Một số câu Hỏi – đáp về hệ thống aquaponics

-

Bài viết trình bày một số vấn đề cơ bản về aquaponics thông qua các câu hỏi và trả lời.

Aquaponics là gì và nó hoạt động như thế nào?

Aquaponics là thuật ngữ kết hợp giữa aquaculture (nuôi trồng thủy sản) và hydroponics (thủy canh). Aquaponics sử dụng nước tuần hoàn từ bể cá để cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng. Vi khuẩn nitrite/nitrate hóa sẽ chuyển chất thải từ bể nuôi cá sang dạng dinh dưỡng phù hợp cho cây trồng. Nước cũng được lọc sạch bởi cây trồng và cung cấp cho bể cá. Đây là hệ thống tuần hoàn tận dụng lợi ích của nhau một cách hoàn hảo.

Aquaponics có phải là hệ thống sản xuất hữu cơ (organic)?

Aquaponics hiện được chứng nhận hữu cơ ở nhiều nước. Đây là hệ thống tuần hoàn hoàn hảo. Cá và cây trồng tận dụng lợi ích của nhau, chúng ta không cần cung cấp phân bón hay chất hóa học cho cây trồng. Bạn chỉ cần cung cấp thức ăn cho cá mà thôi.

Đây chỉ là mô hình dành cho sở thích cá nhân hay có thể phát triển qui mô công nghiệp?

Bạn hoàn toàn có thể xây dựng một mô hình aquaponics cho gia đình mình để cung cấp thực phẩm sạch và an toàn cho cả nhà. Hoặc bạn muốn bán các sản phẩm sạch và an toàn cho người tiêu dùng? Bạn hoàn toàn có thể phát triển trên qui mô lớn để sản xuất ra sản phẩm nhiều hơn và kinh doanh nó. Tất cả tùy thuộc ở bạn!

Hệ thống aquaponics có cần đặt trong nhà kính (greenhouse) không?

Hệ thống nhà kính không phải là điều cần thiết và thiết yếu trong thiết kế hệ thống aquaponics, mặc dù nhà kính có thể bảo vệ hệ thống của bạn bởi mưa, gió,…nếu bạn ở vùng có khí hậu lạnh thì hệ thống nhà kính là cần thiết để bảo vệ cây trồng và cá nuôi trong hệ thống aquaponics vào mùa đông.

Lợi ích của hệ thống aquaponics là gì?

– Giảm lượng nước sử dụng

– Giảm sử dụng hóa chất

– Giảm sử dụng thuốc trừ sâu

– Không cần sử dụng đất để trồng cây

– Có thể sản xuất cá, rau cải an toàn cho gia đình quanh năm

– So với hệ thống thủy canh, aquaponics hoàn toàn không cần sử dụng hóa chất hay phân bón cho cây trồng

– So với hệ thống nuôi truyền thống, aquaponics không có chất thải ra môi trường

– Có thể phát triển aquaponics mà không cần diện tích lớn

Lợi ích của vi khuẩn trong hệ thống aquaponics là gì?

Vi khuẩn giữ vai trò quan trọng trong hệ thống aquaponics. Vi khuẩn chuyển hóa chất thải từ cá sang dạng dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng, từ đó cung cấp nước có chất lượng cao trở lại cho bể nuôi cá. Hệ thống vi khuẩn có lợi sẽ tự động phát triển trong hệ thống aquaponics khi có đầy đủ oxy và chất dinh dưỡng cần thiết.

Các yếu tố chính cho một hệ thống aquaponics thành công là gì?

Oxy hòa tan: cũng như con người, cá cần oxy để sống. Do đó, bạn phải chú ý đển việc đảm bảo hàm lượng oxy thích hợp cho tôm cá phát triển. Hàm lượng oxy hòa tan thường thấp vào lúc sang sớm và phụ thuộc vào nhiều yếu tó khác như mật độ tôm cá trong hệ thống, nhiệt độ nước, độ mặn,…Nên có bộ dụng cụ kiểm tra hàm lượng oxy hàng ngày để đảm bảo điều kiện tốt nhất cho cá tôm phát triển.

