Ngăn chặn dịch bệnh từ thức ăn và nguồn dinh dưỡng tối ưu cho nuôi trồng thủy sản

-

Ngành thủy sản phát triển và thay đổi nhanh chóng với sự gia tăng các hệ thống nuôi nước ngọt, nước mặn bằng thức ăn ép đùn. Trong khi, bột cá trở thành vấn đề nóng của ngành thức ăn thủy sản bởi thế giới vẫn đang nỗ lực tìm kiếm nguồn protein bền vững có khả năng thay thế.

Phần 1: Chặn dịch bệnh từ nguồn thức ăn

Nguồn protein động vật dồi dào nhất và có thể trở thành nguyên liệu thức ăn thủy sản chính là những nguồn protein trong ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm; gồm sản phẩm phụ từ gia cầm, bột gia cầm, bột lông vũ, bột huyết, bột xương heo và sản phẩm phụ từ động vật nhai lại. Đây thực sự là nguồn protein vô tận. Ngoài những sản phẩm này, còn có nhiều loại bột protein thực vật có nguồn gốc từ các loại hạt có dầu, hạt ngũ cốc và các loại protein đậm đặc từ đậu Hà Lan, khoai tây, đậu lupin.

Có lẽ, nguồn protein tiềm năng và đáng chú ý nhất chính là nguồn protein vi sinh vật từ nguồn chất thải và chất nền trong ngành nông nghiệp chi phí thấp, gồm protein đơn bào (SCP), nấm men đơn bào, tảo đơn bào. Một nguồn protein là bột protein từ các loại động vật không xương sống (như côn trùng, giun nhiều tơ) cũng đang ngày càng được quan tâm. Thế nhưng chỉ trừ khi chúng ta sản xuất được hàng nghìn tấn sản phẩm này, thì chúng mới được coi là nguồn protein không giới hạn.

Tuy nhiên, dù là nguồn thức ăn nào, chúng đều có thể trở thành hiểm họa gây ra dịch bệnh nếu chất lượng không đảm bảo. Thời gian qua, dịch bệnh AHPND và EMS đã tàn phá các trang trại nuôi tôm. Nguồn thức ăn từ vật sống chưa qua tiệt trùng trong suốt chu kỳ nuôi tôm bố mẹ, tôm giống (gồm cả việc sử dụng các loại giun nhiều tơ sống, Artemia và sinh khối) và một lượng ít các loại thức ăn từ bột đầu tôm trong pha nuôi tăng trưởng đều tiềm ẩn hiểm họa dịch bệnh.

Thật tiếc chưa có nhiều quốc gia quản lý an toàn thức ăn chăn nuôi thủy sản bằng luật pháp, ví dụ như hệ thống quản lý sản xuất các loại thức ăn chăn nuôi tổng hợp. Do đó, việc làm thế nào để đảm bảo người nông dân tiếp cận được nguồn thức ăn chăn nuôi chất lượng, đáp ứng mọi tiêu chí dinh dưỡng của các vật nuôi trong khâu tăng trưởng và khỏe mạnh vẫn còn là vấn đề nan giải.

Để đảm bảo nguồn thức ăn không còn là mầm mống của dịch bệnh cho các trại thủy sản, chúng ta cần vạch ra những bước đi cụ thể cho chuỗi cung ứng thức ăn chăn nuôi. Để làm được việc này, có hai hướng khả thi. Trước tiên, những nguồn nguyên liệu thức ăn từ động vật hay thực phẩm sống khi bán ra thị trường buộc phải đảm bảo sạch bệnh hoặc được khử trùng trước khi vận chuyển. Thứ hai, nguồn thức ăn đó cũng phải được khử trùng trong suốt giai đoạn chế biến dù là chế biến bằng công nghệ ép đùn hay xạ chiếu tia gamma. Ngoài ra, việc cho vật nuôi ăn lại nguồn thức ăn chế biến từ chính nó (ví dụ dùng bột đầu tôm để nuôi tôm) nên bị cấm bằng cơ chế luật pháp cứng rắn; mục đích ngăn chặn sự xuất hiện dịch bệnh từ các nguồn thức ăn chế biến bằng vật nuôi nhiễm bệnh.

