Các nhà khoa học phát triển thành công loại thức ăn nuôi cá biển có nguồn gốc hoàn toàn từ thực vật

-

Lần đầu tiên các nhà khoa học phát triển thành công một loại thức ăn hoàn toàn có nguồn gốc thực vật để nuôi cá biển, đây là chìa khóa cho nuôi thủy sản bền vững do nhu cầu protein từ động vật, đặc biệt là từ cá cho sản xuất thức ăn tăng cao.

Nghiên cứu đứng đầu bởi Aaron Watson và Allen Place ở Trung tâm Khoa học Môi trường thuộc Viện Công nghệ Biển & Môi trường thuộc trường Đại học Maryland, kết quả nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Lipids.

“Nuôi trồng thủy sản không bền vững bởi vì nó sử dụng quá nhiều cá cho sản xuất thức ăn”, TS. Aaron Watson nói. “Nhưng một khẩu phần thức ăn hoàn toàn có nguồn gốc từ thực vật sẽ thay đổi mọi thứ”.

Một bài báo khác được đăng trên Tạp chí Thủy sản và Nuôi trồng thủy sản, nhóm nghiên cứu đã chứng minh rằng một sự kết hợp thức ăn hoàn toàn từ thực vật có thể giúp một số loài cá biển có tính ăn thiên về động vật như cá giò và cá tráp biển tăng trưởng nhanh hơn, trong một vài trường hợp tăng trưởng thậm chí còn cao hơn so với khẩu phần thức ăn làm từ bột cá và dầu cá.

Gần một nửa sản lượng cá và giáp xác trên thế giới có nguồn gốc từ nuôi trồng, do đó, các nhà khoa học muốn phát triển ngành công nghiệp nuôi trồng thủy sản bền vững hơn.

Rất nhiều loài cá có giá trị kinh tế cao như cá giò, cá tráp và cá vượt (chẽm) là những động vật ăn thịt và chúng thường ăn những loài cá khác để sống và phát triển. Do đó, thức ăn để nuôi chúng cũng được làm từ bột cá và dầu cá, và do đó các loài cá khác trong tự nhiên phải được đánh bắt để đáp ứng nhu cầu sản xuất thức ăn cho chúng. Điều này là đắt đỏ (ví dụ như, phải cần đến 5 pounds cá tự nhiên để sản xuất nên 1 pound cá nuôi), và góp phần làm giảm nguồn lợi thủy sản của thế giới.

“Thành công của nghiên cứu này thực sự làm cho ngành nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững”, TS. Allen Place nói. “Áp lực lên nguồn lợi cá tự nhiên dùng cho sản xuất thức ăn cá giảm đáng kể. Chúng ta có thể sản xuất một nguồn protein bền vững để làm thức ăn nuôi cá mà không phải đánh bắt cá từ tự nhiên”.

Thay thế bột cá và dầu cá trong sản xuất thức ăn thủy sản được các nhà khoa học nghiên cứu trong nhiều thập kỷ nhưng chỉ thành công giới hạn. Nghiên cứu của nhóm tập trung vào việc thay thế bột cá bằng một sự pha trộn của các nguồn protein thực vật khác nhau để hoàn toàn loại bỏ nhu cầu bột cá và dầu cá làm thức ăn cho cá giò và các loài cá biển có giá trị cao khác.

Bột cá được thay thế bằng một loại hổn hợp làm từ ngô, lúa mì và đậu nành. Dầu cá đắt tiền và khan hiếm được thay thế bằng dầu đậu nành hoặc dầu hạt cải, lipid và acid amin như taurine được cung cấp từ tảo. Taurine là  một amino acid thường dùng trong nước uống tăng lực, chúng giữ một vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa chất béo, chống stress, giúp phát triển cơ, và nó thường được tìm thấy với hàm lượng cao trong các loài cá ăn động vật và con mồi của nó.

Ngoài các tiềm năng để biến nuôi trồng thủy sản thành một ngành công nghiệp có lợi nhuận cao hơn và giảm áp lực đánh bắt cá tự nhiên, nuôi cá bằng thức ăn hoàn toàn có nguồn gốc từ thực vật cũng đồng nghĩa với việc người tiêu dùng có nguồn thực phẩm sạch hơn vì hàm lượng PCBs (Polychlorinated biphenyls) và thủy ngân thấp hơn 100 lần so với cá nuôi bằng thức ăn có nguồn gốc từ bột cá, do nguồn cá tạp để sản xuất bột cá có hàm lượng thủy ngân và PCBs cao hơn.

“Hiện tại, bạn chỉ có thể ăn cá vượt sọc hai tuần một lần”, TS. Place nói. “Tuy nhiên bạn có thể ăn cá nuôi bằng thức ăn này hai lần một tuần vì mức độ nhiễm độc tố rất thấp”.

© Triệu Tuấn, trieutuan.blog
Source: The Fish Site News Desk.

Trieu Tuan
Trieu Tuan
Triệu Tuấn là một ông bố 2 con, tốt nghiệp Tiến sỹ chuyên ngành Công nghệ sinh học tại Nhật Bản. Hiện nay đang công tác tại Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau (iPEC).

Share this article

Recent posts

Popular categories

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Recent comments