Nhiệt dộ nước: Nhiệt độ nước rất quan trong trong hệ thống. Nhiệt độ cao quá sẽ làm cá tôm bị sốc và có thể chết, nó cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của cây trồng. Ngược lại, khi nhiệt độ xuống thấp cũng gây hại cho tôm cá và cây trồng trong hệ thống aquaponics của bạn. Nên theo dõi nhiệt độ thường xuyên và có biện pháp giữ ổn định nhiệt độ cho hệ thống aquaponics của bạn.

pH: pH cũng là một yếu tố quan trọng cần quan tâm theo dõi trong hệ thống của bạn. Giá trị pH thường thấp vào ban đêm và sang sớm. Bạn nên giữ pH ổn định trong khoảng > 7 là tố nhất.

Dinh dưỡng trong nước: Cả dinh dưỡng dạng NO3/NH4 (macro nutrients) và vi lượng (micro nutrients) đều cần thiết cho cây trồng trong hệ thống aquaponics. Phần lớn nguồn dinh dưỡng này đến từ chất thải của cá và một phần hòa tan từ thức ăn của cá. Trong một số trường hợp (thường là do chất lượng thức ăn của cá tôm kém) cần thiết phải bổ sung thêm một số nguyên tố vi lượng cần thiết cho cây trồng.

Kiểm soát chất lượng nước: Nên có bộ dụng cụ kiểm tra các yếu tố môi trường cần thiết để kiểm soát chất lượng nước nuôi cá trong hệ thống aquaponics của bạn. Bạn có thể ghi lại sự biến động trong suốt quá trình vận hành hệ thống để so sánh, đối chiếu và dùng như một tài liệu tham khảo cho những hệ thống khác mà có thể bạn sẽ phát triển trong tương lai.

Nguồn nước có thể sử dụng trong aquaponics như thế nào?

Cũng giống như nước dùng trong nuôi trồng thủy sản và trồng cây thông thường, nước sử dụng trong hệ thống aquaponics phải không chứa hóa chất độc hại, có rất ít hoặc không có chất rắn lơ lững. Nước trong là tốt vì bạn có thể quan sát cá, kiểm soát chất thải dưới đáy bể và xem lượng thức ăn có thể dư thừa trong bể. Nếu dùng nước khử trùng bằng chlorine, bạn phải chắc chắn rằng không còn tồn dư chrorine trong nước bằng cách test cẩn thận. Vì dư lượng chlorine có thể ảnh hưởng đến cá và hệ vi khuẩn có lợi trong hệ thống aquaponics của bạn.

Tôi có thể sử dụng nước ngọt hay nước mặn lợ?

Cả nước ngọt hay mặn lợ đều có thể dùng trong hệ thống aquaponics. Tuy nhiên nước ngọt được dùng phổ biến hơn vì có rất nhiều loại cây trồng chỉ có thể phát triển trong môi trường nước ngọt. Nước mặn lợ thường sử dụng rất ít và cũng có ít loài cây có thể trồng trong nước mặn lợ, thường người ta trồng rong biển trong hệ thống aquaponics nước mặn lợ.

Có thể trồng cây gì trong hệ thống aquaponics?

