Hiện trạng kháng thuốc kháng sinh trên hai loài vi khuẩn Edwardsiella ictaluri và Aeromonas hydrophila gây bệnh trên cá tra ở ĐBSCL

-

Ngành công nghiệp nuôi cá tra đã phát triển mạnh trong nhiều năm qua, đưa cá tra trở thành sản phẩm thủy sản xuất khuẩu chủ lực của nước ta. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường ngày càng gia tăng, mức độ thâm canh hóa ngày càng cao dẫn đến tình trạng dịch bệnh xảy ra thường xuyên và đem lại nhiều hậu quả nghiêm trọng. Trong đó, 2 bệnh phổ biến và gây thiệt hại lớn cho nghề nuôi cá tra ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là bệnh gan thận mủ do vi khuẩn E. ictaluri (Crumlish et al., 2002) và bệnh xuất huyết do vi khuẩn A. hydrophila gây ra.

Hiện nay, thuốc kháng sinh vẫn còn là biện pháp điều trị bệnh vi khuẩn phổ biến, nhiều loại kháng sinh đã được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam. Trước tình hình diễn biến bệnh ngày càng phức tạp, việc sử dụng kháng sinh không đúng qui định, không kiểm soát dẫn đến tình trạng vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh và đa kháng thuốc (Phuong et al., 2005; Dung et al., 2008).

Bên cạnh đó, vi khuẩn còn có khả năng truyền ngang các gen kháng thuốc giữa các dòng cùng loài và khác loài với nhau thông qua tiếp hợp (Aoki và Takahashi, 1987; Prescott et al., 2000 và Dung et al., 2009), nguy cơ truyền gen kháng thuốc sang vi khuẩn gây bệnh ở người rất cao, đây là mối đe dọa rất lớn đối với cộng đồng. Vì vậy, mục đích của nghiên cứu này là xác định hiện trạng kháng thuốc kháng sinh của vi khuẩn E. ictaluriA. hydrophila, cũng như việc định loại kháng sinh thích hợp để điều trị bệnh gan thận mủ và bệnh xuất huyết có hiệu quả hơn, góp phần giảm thiệt hại cho người nuôi.

Phương pháp nghiên cứu

Nguồn vi khuẩn: Các dòng vi khuẩn kiểm tra kháng sinh đồ được phân lập trên cá tra bị bệnh xuất huyết và gan thận mủ từ các tỉnh nuôi cá tra thâm canh ở ĐBSCL như Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long và Tiền Giang. Thời gian thu thập vi khuẩn được thực hiện từ tháng 1/2013 đến 3/2014, kết quả phân lập vi khuẩn được trình bày trong Bảng 1.

Bảng 1: Số dòng vi khuẩn E. ictaluri và A. hydrophila phân lập từ cá tra bị gan thận mủ và xuất huyết ở ĐBSCL

image

Phương pháp định danh vi khuẩn: Vi khuẩn được phân lập trên môi trường TSA (Merck, Darmstadt, Germany); định danh theo tài liệu hướng dẫn của Frerichs và Millar (1993). Vi khuẩn được kiểm tra các chỉ tiêu cơ bản (nhuộm Gram, di dộng, oxidase, catalase, O -F test) trước khi định danh bằng bộ kit API 20E (bioMerieux, France). Kết quả định danh được kiểm tra lại bằng kỹ thuật PCR (Polymerase Chain Reaction) theo Panangala et al. (2007) và Sakai et al. (2009).

Phương pháp thực hiện kháng sinh đồ: Phương pháp kháng sinh đồ được thực hiện theo tiêu chuẩn của Clinical and Laboratory Standards Institute (CLSI) 2012, trên môi trường Mueller-Hinton Agar (MHA, Meck, Darmstadt, Germany) với 15 loại kháng sinh sau: amoxicillin (AML/10µg), ampicillin (AMP/10µg), cefotaxime (CTX/30µg), chloramfenicol (C/30µg), florfenicol (FFC/30µg), ciprofloxacin (CIP/5µg), enrofloxacin (ENR/5µg), norfloxacin (NOR/5µg), doxycyclin (DO/30µg), tetracyclin (TE/30µg), gentamycin (GM/10µg), streptomycin (S/10µg), neomycin (CN/30µg) và trimethoprim/sulfamethoxazol (SXT/1,25/23,75 µg) (Oxoid, UK). Đường kính vòng vô khuẩn (mm) được đo và đánh giá theo tiêu chuẩn của CLSI (2012) để xác định tính kháng nhạy của vi khuẩn đối với các loại kháng sinh.

