Chế phẩm sinh học kết hợp Lactobacillus sporogenes và Bacillus subtilis có hiệu quả cao trên tôm càng xanh

-

Chế phẩm sinh học kết hợp Lactobacillus sporogenesBacillus subtilis ở nồng độ thích hợp giúp tôm càng xanh giống tăng trưởng nhanh, gia tăng hàm lượng của các thành phần sinh hóa quan trọng của cơ thể tôm và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.

Giới thiệu

Tôm nước ngọt nói chung và tôm càng xanh nói riêng là nguồn cung cấp dinh dưỡng thiết yếu cho con người. Tôm càng xanh (Macrobrachium rosenbergii) là loài có vai trò rất quan trọng trong ngành công nghiệp nuôi trồng và khai thác thủy sản trên thế giới.

Chế phẩm sinh học là sản phẩm có chứa vi sinh vật sống nhằm mục đích cải thiện sức khỏe con người và vật nuôi. Trong nuôi thủy sản, sử dụng chế phẩm sinh học (còn gọi là men vi sinh) nhằm mục đích cải thiện môi trường (nước và nền đáy ao), tăng sức khỏe vật nuôi, tăng khả năng hấp thu thức ăn, góp phần tăng năng suất và sản lượng.

Rất nhiều nghiên cứu trước đây cho thấy sử dụng chế phẩm sinh học có chứa một dòng vi khuẩn đơn lẻ có tác dụng kích tăng trưởng trên tôm càng xanh và các loài tôm khác. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm xem xét hiệu quả của chế phẩm sinh học khi kết hợp hai loại vi khuẩn khác nhau L. sporogenesB. subtilis (4:3) trên tôm càng xanh giống.

Phương pháp nghiên cứu 

Tôm càng xanh có chiều dài và trọng lượng trung bình lần lượt là 1.61±0.05 cm và 0.25±0.04 g. Tôm trong các nghiệm thức được cho ăn các khẩu phần giống nhau chỉ khác về mức độ bổ sung chế phẩm sinh học có chứa vi khuẩn Lactobacillus sporogenesBacillus subtilis (LS+BS).

Chế phẩm sinh học LS + BS (4:3) được bổ sung theo các mức là 0%, 1%, 2%, 3% và 4% vào khẩu phần ăn của tôm. Thí nghiệm được tiến hành trong 90 ngày. Các chỉ tiêu theo dõi, đánh giá bao gồm tỷ lệ sống, sinh trưởng, thành phần sinh hóa và quá trình sử dụng năng lượng của tôm càng xanh giống.

Kết quả nghiên cứu

– Kết quả nghiên cứu cho thấy các chỉ tiêu tăng trưởng của tôm như tỷ lệ sống, tăng trưởng khối lượng (WG), tốc độ tăng trưởng đặc biệt (SGR), hiệu quả sử dụng thức ăn (FCF) và hiệu quả hấp thu protein (PFR) cao hơn có ý nghĩa thống kê (P<0,05) ở nghiệm thức bổ sung 4% LS+BS vào thức ăn so với nghiệm thức đối chứng.

– Hệ số chuyển hóa thức ăn (FCR) đạt thấp nhất ở nghiệm thức bổ sung 4% LS+BS (P<0,05) so với các nghiệm thức còn lại.

– Thành phần sinh hóa của tôm như đạm tổng số, amino acid, bột đường (carbohydrate), chất béo (lipid) và hàm lượng tro đều cao hơn có ý nghĩa thống kê (P<0,05) ở nghiệm thức bổ sung 4% LS+BS vào khẩu phần ăn so với các nghiệm thức còn lại. Tuy nhiên, độ ẩm ở các nghiệm thức có bổ sung LS+BS lại thấp hơn và khác biệt có ý nghĩa (P<0,05) so với nghiệm thức đối chứng.

– Các chỉ tiêu về hiệu quả sử dụng năng lượng như tỷ lệ tiêu thụ thức ăn, tốc độ tiêu hóa thức ăn, tỷ lệ hấp thu, tốc độ trao đổi và tổng hợp đều cao hơn có ý nghĩa thống kê (P<0,05) ở nghiệm thức bổ sung 4% LS+BS so với các nghiệm thức còn lại.

Kết luận

Kết quả của nghiên cứu này cho thấy việc bổ sung kết hợp vi khuẩn Lactobacillus sporogenesBacillus subtilis vào thức ăn với tỷ lệ thích hợp sẽ giúp cho tôm càng xanh tăng trưởng nhanh hơn, gia tăng hàm lượng của các thành phần sinh hóa quan trọng của cơ thể tôm và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.

Source: Huỳnh Như, Aquanetviet.com. Theo Journal of Ecobiotechnology 2012, 4(1): 29-34.

Trieu Tuan
Trieu Tuan
Triệu Tuấn là một ông bố 2 con, tốt nghiệp Tiến sỹ chuyên ngành Công nghệ sinh học tại Nhật Bản. Hiện nay đang công tác tại Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau (iPEC).

Share this article

Recent posts

Popular categories

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Recent comments