Côn trùng – nguồn thức ăn giàu khoáng chất cho con người

-

Thói quen ăn côn trùng đã có từ rất lâu trong lịch sử con người. Từ nhiều thế hệ nay, côn trùng đã là một thành phần quen thuộc trong thức ăn của nhiều người dân ở Đông Nam á, Ôxtrâylia, Niu Di-lân, châu Phi, Nam và Trung Mỹ.

Hiện tại có khoảng 2 tỷ người trên thế giới đang ăn côn trùng, hơn 1.000 loài côn trùng đang được sử dụng làm thức ăn tại nhiều quốc gia trên thế giới. Khoảng 1900 loài côn trùng có thể ăn được, ví dụ châu chấu, dế mèn, nhộng, sâu bướm, trứng ruồi, trứng kiến.

Ngày nay, khi dân số thế giới đang tiến gần đến con số 8 tỷ người thì việc đáp ứng nhu cầu lương thực thực phẩm của người dân sẽ ngày càng khó khăn hơn. Vì vậy, hiện đã có những quan điểm cho rằng trong tương lai con người cần phải tiêu thụ các loài côn trùng để tồn tại.

Trong một báo cáo công bố từ năm 2013, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) cũng đã kêu gọi các quốc gia tăng cường tuyên truyền thói quen ăn côn trùng nhằm chống lại nạn đói trên thế giới và hiện tượng ấm lên toàn cầu. Theo các chuyên gia của FAO, côn trùng có ở khắp mọi nơi và sinh sôi rất nhanh, nhưng chúng ảnh hưởng đến môi trường ở mức độ tương đối thấp so với các loài vật nuôi hiện nay của con người. Côn trùng cung cấp hàm lượng dinh dưỡng và protein cao so với thịt và cá. Côn trùng có hàm lượng protein cao cũng như rất giàu các vi chất đồng, sắt, magiê, mangan, phốtpho, selen và kẽm, vì vậy chúng có thể được sử dụng như một loại thực phẩm bổ sung dành cho trẻ em suy dinh dưỡng.

Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Anh đã chứng minh cụ thể rằng, một số loại côn trùng có thể cung cấp cho cơ thể con người một lượng sắt cũng nhiều như thịt bò (tính trên 100 gam thực phẩm).

Sắt là khoáng chất thiết yếu trong chế độ ăn uống của chúng ta, nhưng hiện nay tình trạng thiếu sắt đang rất phổ biến ở những nhóm dân cư ăn ít thịt hoặc không ăn thịt. Nguyên nhân của tình trạng này là do cơ thể con người hấp thụ sắt từ thực phẩm dạng rau quả ít hơn nhiều so với từ thịt. Tác nhân khiến cho sắt trong thịt có thể được con người hấp thụ một cách dễ dàng là sắc tố đỏ heme – một đồng yếu tố mang sắt trong máu.

Tuy côn trùng không có heme, nhưng nhà nghiên cứu Gladys O. Latunde – Dada tại Đại học King (Luân Đôn, Anh) đã quyết định nghiên cứu loại động vật không xương sống này, sau khi theo dõi một diễn đàn của Liên hợp quốc về việc nuôi côn trùng để chống lại phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính của các trang trại gia súc.

Nhóm của nhà nghiên cứu Latunde-Dada đã khảo sát 4 loại côn trùng hiện đang được sử dụng làm thực phẩm thông thường tại một số khu vực trên thế giới, đó là cào cào, dế, sâu bột và sâu buffalo (một loại ấu trùng bọ cánh cứng). Mục đích của họ là so sánh chúng với thịt thăn bò. Ban đầu, các nhà nghiên cứu chỉ đo hàm lượng sắt trong những con côn trùng đó. Họ sấy khô côn trùng rồi nghiền thành bột và sử dụng máy đo ảnh phổ để xác định hàm lượng sắt cũng như các chất vi dinh dưỡng khác (canxi, magiê, kẽm). Kết quả cho thấy, dế có hàm lượng sắt cao nhất – 12,91 mg/ 100 g, gần bằng thịt bò với 15,47 mg/100 g.

Tiếp theo, các nhà nghiên cứu đã xem xét tính sinh khả dụng: Con người có thể hấp thụ thực tế bao nhiêu sắt từ một loại thực phẩm? Điều này bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố – ví dụ, côn trùng có thể chứa nhiều sắt, nhưng lượng sắt này có thể không được hấp thụ tốt do cỡ hạt thực phẩm không thích hợp hoặc do sắt bị bao bọc bởi các thành phần trong tế bào của côn trùng mà bộ máy tiêu hóa của con người không thể phân hủy. Để kiểm tra điều này, trước tiên các nhà nghiên cứu trộn bột côn trùng với enzym tiêu hóa ở độ pH thấp để mô phỏng điều kiện trong dạ dày, sau đó họ bổ sung chiết xuất mật – tụy ở độ pH trung tính để mô phỏng ruột non. Bằng cách sử dụng máy đo ảnh phổ, các nhà nghiên cứu đã xác định hàm lượng sắt của nguyên liệu đã tiêu hóa. Để xác định tính sinh khả dụng, các nhà nghiên cứu bổ sung các mẫu đã tiêu hóa – mỗi mẫu chứa 20 mg sắt – vào mẻ nuôi cấy tế bào biểu mô của con người. Sau khi ủ, các nhà nghiên cứu đã đo hàm lượng ferritin (một loại protein lưu trữ sắt) trong tế bào. Kết quả cuối cùng cho thấy, tuy dế có hàm lượng sắt cao nhất, nhưng lượng sắt được hấp thụ từ sâu buffalo mới đạt mức cao nhất, thậm chí còn cao hơn cả thịt thăn bò.

Một nhà nghiên cứu tại ĐHTH Nottingham đang nghiên cứu khả năng nuôi và sử dụng côn trùng để chống lại nạn suy dinh dưỡng cho biết, bà ngạc nhiên khi thấy sắt từ côn trùng dễ hấp thụ hơn so với sắt từ thịt bò thăn. Trước đó, nhiều người vẫn cho rằng côn trùng chỉ có thể là nguồn cung cấp sắt tốt hơn rau quả.

Bước tiếp theo, các nhà khoa học anh nói trên dự định sẽ tiến hành thí nghiệm để xác nhận kết quả hấp thụ sắt ở con người. Họ cho rằng, nếu con người có thể sử dụng các loại côn trùng giàu dinh dưỡng làm thực phẩm thì điều đó sẽ có lợi không chỉ cho sức khỏe của mình mà còn có lợi cho môi trường.

Source: LH, VinaChem. Theo Chemical & Engineering News

Trieu Tuan
Trieu Tuan
Triệu Tuấn là một ông bố 2 con, tốt nghiệp Tiến sỹ chuyên ngành Công nghệ sinh học tại Nhật Bản. Hiện nay đang công tác tại Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau (iPEC).

Share this article

Recent posts

Popular categories

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Recent comments