Đánh giá mức độ ATVSTP về vi sinh của rô phi thương phẩm nuôi bằng công nghệ biofloc

-

Rô phi đang là một trong những đối tượng nuôi chủ lực của nước ta bởi thịt thơm ngon không có xương dăm, giàu protein. Tuy nhiên sản phẩm thủy sản nói chung và rô phi nói riêng cũng ẩn chứa nhiều rủi ro liên quan đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).

Nguyên nhân chủ yếu gây ngộ độc thực phẩm là do vi sinh vật, chiếm 42,2%, đặc biệt là những vi khuẩn như Salmonella, Escherichia coli (E.coli), Staphylococcus spp., Fecal coliform. Trong xu thế hội nhập như hiện nay, để cá rô phi có chỗ đứng ổn định trên thị trường thì vấn đề đảm bảo ATVSTP là hết sức cần thiết. Do đó, việc nghiên cứu ứng dụng các mô hình nuôi vừa đảm bảo ATVSTP, vừa cho năng suất cao là mục tiêu cần hướng tới.

Nuôi rô phi ứng dụng công nghệ biofloc là tạo điều kiện tối ưu để vi sinh vật dị dưỡng phát triển chiếm ưu thế, vi sinh vật dị dưỡng sử dụng các bon hữu cơ làm thức ăn đồng thời hấp thụ ni tơ vô cơ để tạo protein trong sinh khối và hình thành biofloc. Đây cũng là công nghệ nuôi nhằm hướng tới mục tiêu tăng hiệu quả kinh tế, giảm ô nhiễm môi trường và đảm bảo chất lượng sản phẩm. Chính vì vậy, việc đánh giá một số chỉ tiêu vi sinh về ATVSTP trên cá rô phi thương phẩm, nuôi bằng công nghệ biofloc được thực hiện, nhằm xác định được mức độ nhiễm một số vi sinh vật ảnh hưởng đến ATVSTP, qua đó đánh giá được mức độ an toàn của sản phẩm so với quy định hiện hành của Việt Nam và trên thế giới.

Bảng: Kết quả chỉ tiêu vi sinh trên sản phẩm rô phi thương phẩm nuôi bằng công nghệ biofloc

image

Rô phi thương phẩm được thu trước khi thu hoạch 10-15 ngày để định lượng vi khuẩn hiếu khí tổng số, Staphylococcus spp, Salmonella spp., E.coli và Fecal Coliform. Các chỉ tiêu vi sinh vật này được định lượng bằng phương pháp MPN (Most Probable Number technique) trên môi trường Lauryl Triptose broth, theo tiêu chuẩn TCVN 4882:2007; TCVN 6846:2007 và phương pháp định lượng vi khuẩn (đếm số khuẩn lạc trực tiếp trên môi trường nuôi cấy) của Millar và Frerchs (Stirling, 1984, 1993).

Kết quả cho thấy, 100% mẫu rô phi thương phẩm đều có mặt của vi khuẩn hiếu khí tổng số, với hàm lượng trung bình trong 1g thịt cá dao động từ 2,02.10^4 đến 3,71.10^4 cfu/g. 44/60 mẫu cá nguyên liệu dương tính với F. coliform chiếm tỷ lệ 73%, lượng F. coliform trong 1g thịt dao động từ 29,2-50,4 MPN/g. 31/60 mẫu có kết quả dương tính với E.coli, trung bình nhiễm trên 50%, lượng E.coli trung bình trong 1g thịt cá dao động từ 0,12.10^2-0,23.10^2 MNP/g. 37/60 mẫu cá thương phẩm dương tính với Staphylococcus spp., với mật độ dao động trung bình từ 0,16.10^2-0,38.10^2 cfu/g và 100% mẫu cá nguyên liệu âm tính với vi khuẩn Salmonella. Mặc dù hầu hết mẫu cá nguyên liệu có bị nhiễm vi sinh vật ảnh hưởng đến an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng mức độ nhiễm đều nằm trong giới hạn cho phép theo quy định của thế giới và theo quy định của Việt Nam (Quyết định số 46/2007/QĐ-YT ngày 19/12/2007 của Bộ Y tế).

Kết quả bước đầu đã đánh giá được cá rô phi thương phẩm nuôi bằng công nghệ biofloc tại thời điểm nghiên cứu đã đạt được yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm đối với chỉ tiêu vi sinh theo tiêu chuẩn thế giới và Việt Nam.

Nguồn tin: Nguyễn Thị Biên Thùy, Nguyễn Thị Niên, Vũ Hồng Sự, Nguyễn Xuân Khá và Nguyễn Văn Khanh. Bản tin Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I, Số 9 (Quý I/2013).

Trieu Tuan
Trieu Tuan
Triệu Tuấn là một ông bố 2 con, tốt nghiệp Tiến sỹ chuyên ngành Công nghệ sinh học tại Nhật Bản. Hiện nay đang công tác tại Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau (iPEC).

Share this article

Recent posts

Popular categories

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Recent comments