Lợi ích bổ sung chất phụ gia và thức ăn có chất lượng cao trong ương tôm

-

Việc sử dụng các sản phẩm có chất lượng cao ở các trại sản xuất giống nên được tiếp tục thực hiện ở trại ương tôm. Ương tôm trong những điều kiện có kiểm soát sẽ đem lại cho người nuôi cơ hội chăm sóc tôm tốt hơn, làm tôm khỏe hơn. Điều này rất quan trọng và sẽ đảm bảo lợi ích kinh tế khi thu hoạch.

Cần phải tăng cường các biện pháp an ninh sinh học trong ngành nuôi trồng thủy sản như là một phần của “thông thường mới”. Sự thật là ngành công nghiệp tôm ở nhiều nước đã phải chịu những tổn thất kinh tế đáng kể do nhiều bệnh khác nhau, trong đó có bệnh hoại tử gan tụy cấp (AHPND).

Theo Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), AHPND đã được chính thức báo cáo ở Trung Quốc (năm 2010), Việt Nam (năm 2010), Malaysia (năm 2011), Thái Lan (năm 2012), Mexico (năm 2013) và Philippines (năm 2015).

Ước tính thiệt hại kinh tế trong ngành công nghiệp tôm ở Thái Lan là hơn 5,01 tỷ USD. Không có “viên đạn bạc” để giải quyết căn bệnh này hoặc bất kỳ bệnh nào trong tương lai. Tuy nhiên, sự kết hợp giữa việc tăng cường an ninh sinh học, áp dụng các phương pháp quản lý tốt hơn và tập trung vào các sản phẩm dinh dưỡng và sức khoẻ chất lượng cao đang cho thấy các kết quả đầy triển vọng để giúp sản xuất tôm quay trở lại. Bài viết này tóm tắt và thảo luận về một số kết quả bước đầu của việc ương tôm trước khi đưa ra nuôi thương phẩm ở Đông Nam Á.

Dịch bệnh AHPND

Nhiều bệnh tôm đã gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng cho ngành tôm trên toàn cầu. Trong nuôi tôm, những tuần đầu luôn có tầm quan trọng lớn. Bởi vì, nếu tôm có dinh dưỡng và sức khoẻ ngay từ những giai đoạn đầu thì chúng sẽ có sức khỏe tốt hơn ở các giai đoạn sau trong quá trình nuôi. Thông thường, AHPND lây nhiễm sang tôm trong 30 ngày đầu, gây trở ngại lớn cho ngành công nghiệp tôm.

AHPND gây ra bởi vi khuẩn có trong dạ dày và ruột tôm, sản sinh ra độc tố gây hủy hoại mô và làm rối loạn chức năng gan tụy, cơ quan tiêu hóa tôm. Đó là vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus, Vibrio harveyi và cả các vi khuẩn thông thường có trong nước lợ. AHPND ảnh hưởng đến các loài tôm nuôi chính, gồm tôm sú Penaeus monodon, tôm thẻ chân trắng Litopenaeus vannamei và tôm he Trung Quốc Penaeus chinensis, tỷ lệ chết của tôm nhiễm bệnh thường lớn hơn 70%.

Người nuôi tôm đã cố gắng đối phó với bệnh này theo nhiều cách khác nhau. Một số phương pháp đã được áp dụng như: mật độ thả nuôi thấp, thay đổi cách xử lý nước, nuôi ghép tôm với cá rô phi và tăng cường sử dụng kháng sinh. Một số thay đổi trong các quy trình quản lý, đặc biệt là việc đưa lại các chất kháng sinh vào trong sản xuất, đã dẫn đến những vấn đề tiếp theo trong chuỗi giá trị. Đã có liên quan rõ ràng giữa sự bùng phát của AHPND với số lượng lô hàng bị phát hiện và từ chối nhập khẩu do có dư lượng kháng sinh vượt mức quy định của các nước nhập khẩu.

Có một cách giải quyết khác là bổ sung một giai đoạn trước khi thả tôm vào ao nuôi, đó là giai đoạn ương tôm. Đây là một giải pháp quản lý thực tế để đối phó với dịch bệnh. Ở Đông Nam Á, trong thời gian đầu, người ta thường ương tôm trước khi thả nuôi thương phẩm. Nhưng sau đó, cách này đã không còn được sử dụng và tôm giống được thả trực tiếp vào ao nuôi. Ở Mỹ Latinh, người ta vẫn còn sử dụng các trại ương tôm và ngày càng phát triển. Điều này được thực hiện như một công cụ quản lý để làm tăng sự phát triển của tôm và rút ngắn chu trình sản xuất. Ngược lại, sử dụng lại các trại ương tôm ở Đông Nam Á gần đây là một biện pháp tăng cường an ninh sinh học, nhằm chống lại các loại dịch bệnh, đặc biệt là AHPND.

