Nghiên cứu ứng dụng công nghệ Biofloc trong nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng Litopenaeus vannamei quy mô sản xuất

-

Nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng có thể bị tác động bởi các yếu tố tiêu cực như ô nhiễm môi trường, tảo bùng phát do chất thải giàu chất dinh dưỡng nitơ và phốt pho như thức ăn dư thừa, chất thải từ tôm vào môi trường ao nuôi.

Công nghệ Biofloc (BFT) tạo điều kiện thuận lợi để các vi khuẩn dị dưỡng sử dụng các chất thải này chuyển hóa thành sinh khối vi khuẩn (các hạt floc) và tôm có thể sử dụng làm thức ăn. Mục tiêu của công nghệ Biofloc nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng là giảm ô nhiễm môi trường (chủ yếu là dinh dưỡng nitơ) và giảm hệ số chuyển hóa thức ăn.

Thực hiện nghiên cứu nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng ở quy mô sản xuất với 03 ao nuôi công nghệ Biofloc, diện tích mỗi ao là 2500 m2, 01 ao đối chứng. Các ao nuôi đảm bảo tiêu chuẩn nuôi an toàn sinh học. Mật độ nuôi 100 con/m2, tôm giống (P15, tôm 15 ngày tuổi), kích thước 12 – 15mm, thời gian nuôi 90 ngày. Sử dụng thức ăn CP có độ đạm ≥42%, (giảm 20% theo tiêu chuẩn). Tỷ lệ các bon/nitơ (C/N) trong ao nuôi là 12:1. Nguồn bổ sung các bon vào ao nuôi từ rỉ đường (37% các bon). Theo dõi và đánh giá các thông số môi trường (TAN là tổng nitơ dạng amoni, Nitrit); thông số đánh giá chất lượng Biofloc gồm có FVI (chỉ số thể tích floc được viết tắt từ floc volume index), TSS (Tổng chất rắn lơ lửng được viết tắt từ total suspended solids), VSS (tổng chất rắn dạng dễ hòa tan viết tắt từ volatile suspended solid) và các thông số kỹ thuật nuôi tôm như trọng lượng tôm, tỷ lệ sống, hệ số chuyển hóa thức ăn và tốc độ tăng trưởng.

Bảng: Thông số kỹ thuật nuôi tôm ao nuôi công nghệ Biofloc

image

Kết quả cho thấy thông số môi trường có nồng độ amoni tổng số (TAN) trong các ao BFT luôn thấp hơn 0,5 mg/l trong khi đó ao đối chứng giá trị TAN thường lớn hơn 1mg/l. Hàm lượng nitrit có chu kỳ tăng trong 4-5 tuần đầu vụ nuôi ở các ao BFT (0,01-1,2 mg/l), sau đó nồng độ giảm dần (1,2 xuống 0,05mg/l). Ở ao đối chứng nồng độ nitrit tăng dần theo thời gian nuôi (nồng độ 0,01 – 3,5mg/l). Sự giảm nồng độ rõ rệt của TAN và nitrit so với ao đối chứng chứng minh khả năng chuyển hóa chất dinh dưỡng dư thừa trong ao nuôi. Đánh giá công nghệ Biofloc của ao nuôi tôm thông qua các thông số đánh giá chất lượng Biofloc FVI, TSS và VSS cho thấy: theo thời gian nuôi FVI dao động 0,3-4,1ml/l (tốt nhất là <5ml/l theo Hiền và ctv, 2011), ao đối chứng là 0,1-0,5ml/l; TSS dao động trong khoảng 0,15-0,80mg/l (tốt nhất là <1mg/l theo Hiền và ctv, 2011), ao đối chứng 0,01-0,20mg/l. VSS trong khoảng 0,08-0,55mg/l, ao đối chứng VSS rất thấp 0,01-0,1mg/l.

Kết quả thông số kỹ thuật nuôi tôm sau 90 ngày cho thấy trọng lượng tôm, tỷ lệ sống, tốc độ tăng trưởng của ao nuôi công nghệ BFT đều cao hơn so với ao đối chứng, hệ số chuyển hóa thức ăn thấp hơn so với ao đối chứng (bảng).

Như vậy, với các kết quả của thông số môi trường nước, thông số Biofloc và thông số kỹ thuật nuôi tôm trong ao nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ Biofloc đã đạt được mục tiêu giảm ô nhiễm môi trường và giảm hệ số chuyển hóa thức ăn, giảm trên 20% lượng thức ăn.

Nguồn tin: Nguyễn Thị Thu Hiền, Nguyễn Văn Huấn. Bản tin Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I, Số 8 (2012 – 1/2013).

Trieu Tuan
Trieu Tuan
Triệu Tuấn là một ông bố 2 con, tốt nghiệp Tiến sỹ chuyên ngành Công nghệ sinh học tại Nhật Bản. Hiện nay đang công tác tại Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau (iPEC).

Share this article

Recent posts

Popular categories

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Recent comments