Chỉ số đa kháng MAR (multiple antibiotic resistance index): Chỉ số đa kháng của vi khuẩn ở các tỉnh được xác định dựa trên công thức của Krumperman (1983). Giá trị MAR ≥ 0,2 cho thấy kháng sinh được sử dụng thường xuyên, nếu giá trị MAR ≤ 0,2 cho thấy kháng sinh ít hoặc không bao giờ được sử dụng trong ao nuôi cá tra. Công thức xác định chỉ số đa kháng (MAR) như sau: MAR = X/(Y x Z). Trong đó: X = tổng số kháng sinh vi khuẩn kháng; Y = tổng số kháng sinh sử dụng trong nghiên cứu; Z = tổng số dòng vi khuẩn ở mỗi tỉnh.

Phương pháp xác định nồng độ ức chế tối thiểu (MIC – Minimum Inhibitory Concentration): Giá trị MIC được xác định bằng phương pháp pha loãng thuốc kháng sinh trong môi trường lỏng (Phương pháp Broth, theo tiêu chuẩn của CLSI, 2012) với 2 loại kháng sinh là florfenicol và tetracyclin (Sigma Aldrich NV, Bornem, Belgium). Bốn dòng vi khuẩn E. ictaluri và A. hydrophila có tính kháng thuốc đáp ứng với 2 loại kháng sinh florfenicol và tetracyclin được sử dụng để xác định giá trị MIC.

Kết quả nghiên cứu

Kết quả kháng sinh đồ: Tỷ lệ (%) các dòng vi khuẩn E. ictaluriA. hydrophila nhạy, nhạy trung bình và kháng đối với 15 loại thuốc kháng sinh được trình bày ở Bảng 2. Kết quả kháng sinh đồ cho thấy đa số các dòng vi khuẩn E. ictaluri vẫn còn nhạy cao với 2 kháng sinh thuộc nhóm β-lactam: ampicillin (70%) và amoxicillin (66,7%); kháng rất cao với 2 kháng sinh thuộc nhóm fennicol: florfenicol và chloramfenicol (>90%); đồng thời kháng khá cao với các kháng sinh tetracycline, enrofloxacin và streptomycin (>80%); kháng hoàn toàn với trimethoprim/sunfamethoxazol. Vi khuẩn A. hydrophila nhạy cao với kháng sinh doxycyclin, cefotaxim và ciprofloxacin (>80%) và norfloxacin (66,7%). Tuy nhiên, vi khuẩn này kháng cao với các kháng sinh tetracyclin (93,3%), florfenicol (63,3%) và kháng hoàn toàn với kháng sinh trimethoprim/sunfamethoxazol, cefalexin và các kháng sinh thuộc nhóm penicillin.

Bảng 2: Tỷ lệ phần trăm (%) kháng, nhạy và nhạy trung bình của các dòng E. ictaluri (E.i ) và A. hydrophila (A.h) trên 15 loại kháng sinh

image

Giá trị MIC: Kết quả MIC của 2 dòng vi khuẩn E. ictaluri đối với kháng sinh tetracyclin là 16 µg/ml, ngược lại giá trị MIC của 2 dòng vi khuẩn A. hydrophila được kiểm tra thì có sự chênh lệch rất lớn. Đối với florfenicol, giá trị MIC của vi khuẩn E. ictaluriA. hydrophila đều chênh lệch rất lớn (Bảng 3).

Bảng 3: Kết quả MIC của vi khuẩn E. ictaluri và A. hydrophila trên 2 loại kháng sinh florfeciol (FFC) và tetrcyclin (TE)

