Lịch sử nghiên cứu và sử dụng tảo Spirulina

-

Đã từ lâu, tảo Spirulina đã được con người sử dụng làm thức ăn. Theo Henrikson (1999), cho rằng ở thế kỷ XVI thổ dân Aztec sống quanh vùng hồ Texcoco vẫn thường thu vớt một loại thức ăn từ hồ này, họ gọi món ăn đó là Tecuilat mà thành phần chính của nó là tảo Spirulina.

1. Lược sử nghiên cứu spirulina

Đã từ lâu, tảo Spirulina đã được con người sử dụng làm thức ăn. Theo Henrikson (1999), cho rằng ở thế kỷ XVI thổ dân Aztec sống quanh vùng hồ Texcoco vẫn thường thu vớt một loại thức ăn từ hồ này, họ gọi món ăn đó là Tecuilat. Tecuilat được bán tại các chợ của Mexico và được ăn cùng với ngô và ngũ cốc khác hoặc ăn cùng với nước chấm gọi là Chilmolli. Về sau Tecuilat được xác định là làm từ tảo lam Spirulina maxima, một loại thức ăn rẻ tiền và nhiều dinh dưỡng.

Tảo Spirulina đã được nghiên cứu từ nhiều năm nay. Chúng có những đặc tính ưu việt và giá trị dinh dưỡng cao. Các nhà khoa học trên thế giới đã coi tảo Spirulina là sinh vật có ích cho loài người. Loại tảo này do tiến sĩ Clement người Pháp tình cờ phát hiện vào những năm 1960 khi đến hồ Chad ở Trung Phi. Nhà khoa học này không khỏi kinh ngạc khi vùng đất cằn cỗi, đói kém quanh năm nhưng những thổ dân ở đây rất cường tráng và khỏe mạnh. Khi Clement tìm hiểu về thức ăn của họ và phát hiện trong mùa không săn bắn, họ chỉ dùng một loại bánh màu xanh mà nguyên liệu chính là thứ họ vớt lên từ hồ. Qua phân tích, Clement phát hiện ra loại bánh có tên Dihe này chính là tảo Spirulina. Dân địa phương quanh thị trấn Fort Lamy, nay là nước cộng hoà Chad thuộc Châu Phi ngày nay vẫn ăn Dihe. Họ làm Dihe bằng cách vớt những váng xanh nổi trên mặt nước hồ Chad, sau đó phơi khô chúng trên cát dưới ánh sáng mặt trời rồi đập nhỏ đem bán (Vonshak, 1997).

Ngày nay, có rất nhiều nước trên thế giới nuôi trồng tảo Spirulina. Các sản phẩm làm từ Spirulina đang góp phần to lớn vào việc giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em các nước nghèo và đang phát triển. Bên cạnh đó, Spirulina cũng là nguồn nguyên liệu để sản xuất các loại thuốc và thực phẩm chức năng cho con người.

2. Giá trị dinh dưỡng và hiệu quả chữa bệnh trên người của tảo Spirulina

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận tảo Spirulina là thực phẩm bảo vệ sức khỏe tốt nhất của loài người trong thế kỉ 21. Cơ quan quản lí thực phẩm và dược phẩm Hoa Kì (FDA) công nhận nó là một trong những nguồn protein tốt nhất. Tảo Spirulina có chứa tất cả các loại protein, carbohydrate, acid béo không bão hoà, vitamin và các muối khoáng cần thiết cho nhu cầu dinh dưỡng của con người.

image

Tảo Spirulina xuất hiện trên một loại bánh (Ảnh: www.spirulinaacademy.com)

