Đây là H2 Clipper – khinh khí cầu chạy bằng hydro có thể thay đổi toàn diện ngành vận tải hàng hoá

-

H2 Clipper – một starup ở California (Mỹ) vừa công bố một loại khinh khí cầu chạy bằng hydro với thiết kế & công năng vô cùng ấn tượng. H2 Clipper tuyên bố họ có thể thực hiện các hoạt động vận chuyển hàng hóa liên lục địa mà không hề phát thải khí nhà kính, với tải trọng gấp 8-10 lần so với các máy bay chở hàng, trên phạm vi gần 10.000km với mức giá chỉ bằng 1/4 so với chi phí hiện nay.

H2 Clipper cho biết khinh khí cầu của họ có thể tải lên đến hơn 150 tấn hàng hoá và sẽ cung cấp không gian chứa hàng lên tới 7.530 mét khối, lớn hơn bất kỳ một máy bay chở hàng nào hiện này.

Tất nhiên, nó sẽ không thể di chuyển nhanh như một chiếc máy bay, mà chỉ có thể bay với vận tốc khoảng 282 km/h, nhưng nó sẽ vận chuyển chuyển các container nhanh hơn các loại tàu biển chở hàng khoảng 7-10 lần. Ví dụ như nó có thể chở hàng từ Trung Quốc đến Mỹ chỉ trong 36 giờ và quan trọng nhất là nó không hề phát thải khí nhà kính, một vấn đề sống còn của nhân loại.

Loại khí mà chiếc khinh khí cầu này sử dụng là khí hydro, nó cung cấp lực nâng hơn 8% trên một đơn vị thể tích so với khí heli, nhưng lại có mức giá sản xuất thấp hơn 67 lần. Động cơ của nó sẽ chạy hoàn toàn bằng điện, sử dụng hydro lỏng được đưa qua pin nhiên liệu. Vì thế, nó là một loại phương tiện vận tải hoàn toàn xanh & sạch.

H2 Clipper cho biết chiếc khinh khí cầu này sẽ hoạt động hiệu quả cho các chuyến đi từ 804km đến hơn 9.600km. Do đó, nó sẽ có khả năng vận chuyển hàng hoá giữa hai thành phố bất kỳ trên thế giới mà chỉ cần một lần nạp nhiên liệu duy nhất.

Trong hình ảnh render hiện tại, công ty cho thấy phần trên của chiếc khinh khí cầu khổng lồ này được bao phủ bởi các tế bào quang điện, về mặt lý thuyết thì chúng có thể cho phép nó tự tạo ra hydro để sử dụng, nếu nó chở theo nước và máy điện phân.

Nếu có các điều khoản phù hợp được chấp thuận, nó có thể vận tải hàng hóa ngay từ nhà máy sản xuất đến trung tâm phân phối mà không cần thêm các khâu vận chuyển trung gian trên mặt đất, từ nhà máy đến sân bay và ngược lại, nhờ khả năng cất cánh và hạ cánh theo phương thẳng đứng.

H2 Clipper cho biết hiệu quả về mặt kinh tế của dự án này cũng sẽ rất hấp dẫn. Họ ước tính chi phí vận chuyển hàng hoá sử dụng chiếc khinh khí cầu này chỉ từ 0.177 đến 0.247 đô la Mỹ cho mỗi tấn/dặm, cho lộ trình vận chuyển từ 1.000 đến 6.000 dặm (khoảng 1.600km đến 9.656km). Mức chi phí này chỉ bằng 1/4 giá vận tải hàng hoá bằng đường hàng không hiện nay.

Chắc chắn là mức giá này vẫn còn đắt hơn so với vận tải bằng tàu biển, nhưng điều quan trọng là phương tiện này có thể ship hàng nhanh hơn, có khả năng giảm tải những khó khăn về mặt hậu cần, đồng thời góp phần giảm đi đáng kể lượng khí thải sinh ra. Trong tương lai gần, nếu bị áp thuế môi trường nữa thì các phương tiện vận tải hàng hoá như tàu biển sẽ có chi phí cao hơn.