Xây dựng trại ương tôm

Việc xây dựng trại ương có thể thay đổi tùy theo nhu cầu sản xuất, kiến thức và kinh nghiệm của người nuôi cũng như mức độ đầu tư.

Một trong những điểm quan trọng là việc chuyển hậu ấu trùng từ trại ương sang ao nuôi. Điều rất quan trọng là việc này phải được thực hiện nhẹ nhàng nhất có thể để giảm thiểu sự căng thẳng của tôm. Cũng ở giai đoạn này, ví dụ 5 ngày trước và 5 ngày sau khi chuyển tôm qua ao nuôi, cần bổ sung chất phụ gia có chất lượng cao để tăng cường sức khoẻ hoặc tăng cường miễn dịch để giúp tôm thích nghi tốt.

Việc ương tôm thường được thực hiện trong vòng 20 – 30 ngày, tính từ PL10. Trong giai đoạn này, chế độ chăm sóc tốt hơn, thức ăn và các chất bổ sung có chất lượng cao hơn được xem là cách tốt để giúp tôm phòng chống nhiễm bệnh, đặc biệt với bệnh AHPND. Giai đoạn này cũng làm tăng khả năng chống chịu của tôm đối với các loại bệnh khác.

Quan tâm đến thức ăn và các chất bổ sung có chất lượng cao

Việc sử dụng các sản phẩm có chất lượng cao hơn ở các trại sản xuất giống nên được tiếp tục thực hiện ở trại ương tôm. Nuôi tôm trong những điều kiện có kiểm soát hơn cũng đem lại cho người nuôi cơ hội chăm sóc tôm tốt hơn, làm tôm khỏe hơn. Điều này rất quan trọng và sẽ đảm bảo lợi ích kinh tế khi thu hoạch.

Trong Bảng 1, những kết quả từ một thử nghiệm thương mại được thực hiện ở Thái Lan đã cho thấy sự khác biệt giữa những phương thức cho ăn truyền thống ở trại sản xuất giống khi so sánh với phương thức nuôi bằng thức ăn có chất lượng cao cùng với bổ sung có chọn lọc cẩn thận các nguồn protein biển và các acid amin.

Bảng 1. Các chỉ số hoạt động chính từ các trang trại nuôi tôm ở Thái Lan, sử dụng các phương thức cho ăn bình thường được phát triển cho giai đoạn ương, so sánh với phương thức có bổ sung các chất phụ gia có chất lượng cao để tăng cường sức khỏe và dinh dưỡng cho tôm. Hậu ấu trùng PL10 được ương trong 24 ngày và chuyển sang ao nuôi (PL34)

Những con số trên cho thấy rằng có một lợi thế đáng kể từ việc nuôi hậu ấu trùng ở giai đoạn ương có sử dụng các loại thức ăn và các sản phẩm cải thiện sức khoẻ có chất lượng cao. Việc thêm các sản phẩm này đảm bảo chế độ ăn có hàm lượng cao các vitamin, chất béo và nucleotide để hỗ trợ điều hòa áp suất thẩm thấu, tăng trưởng và các quá trình quan trọng khác trong điều kiện bình thường cũng như trong các điều kiện bất lợi. Tất cả những điều này làm cho tôm khỏe hơn với tốc độ phát triển nhanh hơn và tỷ lệ sống được cải thiện.

Cũng cần lưu ý rằng mật độ ương nuôi có thể cao hơn nhiều nếu sử dụng thức ăn và các chất phụ gia có chất lượng cao. Điều này làm cho người nuôi dễ dàng quản lý chất lượng nước, sử dụng nước và giảm đầu tư ban đầu do tiết kiệm không gian và cơ sở hạ tầng. Mật độ ương thông thường ở châu Mỹ Latinh có nhiều biến động, nhưng thường không quá 10 – 12 hậu ấu trùng/lít và tỷ lệ sống khoảng 75 – 85%. Trong các thử nghiệm ở Thái Lan, tỷ lệ sống là 85 – 90% với mật độ ương 35 – 40 PL/lít và một vài người nuôi đang thử nghiệm với mật độ khoảng 50 PL/lít.

