trong các loài cá tự nhiên và chúng là một trong những nguyên nhân gây ngộ độc khi ăn hải sản.

image

Cơ chế tấn công và tiêu diệt tế bào vật chủ của vi khuẩn V. parahaemolyticus

Các loài Vibrio cũng có thể lây lan từ bố mẹ và hậu ấu trùng. Ví dụ như mầm bệnh gây nên AHPND hiện diện ở rất nhiều loài tôm và ở các giai đoạn phát triển khác nhau. Điều này có thể giải thích tại sao chúng có thể dễ dàng bùng phát, lây lan và vấn đề tiêu diệt hoặc kiểm soát mầm bệnh này không hề đơn giản.

Một màng bao sinh học là tập hợp của các sinh vật bám trên một bề mặt ví dụ như một mãnh vụn hữu cơ trên nền đáy ao tôm hoặc bề mặt đó là dạ dày tôm như trường hợp của vi khuẩn gây bệnh AHPND. Màng sinh học giúp bảo vệ các vi khuẩn chống lại kháng sinh và sự tấn công của các vi khuẩn cạnh tranh khác có trong ao nuôi.

Sự hình thành các màng bao sinh học bắt đầu khi vi khuẩn bám vào lớp kitin trên bề mặt dạ dày tôm. Sau đó, vi khuẩn tiết ra các chất hình thành nên một lớp “keo” giúp cho chúng gắn chặt vào bề mặt dạ dày tôm. Khi đã hình thành các màng bao sinh học chắc chắn trên dạ dày tôm, các vi khuẩn bắt đầu nhân lên, màng bao là hợp chất exopolysaccharides sẽ hình thành có tác dụng bảo vệ vi khuẩn với tác dụng của các loại kháng sinh, chất khử trùng, các chất chiết xuất từ thảo dược và các phương pháp điều trị khác, trong khi các hoạt động trao đổi chất ở tế bào của chúng vẫn diễn ra bình thường.

Do tính chất phức tạp của Giống vi khuẩn Vibrio, làm cho việc kiểm soát và khống chế mầm bệnh vi khuẩn gây bệnh EMS/AHPND trở nên rất phức tạp và khó khăn. Vi khuẩn V. parahaemolyticus sản sinh ra độc tố nhưng độc tố đó không là nguyên nhân trực tiếp gây tổn hại đến vật chủ. Hầu hết mầm bệnh vi khuẩn Vibrio sau khi xâm nhập vào vật chủ chúng sẽ nhanh chóng phát triển, gia tăng mật số để bảo vệ chính nó và cùng với sự phát triển của vi khuẩn là sức khỏe của vật chủ yếu đi và dẫn đến cái chết.

Dòng vi khuẩn V. parahaemolyticus gây bệnh EMS/AHPND không tấn công và xâm nhập vào máu của tôm thông qua các vết thương hoặc các cơ chế xâm nhập khác. Điều này giải thích lý do tại sao thuốc kháng sinh không thể ngăn chặn các nhiễm trùng do EMS/AHPND gây nên. Nếu như kháng sinh không thể tiếp xúc với mầm bệnh ở mức độ đủ để ảnh hưởng đến nó thì kháng sinh sẽ không thể phát huy tác dụng. Mặc dù vẫn có nhiều trường hợp cần dùng đến kháng sinh trong việc điều trị bệnh trên tôm, dùng kháng sinh để trị bệnh EMS/AHPND là một ví dụ rất điển hình về việc sử dụng kháng sinh không hiệu quả. Ẩn mình trong cái vỏ bọc an toàn là màng bao sinh học (biofilm), vi khuẩn V. parahaemolyticus – tác nhân gây bệnh EMS/AHPND được bảo vệ trước các hóa chất về mặt lý thuyết là có thể tiêu diệt chúng. Điều này sẽ đặt ra một thách thức rất lớn đối với các cố gắng phát triển một phương pháp điều trị EMS/AHPND.

Triệu Tuấn, trieutuan.blog
Source: The Global Aquaculture Advocate (The Global Magazine for Farmed Seafood).  Editor, Darryl Jory (dejry2525@aol.com).  AHPN Inferences Based on Behavior of Vibrio Bacteria.  Stephen G. Newman.  Volume 16, Issue 6, Page 34, November/December 2013. Shrimp News International.

Trieu Tuan
Trieu Tuan
Triệu Tuấn là một ông bố 2 con, tốt nghiệp Tiến sỹ chuyên ngành Công nghệ sinh học tại Nhật Bản. Hiện nay đang công tác tại Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau (iPEC).

Share this article

Recent posts

Popular categories

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Recent comments