Theo Henrikson (1999), hàm lượng protein trong Spirulina thuộc vào loại cao nhất trong các thực phẩm hiện nay. Hàm lượng protein khoảng 56-77% trọng lượng khô, cao hơn thịt bò và cá (15-25%), đậu tương (35%), bột sữa (35%), đậu phộng (25%), trứng (12%), ngũ cốc (8-14%). Tảo Spirulina có chứa phong phú các acid amin thiết yếu như methionine, cystine,…rất quan trọng đối với cơ thể con người, đặc biệt là cho trẻ thiếu sữa mẹ. Spirulina rất tốt trong việc phòng và chữa các chứng suy dinh dưỡng ở trẻ em như bệnh “kwashiorkor” gây ra do hệ tiêu hoá của trẻ bị tổn thương. Chỉ cần cung cấp khoảng 36 g Spirulina hàng ngày có thể đáp ứng đầy đủ 100% nhu cầu acid amin thiết yếu cho người trưởng thành. Tỉ lệ tiêu hoá và hấp thu protein của Spirulina rất cao khoảng 85-95% do Spirulina không chứa cellulose trong thành tế bào. Spirulina chứa khoảng 4-7% lipid, phần lớn chất béo trong Spirulina là acid béo không no, trong đó acid linoleic khoảng 13784 mg/kg, γ-linoleic khoảng 11980 mg/kg. Đây là điều hiếm thấy trong các thực phẩm tự nhiên (Hayashi, 1996).

Hàm lượng vitamin trong Spirulina rất cao. Cứ 1 kg tảo xoắn Spirulina chứa 55 mg vitamin B1, 40 mg vitamin B2, 3 mg vitamin B6, 2 mg vitamin B12, 113 mg vitamin A, 190 mg vitamin E, 4000 mg caroten trong đó β-caroten khoảng 1700 mg (cao hơn 1000% so với cà rốt), 0,5 mg acid folic, inosit khoảng 500-1000 mg (Qishen and Lisheng,1988).

image

Spirulina được chế biến thành dạng viên uống (Ảnh: naturkostbar.ch)

Hàm lượng khoáng chất có thể thay đổi theo điều kiện nuôi trồng, thông thường sắt khoảng 580-646 mg/kg (cao hơn 5000% so với rau chân vịt), Mn là 23-25 mg/kg, Mg là 2915-3811 mg/kg, selen là 0,4 mg/kg, Ca, K, P chứa khoảng là 1000-3000 mg/kg (hàm lượng Ca cao hơn 500% so với sữa bò) (Hayashi, 1996).

Trong tảo Spirulina có chứa nhiều loại chất chống lão hóa như β-caroten, vitamin E, acid amin γ-linoleic. Những chất này có khả năng loại bỏ các gốc tự do thông qua tác dụng chống oxy hóa, làm chậm sự lão hóa của tế bào, đồng thời Fe, Ca có nhiều trong tảo vừa dễ hấp thụ vừa có tác dụng phòng và hỗ trợ điều trị các bệnh thường gặp ở người già như thiếu máu, loãng xương (Qishen and Lisheng, 1988). Các nhà khoa học người Nhật nghiên cứu cho rằng người trung niên và người già dùng tảo Spirulina và chịu khó vận động là bí quyết trường thọ của con người. Ý nghĩa bảo vệ sức khỏe của tảo Spirulina là ở chỗ sau khi dùng, tất cả các loại dinh dưỡng mà cơ thể cần đều được bổ sung cùng một lúc, có lợi cho việc trao đổi chất, đồng hóa tổ chức, tăng cường sức đề kháng từ đó đạt được mục đích phòng chống bệnh tật và thúc đẩy phục hồi sức khỏe. Ở Nhật Bản, người già không coi tảo Spirulina là một biện pháp bảo vệ sức khỏe tạm thời mà là để bảo vệ sức khỏe lâu dài để hạn chế chi phí thuốc men và viện phí.

Ngoài hàm lượng dinh dưỡng rất cao và phù hợp với con người, tảo Spirulina còn là một dược liệu quí và có thể dùng điều trị hoặc hổ trợ điều trị nhiều bệnh nguy hiểm trên người. Hayashi (1996) cho rằng nước chiết xuất từ Spirulina có thể ngăn ngừa sự sinh sản HIV-1 ở con người nhờ khả năng kích thích sự gia tăng các bạch cầu limpo-T và bạch cầu đơn nhân của hệ miễn dịch. Chiết xuất cô đặc 5-10 µg/ml Spirulina cho thấy làm giảm sự sản sinh virus khoảng 50%, và chiết xuất cô đặc 100 µg/ml cho thấy ức chế 90-100% virus mà không gây độc đối với tế bào thường. Chiết xuất này cũng ngăn chặn virus Rauscher Murine Leukemia (RVL) làm giảm trên 95% với độ cô đặc từ 75-150 µg/ml, giảm 50% sự hình thành mảng ở mức cô đặc từ 9-30 µg/ml. Calcium Spirulan (Ca-SP) từ tảo xanh Spirulina có khả năng ức chế sự tái tạo màng bao virus. Ca-SP ngăn chặn sự tái tạo nhiều loại virus phát triển bao gồm virus Herpes đơn bào dạng 1, virus cytomegalo ở người, virus sởi, quai bị, cúm A và HIV-1. Người ta khám phá ra rằng Ca-SP ngăn chặn được quá trình thâm nhập của virus vào trong các tế bào động thực vật.