Phần 2: Nguồn dinh dưỡng tối ưu

Những vướng mắc lớn nhất trong ngành sản xuất thức ăn thủy sản, cụ thể là ngành thức ăn nuôi tôm hiện nay lại nằm ở các trại nuôi và khâu quản lý. Theo tôi, ngành công nghiệp nuôi tôm phải học hỏi và đi theo ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm ở khía cạnh an toàn sinh học và dứt khoát từ bỏ hệ thống nuôi mở trong ao để phát triển và xây dựng hệ thống nuôi khép kín theo các tiêu chuẩn an toàn sinh học đầy đủ.

Ngoài ra, một nguồn thức ăn nuôi tôm được đánh giá là thành công hay không lại phụ thuộc vào khâu quản lý thức ăn ở trang trại đó, đây chính là nhiệm vụ của người nông dân (những người trực tiếp tham gia sản xuất). Các “vệ tinh” xung quanh là các công ty sản xuất thức ăn và chính phủ sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng và hỗ trợ người nông dân hoạt động. Hầu hết trại nuôi tôm tại châu Á đều do nông dân làm chủ và hoạt động theo quy mô nhỏ với nguồn lực tài chính và cơ hội tiếp cận kênh thông tin khoa học kỹ thuật chính thống còn rất hạn chế. Ngành tôm nuôi cũng sẽ nối gót ngành cá vây nuôi từ việc tăng cường sử dụng các loại thức ăn ép đùn nhằm cải thiện dinh dưỡng và tăng trưởng cho tôm cho đến gia tăng nguồn thức ăn an toàn sinh học. Cuối cùng là giảm chi phí thức ăn trên mỗi đơn vị sản phẩm, chú trọng sản xuất các loại phụ gia thức ăn nhạy cảm nhiệt, enzymes, vitamin, chất tạo màu và probiotics.

Khi bạn quản lý thức ăn tốt, thì cũng góp phần mang lại thành công cho cả trang trại. Cần phải nhớ rằng, ngành nuôi trồng thủy sản đang được coi là chìa khóa giải bài toán an ninh lương thực, nhất là khi dân số toàn cầu bùng nổ. Cá và các loại thủy sản có vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp chất dinh dưỡng cho con người. Đây là một trong 3 nguồn protein chủ lực cho con người sau ngũ cốc và sữa, chiếm 6,5% tổng nguồn cung protein toàn cầu hoặc 16,4% tổng nguồn cung protein động vật. Tuy nhiên, nguồn thủy sản tự nhiên không thể đáp ứng được nhu cầu của thế giới khi dân số gia tăng suốt 2 thập kỷ qua và do đó nuôi trồng thủy sản trở thành tia hy vọng về một nguồn cung protein bền vững. Mặt khác, thủy sản là nguồn dinh dưỡng có giá phù hợp với người tiêu dùng, thậm chí ở những quốc gia châu Phi nơi có thu nhập thấp và ở châu Á. Riêng khu vực châu Á, cá và sản phẩm thủy sản là nguồn protein chủ lực sau ngũ cốc và các loại rau, chiếm 7,5% nguồn cung protein toàn khu vực và 21,9% nguồn cung protein động vật nói riêng.

Từng nghiên cứu sâu về dinh dưỡng thủy sản, tôi luôn mong chờ mọi cá nhân và tập thể trong ngành nuôi trồng thủy sản nhận thức được giá trị thực của từng sản phẩm mà họ đang sản xuất. Đó không chỉ là những sản phẩm chứa hàm lượng dưỡng chất quan trọng hàng đầu như DHA hay EPA, mà tất cả các dưỡng chất khác như các loại protein chất lượng cao, tốt cho tiêu hóa; từ đó đưa thủy sản thực sự trở thành một “siêu thực phẩm” – sự lựa chọn dinh dưỡng tối ưu cho con người.

Source: Tiến sĩ Albert C.J.Tacon, Tạp chí Thủy sản VN

Trieu Tuan
Trieu Tuan
Triệu Tuấn là một ông bố 2 con, tốt nghiệp Tiến sỹ chuyên ngành Công nghệ sinh học tại Nhật Bản. Hiện nay đang công tác tại Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau (iPEC).

Share this article

Recent posts

Popular categories

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Recent comments