Tăng cường an ninh sinh học

Các biện pháp an ninh học sinh được tăng cường khi tôm được ương nuôi trong những bể hoặc ao nhỏ, thường ở bên trong một tòa nhà hoặc bên dưới mái che cũng có lợi cho người nuôi.

Lợi ích có được từ việc ương tôm là cung cấp thêm một điểm kiểm soát chất lượng tôm trước khi chúng được thả vào ao nuôi thương phẩm (Hình 2). Người nuôi có cơ hội lấy mẫu và phân tích dịch bệnh tôm trước khi thả. Điều này có thể tiết kiệm cho người nuôi nhiều công việc và tránh được những tổn thất kinh tế tiềm ẩn.

Hình 2: Sơ đồ mô tả cơ hội kiểm tra bệnh để làm giảm nguy cơ đem tôm bị nhiễm bệnh sang ao nuôi thương phẩm

Trong nuôi tôm, vẫn còn có nhiều công đoạn cần phải tăng cường mức độ an ninh sinh học. Trong ngành chăn nuôi (gia cầm, heo) thì vấn đề kiểm dịch đối với du khách, các thủ tục khử trùng và vận chuyển động vật nghiêm ngặt hơn nhiều so với bất kỳ ngành nuôi trồng thủy sản nào. Như là một phần của “thông thường mới”, ngành tôm nên học hỏi từ các ngành khác về khía cạnh này và tăng cường mức độ an ninh sinh học ở tất cả các công đoạn, từ trại giống đến trại ương và ao nuôi thương phẩm.

Kết luận

Việc đưa trở lại các trại ương tôm ở nhiều nước Đông Nam Á là một bước quan trọng trong việc quản lý “thông thường mới” cho ngành tôm. Sự xuất hiện của các bệnh mới sẽ không dừng lại và ngành nuôi tôm phải thích nghi với các bệnh hiện tại và tương lai thông qua việc áp dụng các thực hành quản lý và tập trung vào thức ăn, các chất bổ sung có chất lượng cao để đảm bảo tôm được khỏe mạnh. Các trại ương tôm đã được người nuôi ở Thái Lan, Việt Nam và Indonesia thực hiện trên quy mô thương mại. Không chỉ ngành tôm mà còn chính phủ ở một số nước đã nhận thấy tầm quan trọng trong việc khuyến khích các trại ương tôm hoạt động. Chính phủ Việt Nam, cụ thể là Tổng cục Thủy sản đã thấy lợi ích đối với những người nuôi tôm quy mô nhỏ sử dụng trại/ao ương để tăng sản lượng mà không làm tăng sử dụng đất.

Người nuôi ở các trại ương tôm giống nên quan tâm đến việc sử dụng các sản phẩm có chất lượng cao (thức ăn và các chất bổ sung vào thức ăn) được sản xuất đặc biệt cho giai đoạn này. Chi phí sẽ tăng lên, nhưng sản lượng thu hoạch tăng sẽ đem lại lợi nhuận cao hơn so với phần chi phí tăng thêm để ương tôm. Hãy nhớ rằng, ngày nay nhiều người nuôi tôm không vượt qua được 30 ngày nuôi do bệnh.

An ninh sinh học có tầm quan trọng quyết định đến công nghiệp nuôi tôm, cả về xử lý các bệnh hiện nay cũng như sẵn sàng đối phó với các bệnh mới nổi. Chúng ta không thể đoán trước các bệnh mới là gì, nhưng có nhiều điểm kiểm soát quan trọng và các biện pháp an ninh sinh học nếu được thực hiện tốt sẽ ngăn chặn các đường lan truyền của nhiều bệnh mới.

>> Để đối phó với dịch bệnh tôm chúng ta cần phải áp dụng các biện pháp an ninh sinh học ở cấp nông hộ và áp dụng các phương thức quản lý trong đó tập trung vào thức ăn và các chất bổ sung có chất lượng cao.

Source: Đào Minh, TepBac. Theo Engormix

Trieu Tuan
Trieu Tuan
Triệu Tuấn là một ông bố 2 con, tốt nghiệp Tiến sỹ chuyên ngành Công nghệ sinh học tại Nhật Bản. Hiện nay đang công tác tại Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau (iPEC).

Share this article

Recent posts

Popular categories

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Recent comments