Hiện trạng sử dụng thuốc kháng sinh và hóa chất trong nuôi trồng thủy sản

-

Bài viết này trình bày tổng quan về hiện trạng sử dụng và ảnh hưởng của các loại thuốc và hóa chất đang được sử dụng trong nuôi trồng thủy sản đến sức khỏe người tiêu dùng và hệ sinh thái.

Giới thiệu

Nuôi trồng thủy sản đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực của thế giới. Do sự thay đổi về thói quen ăn uống của con người, cá ngày càng được tiêu thụ nhiều hơn và nuôi trồng thủy sản trở thành một nguồn cung cấp cá chính cho con người. Nhằm gia tăng năng suất, các hệ thống nuôi trồng thủy sản thâm canh và siêu thâm canh đang ngày càng phổ biến. Điều này dẫn đến sự bùng phát của dịch bệnh như virus, vi khuẩn, nấm và ký sinh trùng. Các hợp chất kháng khuẩn được sử dụng ngày càng nhiều để phòng và trị bệnh trên tôm cá, nó ảnh hưởng đến vấn đề an toàn thực phẩm đặc biệt là sức khỏe của người tiêu dùng. Bài viết này trình bày tổng quan về hiện trạng sử dụng và ảnh hưởng của các loại thuốc và hóa chất đang được sử dụng trong nuôi trồng thủy sản đến sức khỏe người tiêu dùng và hệ sinh thái.

Sự cần thiết của nuôi trồng thủy sản

Rất nhiều người từng nghĩ rằng nguồn lợi tôm cá ở đại dương sẽ không bao giờ cạn kiệt, tuy nhien hiện nay dấu hiệu này đang hiện rõ hơn bao giờ hết. Việc đánh bắt quá mức, đánh bắt cá nhỏ đang dẫn đến sự suy giảm nguồn lợi thủy sản từ đại dương một cách nhanh chóng. Hơn 40% lượng thủy sản cung cấp cho người tiêu dùng hiện nay có nguồn gốc từ các trang trại nuôi thủy sản. Các chính sách về cắt giảm khai thác thủy sản từ đại dương và gia tăng nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là các đối tượng nuôi mới đang được các nước trên thế giới quan tâm. Điều này cũng góp phần làm gia tăng tỷ trọng của ngành nuôi trồng thủy sản so với khai thác thủy sản. Nuôi trồng thủy sản là ngành tăng trưởng nhanh nhất trong nhóm sản xuất lương thực trên thế giới, khoảng 8%/năm, và theo dự đoán của Ngân hàng Thế giới sẽ có khoảng 2/3 sản lượng thủy sản đến từ các trang trại nuôi trồng thủy sản. Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm thủy sản cho người tiêu dùng, nuôi trồng thủy sản sẽ là một lựa chọn hợp lý và bền vững trong tương lai.

Hiện trạng nuôi trồng thủy sản ở Châu Á – Thái Bình Dương

Ngành công nghiệp nuôi trồng thủy sản ở khu vực Châu Á phát triển rất nhanh, cả về thị trường lẫn các phương pháp nuôi trồng các loài thủy sản mới. Châu Á, đặc biệt là Trung Quốc cung cấp tới hơn 90% tổng sản lượng thủy sản của toàn thế giới. Sự gia tăng nhanh chóng diện tích và quy mô nuôi trồng thủy sản đã dẫn đến sự bùng phát dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh do vi khuẩn, virus. Hiện tại đã có nhiều nghiên cứu và cả thương mại các loại vaccine phòng chống bệnh vi khuẩn, virus trên các loài thủy sản nuôi ở khu vực Châu Á, tuy nhiên hiệu quả chưa cao. Bệnh trên các loài thủy sản nuôi ở khu vực này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng thủy sản toàn thế giới.

Hiện trạng sử dụng biocide (chất diệt khuẩn dạng không oxy hóa) trong nuôi trồng thủy sản

Cùng với việc gia tăng quy mô của ngành công nghiệp nuôi trồng thủy sản, ngành công nghiệp khai thác thủy sản cũng đang được mở rộng để đáp ứng nhu cầu tieu thụ cá tôm ngày càng gia tăng trên thế giới. Việc sử dụng các hợp chất diệt khuẩn, diệt nấm và thuốc trừ sâu trộn vào nước sơn chống hàu bám vào các tàu thuyền cũng ngày càng gia tăng nhanh chóng. Điều này cũng làm gia tăng sự hiện diện của biocide trong nguồn nước dùng cho nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, một số kim loại nặng hoặc các hợp chất của chúng cũng được trộn vào nước sơn để gia tăng hiệu quả chống hàu bám vào tàu thuyền như đồng oxide (Cu2O), dichlofluanid, chlorothalonil, kẽm pyrithione, kẽm,… đây là các hợp chất rất độc đối với môi trường và các loài động vật thủy sinh. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, chất độc của các hợp chất này có ảnh hưởng rất lớn đến các loài thủy sản nuôi quan trọng.