Nuôi cá gì và trồng cây gì trong hệ thống Aquaponics có lẽ là hai câu hỏi lớn nhất và khó khăn nhất trong thiết kế và xây dựng hệ thống Aquaponics. Bạn sẽ hỏi rằng loại cây trồng nào có thể phát triển trong hệ thống Aquaponics và câu trả lời là hầu như tất cả các loại cây trồng đều có thể thích ứng tốt với Aquaponics. Tuy nhiên, sự phát triển của cây trồng trong hệ thống Aquaponics còn phụ thuộc rất nhiều vào việc thiết kế và vận hành hệ thống Aquaponics của bạn. Quan trọng nhất là mật độ cá nuôi và mật độ cây trồng phải phù hợp và cân bằng. Bạn nên theo dõi sự phát triển của cây trồng và sau đó mới quyết định là có tăng mật độ cá nuôi lên hay không. Nếu cây trồng phát triển tốt thì có nghĩa là với mật độ cá đó đủ cung cấp dinh dưỡng cho cây trong hệ thống Aquaponics của bạn, ngược lại bạn cần phải tăng mật độ cá nuôi lên. Vấn đề khí hậu thời tiết ở khu vực bạn sinh sống cũng rất quan trọng trong việc lựa chọn cây trồng phù hợp.

Tôi có thể nuôi con gì trong hệ thống aquaponics?

Đây có lẽ là câu hỏi mà bất kỳ ai mới tham gia xây dựng hệ thống Aquaponics đều thắc mắc. Có rất nhiều loài cá khác nhau có thể nuôi trong hệ thống Aquaponics, tùy thuộc vào điều kiện khí hậu thời tiết khu vực bạn sinh sống và các vật tư sẵn có của bạn. Tuy nhiên, bạn phải chú ý rằng cá tôm nuôi trong hệ thống BẮC BUỘT phải là loài nước ngọt, vì cây trồng trong hệ thống chỉ có thể phát triển khi được cung cấp nước ngọt! Ngoài ra, bạn cũng nên xác định mục đích của việc phát triển Aquaponics cho gia đình mình để chọn loài cá phù hợp. Chẳng hạn như bạn nuôi cá để ăn thịt hay chỉ để ngắm để chọn lựa loài cá phù hợp!? Điều này rất quan trọng và theo tôi bạn nên xác định trước khi xây dựng hệ thống để đảm bảo cá phát triển tốt nhất. Sau đây là danh sách các loài cá bạn có thể nuôi trong hệ thống Aquaponics của mình: nhóm cá da trơn (cá trê, cá tra,..); nhóm cá rô phi, điêu hồng; cá tai tượng; nhóm cá rô đồng, cá lóc, cá sặc rằn; nhóm cá chép, một số loài khác là tôm càng xanh, baba, rùa,…Bạn nên chú ý là nuôi tôm sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với nuôi cá và đòi hỏi bạn phải nắm một số kỹ thuật cơ bản nhất định để có thể chăm sóc tôm nuôi trong hệ thống của mình.

Cho cá ăn như thế nào?

Tùy theo loài cá tôm mà có loại thức ăn phù hợp. Bạn nên dùng thức ăn viên công nghiệp (chế biến sẳn) vì tính tiện lợi và dể quản lý thức ăn dư thừa. Không nên dùng thức ăn tươi sống hay tự chế vì dễ dẫn đến ô nhiễm nguồn nước và thành phần dinh dưỡng cũng không phù hợp.

Mật độ cá nuôi như thế nào?

Đây là một trong những câu hỏi khó khăn và phức tạp nhất trong thực hành xây dựng Aquaponics. Mật độ cao hay thấp phụ thuộc rất nhiều vào qui mô và trình độ quản lý hệ thống của bạn. Bạn hoàn toàn có thể nuôi cá với mật độ cao như trong các hệ thống nuôi thâm canh tuần hoàn khác, nhưng vấn đề cần lưu ý là chuyện gì sẽ xảy ra cho hệ thống của bạn khi nuôi cá với mật độ cao như thế? Tất nhiên đó là vấn đề chất thải của cá và chất lượng nước.