image

Một loại thức uống dinh dưỡng từ Spirulina (Ảnh: goodnessgreen.com)

Tảo Spirulina được sử dụng trong khẩu phần ăn hàng ngày tại các nước ở Châu Phi và Châu Mỹ, giàu đạm tự nhiên, carotenoids và các loại dưỡng chất khác. Các cuộc nghiên cứu trên động vật đã chứng minh khả năng ngăn chặn chất sinh ung thư miệng của tảo Spirulina. Chất Spirulina fusiformis trong tảo Spirulina có khả năng ức chế virus Leukoplakia khoang miệng ở những người hút thuốc lá tại Kerala Ấn Độ (Qishen and Lisheng, 1988).

Hayashi (1996) cho rằng Spirulina có thể làm giảm cholesterol. Cuộc thí nghiệm tiến hành trên 30 người chia thành 2 nhóm A và B với cholesterol cao, tăng huyết áp nhẹ và tăng lipid máu. Sau khi uống Spirulina trong 8 tuần cho thấy hàm lượng cholesterol trong máu giảm đáng kể, huyết áp ổn định hơn. Những người này không thay đổi chế độ ăn uống, ngoại trừ uống thêm Spirulina. Không có tác dụng phụ nào được tìm thấy. Nhóm A tiêu thụ 4,2 gam mỗi ngày trong 8 tuần. Cholesterol giảm xuống một cách đáng kể khoảng 4,5% trong 4 tuần từ 244 xuống 233. Nhóm B dùng Spirulina trong 4 tuần, sau đó ngừng. Hàm lượng cholesterol giảm xuống, sau đó tăng trở lại với mức độ ban đầu. Nghiên cứu kết luận rằng Spirulina đã làm giảm cholesterol trong máu và có tác động tích cực trong việc làm giảm bệnh tim và cải thiện được chứng xơ cứng động mạch.

Ngoài ra tảo Spirulina còn có khả năng ngăn ngừa và điều trị chứng bệnh thiếu máu nguy hiểm. Spirulina giúp phục hồi chức năng gan, đẩy lùi chứng viêm loét dạ dày, kết hợp với polysaccharide giúp cho DNA sửa chữa những sai hỏng do chất phóng xạ gây ra, trị liệu các căn bệnh ung thư, bảo vệ cơ thể chống nhiễm độc tố kim loại nặng như catmi, chì và thủy ngân, làm chậm quá trình suy yếu cơ thể do ăn uống không đủ chất gây ra (Henrikson, 1999). Có thể dùng tảo Spirulina hỗ trợ trong điều trị bệnh viêm gan, suy gan, bệnh nhân bị cholesterol máu cao, viêm da lan tỏa, bệnh tiểu đường, loét dạ dày tá tràng, viêm tụy, bệnh đục thủy tinh thể, suy giảm thị lực và bệnh rụng tóc. Với liều dùng vừa phải, Spirulina làm cân bằng dinh dưỡng, tổng hợp các chất nội sinh, tăng hormon và điều hòa sinh lý, khiến cho người đàn ông có một “sức mạnh” tự nhiên, bền vững. Khi dùng Spirulina, các hoạt chất của nó sẽ điều hòa hormon, làm cân bằng cơ thể, khiến người phụ nữ trở nên khoẻ mạnh hơn, cơ thể sẽ trẻ ra, biểu hiện rõ nhất trên làn da (Fox, 1996).

© Triệu Tuấn, trieutuan.blog

Trieu Tuan
Trieu Tuan
Triệu Tuấn là một ông bố 2 con, tốt nghiệp Tiến sỹ chuyên ngành Công nghệ sinh học tại Nhật Bản. Hiện nay đang công tác tại Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau (iPEC).

Share this article

Recent posts

Popular categories

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Recent comments