Tuy nhiên, có một hạn chế cần phải được khắc phục trước khi nó được ứng dụng rộng rãi, điều này đến từ chính nhiên liệu của khinh khí cầu: khí hydro. Nó cũng là một loại chất dễ cháy, và hiện đang bị cấm làm khí đốt sử dụng cho khinh khí cầu ở Hoa Kỳ và châu Âu, do một số thảm họa nghiêm trọng đã từng xảy ra.

Nhưng có lẽ vấn đề này cũng có thể được giải quyết một cách triệt để. Thực ra đã có một số chuyên gia bắt đầu cho rằng những thảm hoạ đã xảy ra đều có nguyên nhân sâu xa bên trong, và sự “kỳ thị” đối với khinh khí cầu sử dụng khí hydro là một sự “thiếu hiểu biết”, khi vấn đề cháy nổ của nó có thể khắc phục tốt nhờ các công nghệ tiên tiến ngày này, nếu quyết cản trở việc sử dụng khí hydro vào mục đích vận tải thì con người có thể đang bỏ phí một công nghệ có giá trị bền vững trong ngành vận tải hàng hoá.

Khinh khí cầu chở hàng chạy bằng hydro có thể chỉ là bước khởi đầu của một kỷ nguyên mới trong ngành vận tải. Chúng gây ra rủi ro tối thiểu đối với tính mạng con người, ban đầu chúng sẽ được bay thử nghiệm dưới sự điều khiển của con người, nhưng cuối cùng có thể vận hành hoàn toàn tự động nhờ công nghệ AI.

Đây có thể là câu trả lời đầy thuyết phục cho vấn đề hóc búa trong ngành vận tải hàng hoá ngày nay: đi nhanh, giá rẻ, an toàn và không ảnh hưởng đến môi trường. Nó có chi phí vận hành thấp hơn máy bay, đi nhanh hơn tàu biển, tầm hoạt động hầu như không giới hạn, khả năng vận hành linh hoạt, và tính tự động hoá rất cao. Và hiện tại không có một giải pháp thay thế nào nếu con người muốn ship hàng quy mô lớn mà không tạo ra khí thải nhà kính.

Những chiếc khinh khí cầu này cũng có thể trở thành phương án hữu ích, mang lại hiệu quả ngay lập tức cho ngành công nghiệp sản xuất khí hydro. H2 Clipper nói rằng nếu như có nhiều công ty xuất khẩu hydro lỏng hơn nữa, khinh khí cầu của họ sẽ đánh bại các phương tiện đường sắt, xe tải, tàu thủy và thậm chí cả đường ống về mặt chi phí, tính trên khoảng cách lớn hơn 1.000 dặm.

H2 Clipper sẽ thiết kế một nguyên mẫu kích thước nhỏ vào năm 2022, và sẽ bay thử nghiệm vào năm 2024. Các mục tiêu sau đó là đưa khinh khí cầu này đi vào hoạt động vào năm 2026 và có ít nhất 100 chiếc tham gia vận chuyển hàng hóa vào đầu những năm 2030.

Đây rõ ràng là một ý tưởng vô cùng hấp dẫn & thú vị, nhưng có một số rào cản rõ ràng cần phải vượt qua. Chúng ta sẽ cùng chờ xem nhé! Còn anh em thì thế nào, anh em nghĩ sao về ý tưởng táo bạo này?

Source: TinhTe

Trieu Tuan
Trieu Tuan
Triệu Tuấn là một ông bố 2 con, tốt nghiệp Tiến sỹ chuyên ngành Công nghệ sinh học tại Nhật Bản. Hiện nay đang công tác tại Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau (iPEC).

Share this article

Recent posts

Popular categories

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Recent comments