Sử dụng quá nhiều kháng sinh trong chăn nuôi

Một số loài thủy sản nuôi, chẳng hạn như cá hồi rất nhạy cảm với sự thay đổi của các điều kiện môi trường và rất dễ bùng phát dịch bệnh. Điều này dẫn đến việc sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản ngày một gia tăng nhanh chóng. Theo một nghiên cứu của Tổ chức Thú y Châu Âu (FEDESA), các loài động vật nuôi (bao gồm cả thủy sản) tiêu thụ 4.700 tấn chiếm 35% các loại kháng sinh của toàn Châu Âu; trong khi đó con người tiêu thụ khoảng 8.500 tấn kháng sinh chiếm 65%. Trong số các loại kháng sinh sử dụng trong chăn nuôi động vật, khoảng 3.900 tấn được sử dụng để điều trị bệnh cho động vật nuôi và khoảng 786 tấn trộn vào thức ăn nhằm đề phòng dịch bệnh và thúc đẩy tăng trưởng.

Khi được đưa vào môi trường, kháng sinh có thể được hấp thụ bởi các loài cá, nhuyễn thể, tồn tại trong bùn đất và hình thành nên các dòng vi sinh vật kháng kháng sinh. Có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng hệ vi khuẩn xung quanh khu vực nuôi trồng thủy sản có số lượng vi khuẩn kháng kháng sinh cao hơn rất nhiều so với các khu vực khác. Sự hiện diện của kháng sinh trong các sản phẩm thủy sản và trong môi trường nuôi trồng thủy sản có thể dẫn đến sự hình thành các mầm bệnh vi khuẩn kháng kháng sinh trên người. Ví dụ như sự xuất hiện của dòng vi khuẩn kháng kháng sinh Vibrio cholera gây bệnh trên người ở Mỹ Latin năm 1992 có nguồn gốc từ việc sử dụng kháng sinh vô tội vạ trên tôm nuôi ở khu vực Ecuador.

Cùng với việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi, việc hình thành các dòng vi khuẩn gây bệnh kháng kháng sinh trên người cũng gia tăng nhanh chóng và gây thiệt hại đáng kể về kinh tế. Một nghiên cứu được thực hiện ở New York (Mỹ) cho thấy chi phí điều trị cho bệnh nhân nhiễm vi khuẩn Staphylococcus aureus kháng thuốc tăng lên khoảng 2.500 USD/bệnh nhân so với trước đây, hoặc tương đương với 7 triệu USD chỉ tính riêng ở thành phố New York. Một nghiên cứu khác cho thấy, chi phí điều trị tăng thêm cho bệnh nhân khi nhiễm 6 dòng vi khuẩn (kháng thuốc) gây bệnh phổ biến trên người khoảng 661 triệu USD/năm.

Ảnh hưởng của các loại thuốc phòng ngừa dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản

Có quá nhiều các hợp chất hóa học và các loại thuốc được sử dụng trong phòng trị bệnh thủy sản. Thông thường có hai cách sử dụng thuốc và hóa chất trong nuôi trồng thủy sản là tạt xuống ao nuôi hay trộn vào thức ăn. Hai loại hóa chất được dùng nhiều để tạt xuống ao nuôi là formadehyde và oxytetracycline. Formadehyde thường dùng để trị các bệnh do protozoa hay sán lá đơn chủ. Oxytetracycline là một loại kháng sinh phổ rộng dùng để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn trên cá nuôi. Ngoài ra, các loại hóa chất và kháng sinh khác cũng đang được sử dụng rất nhiều trong thủy sản không thể kể hết trong khuôn khổ bài viết này! Việc sử dụng nhiều các loại hóa chất và thuốc kháng sinh dễ dẫn đến việc tích lũy trong môi trường và ảnh hưởng đến các loài thủy sinh vật khác trong hệ sinh thái.

Ảnh hưởng tiêu cực của việc dùng thuốc trong nuôi trồng thủy sản

Việc sử dụng rộng rãi các loại hóa chất và kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản có nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và hệ sinh thái. Môi trường nhiễm các hóa chất và kháng sinh sẽ tích lũy trong các loài động vật thủy sinh hoang dã. Ngoài ra, các loài thực vật thủy sinh như rong bèo cũng có khả năng hấp thụ các loại hóa chất, thuốc và cả kim loại nặng trong môi trường nước. Các loài động thực vật hoang dã là một mắc xích quan trọng trong chuỗi thức ăn, việc tích lũy các loại hóa chất và kháng sinh sẽ dẫn đến hậu quả rất lớn và lâu dài. Quản lý việc sử dụng các hóa chất và thuốc trong nuôi trồng thủy sản sẽ giảm các tác động xấu đến môi trường, các loài sinh vật trong hệ sinh thái và cả con người.

Kết luận

Việc sử dụng quá nhiều các loại thuốc và hóa chất trong nuôi trồng thủy sản có ảnh hưởng rất lớn đến môi trường, hệ sinh thái và cả sức khỏe của con người. Kiểm soát việc sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản cần phải được triển khai trên quy mô toàn thế giới bằng các chính sách, pháp lý mạnh mẽ hơn để đảm bảo sự phát triển bền vững ngành công nghiệp đóng một vai trò to lớn trong việc đảm bảo an ninh lương thực của thế giới.

Source: Triệu Tuấn, trieutuan.blog
Tham khảo: FAO Fisheries Technical Paper. No. 469. Rome, FAO. 2005. 97p; Journal of Drug Delivery & Therapeutics; 2014, 4(1), 117-122; Aquaculture 133: 175–184; Aquaculture 145: 31–39

Trieu Tuan
Trieu Tuan
Triệu Tuấn là một ông bố 2 con, tốt nghiệp Tiến sỹ chuyên ngành Công nghệ sinh học tại Nhật Bản. Hiện nay đang công tác tại Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau (iPEC).

Share this article

Recent posts

Popular categories

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Recent comments