Không có một công thức chung nào để xác định mật độ cá nuôi thích hợp mà phụ thuộc vào kinh nghiệm và qui mô hệ thống của bạn. Một cách đơn giản là ban đầu bạn nên thả cá với mật độ thấp và theo dõi tăng trưởng của cây trồng. Nếu như với mật độ đó, cây tăng trưởng tốt thì có lẽ đó là mật độ thích hợp cho hệ thống Aquaponics của bạn. Còn ngược lại, bạn cần phải tăng hoặc giảm mật độ cá nuôi cho phù hợp. Một hệ thống Aquaponics với 8 bể trồng cây (growbed) và 1 bể cá 5000 lít chỉ thả 70 con cá hồi nhưng cây trồng trong 8 growbeds này vẫn tăng trưởng rất ấn tượng. Điều này cho thấy ban đầu bạn không nên thả cá mật độ quá cao mà nên theo dõi một thời gian xem tăng trưởng của cá và của cây trồng để quyết định có nên tăng mật độ cá nuôi hay không. Chúng tôi hy vọng các bạn sẽ chia sẽ những thông tin về hệ thống của mình trên Diễn đàn để mọi người có thể học hỏi và dễ dàng hơn trong việc xây dựng hệ thống Aquaponics cho mình. Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy bạn có thể thả cá với mật độ từ 10 – 30 kg cá/1000 lít thể tích nước.

Tôi cần chuẩn bị dụng cụ gì để xây dựng hệ thống aquaponics?

– Bể nuôi cá

– Bể cạn trồng cây (grow bed)

– Bơm nước

– Bơm sụt khí

– Cái lọc sinh học (Biofiltration)

– Hệ thống lọc cơ

– Hệ thống ống xung quanh bể trồng cây để tưới tiêu và thoát nước

– Cá giống và cây giống

– Nguồn nước

Loại bể cá nào là phù hợp trong hệ thống aquaponics?

Tùy vào điều kiện và mục đích của mình mà bạn có thể chọn bể để nuôi cá phù hợp. Thông thường hay dùng bể nhựa, bạn chú ý là không được dùng bể đã từng đựng các loại háo chất để nuôi cá và nó có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của cá nuôi. Không nên chọn bể nhựa dạng “trong” vì như vậy ánh sáng sẽ xuyên qua và làm cho tảo phát triển trong hệ thống của bạn. Nên dùng nắm đậy bể nuôi cá để tránh ánh sáng chiếu vào làm tảo phát triển. Nên nhó là cá không cần hoặc cần rất ít ánh sáng để phát triển.

Độ sâu của bể trồng cây như thế nào?

Độ sâu của bể trồng cây thường từ 10 – 30 cm, điều này phụ thuộc vào hệ thống rể của cây trồng. Ví dụ, bạn trồng cà-rốt trong hệ thống thì cần độ sâu lớn hơn trồng các loại rau cải. Cũng cần chú ý là độ sâu cần thiết để đủ không gian cho vi khuẩn có lợi phát triển.

Loại bơm nước và bơm sụt khí nào tôi có thể sử dụng?

Trước khi mua bơm, bạn phải xem xét kích cỡ cho phù hợp với hệ thống của mình. Công suất của bơm nước phụ thuộc vào qui mô hệ thống của bạn và khoảng cách giữa bể cá và bể trồng cây (bơm này sẽ bơm nước từ bể cá lên bể trồng cây). Một yếu tố cũng quan trọng là độ bền của cái bơm sử dụng trong hệ thống. Bơm sử dụng liên tục nên bạn chú ý mua loại tốt để đảm bảo thời gian dùng lâu nhất. Ngoài ra cũng cần chú ý khi mua bơm là chọn loại thiết kế để sử dụng liên tục, vì có loại thiết kế theo dạng bơm – dừng – bơm,..

Nếu bạn có câu hỏi khác về hệ thống aquaponics, vui lòng để lại lời nhắn bằng cách bình luận bên dưới bài viết nhé!

© Triệu Tuấn, trieutuan.blog

Trieu Tuan
Trieu Tuan
Triệu Tuấn là một ông bố 2 con, tốt nghiệp Tiến sỹ chuyên ngành Công nghệ sinh học tại Nhật Bản. Hiện nay đang công tác tại Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau (iPEC).

Share this article

Recent posts

Popular categories

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Recent comments