image

Hiện tượng đa kháng thuốc của vi khuẩn: Tỷ lệ (%) các dòng vi khuẩn E. ictaluriA. hydrophila đa kháng được trình bày ở Hình 1. Kết quả của nghiên cứu này cho thấy toàn bộ 30 dòng vi khuẩn E. ictatluri và 30 dòng A. hydrophila đều đa kháng thuốc. Vi khuẩn E. ictaluri đa kháng ít nhất 3 loại kháng sinh (3,33%) và nhiều nhất 13 loại kháng sinh (6,67%), trong đó đa kháng 11 loại kháng sinh và 8 loại kháng sinh chiếm tỷ lệ cao nhất (20%) và kiểu hình đa kháng (SXT+FFC+C+TE+ENR+S…) thì phổ biến nhất (50%). Vi khuẩn A. hydrophila đa kháng ít nhất 4 loại kháng sinh và nhiều nhất 12 loại kháng sinh (3,33%), trong đó đa kháng 6 loại kháng sinh và 7 loại kháng sinh có tỷ lệ cao nhất (20% và 26,7%) với kiểu hình đa kháng (AMP + AML + CL + SXT + TE + FFC…) thì phổ biến nhất (63,3%).

image

Hình 1: Tỷ lệ (%) vi khuẩn E. ictaluri và A. hydrophila đa kháng

Chỉ số đa kháng (MAR) của vi khuẩn ở 4 tỉnh: Chỉ số đa kháng của vi khuẩn E. ictaluriA. hydrophila ở 4 tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang và Vĩnh Long được trình bày trong Bảng 4. Chỉ số MAR của 4 tỉnh đều cao hơn 0,2 cho thấy 15 kháng sinh trong nghiên cứu này đã được sử dụng thường xuyên để điều trị bệnh cho cá tra nuôi ở 4 tỉnh trên.

Bảng 4: Chỉ số đa kháng MAR của vi khuẩn E. ictaluri và A. hydrophila

image

Kết luận

Vi khuẩn E. ictaluri trong nghiên cứu này chỉ còn nhạy với các kháng sinh nhóm penicillin (ampicillin và amoxicillin); kháng cao với các kháng sinh tetracyclin, enrofloxacin, streptomycin và kháng sinh nhóm fennicol; kháng hoàn toàn với trimethoprim/sunfamethoxazol. Vi khuẩn A. hydrophila nhạy cao với các kháng sinh doxycyclin, cefotaxim và ciprofloxacin; kháng cao với các kháng sinh tetracyclin, florfenicol và kháng hoàn toàn với kháng sinh nhóm penicillin, cefalexin và trimethoprim/sunfamethoxazol. Đặc biệt, toàn bộ 60 dòng vi khuẩn nghiên cứu đều thể hiện sự đa kháng thuốc. Với kết quả của nghiên cứu này có thể sử dụng ampicillin và amoxicillin để điều bệnh gan thận mủ do vi khuẩn E. ictaluri và sử dụng cefotaxime, ciprofloxcacin và doxycyclin để trị bệnh xuất huyết do vi khuẩn A. hydrophila gây ra trên cá tra.

The current status antimicrobial resistance in Edwardsiella ictaluri and Aeromonas hydrophila cause disease on the striped catfish farmed in the Mekong Delta

The purpose of this study was to assess the antibiotic resistance in 60 Edwardsiella ictaluri and Aeromonas hydrophila isolates. All bacteria were isolated from diseased striped catfish in the Mekong Delta during January 1013 to March 2014. The isolates were screened against 15 antibiotics by disk diffusion method. The results showed that E. ictaluri isolates were still sensitive to ampicillin and amoxicillin; highly resistant to tetracyclin, enrofloxacin, streptomycin, fenicol group antibiotics; and  completely resistant to trimethoprim/sulfamethoxazole. On the contrary, A. hydrophila isolates were sensitive to doxycycline, cefotaxime and ciprofloxacin; highly resistant to tetracycline, florfenicol and all A. hydrophila isolates were completely resistant to trimethoprim/ sulfamethoxazole, cefalexin, penicillin group antibiotics. In particular, all 60 isolates in this study displayed multi-drug resistance. Besides, tetracyclin and florfenicol antibiotics were also used to determine minimal inhibitory concentration (MIC) by using dilution method.

trieutuan.blog (tổng hợp)
Source: Quách Văn Cao Thi, Từ Thanh Dung và Đặng Phạm Hòa Hiệp. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Số chuyên đề: Thủy sản (2014)(2): 7-14.

Trieu Tuan
Trieu Tuan
Triệu Tuấn là một ông bố 2 con, tốt nghiệp Tiến sỹ chuyên ngành Công nghệ sinh học tại Nhật Bản. Hiện nay đang công tác tại Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau (iPEC).

Share this article

Recent posts

Popular categories

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Recent comments