Các cơ quan cảm giác và sự cảm thụ hóa chất ở tôm biển

-

Cảm thụ hoá chất là quá trình mà các sinh vật phản ứng với các kích thích hóa học. Quá trình này bắt đầu khi một chất kích thích hóa học tiếp xúc với cơ quan cảm thụ chất hóa học hay hóa thụ quan (chemoreceptor).

Nó là một tế bào đặc biệt có tác dụng biến đổi ngay lập tức các chất kích thích hóa học đó thành các xung thần kinh và giúp cơ thể tôm phản ứng lại. Các tế bào thần kinh (neuron) chuyển đổi các chất kích thích hóa học thành các tín hiệu xung thần kinh được gọi là “Thụ thể tiếp nhận sơ cấp” (primary recepter), trong khi các tế bào không phải là một tế bào thần kinh nhưng phản ứng với kích thích bằng cách lan truyền các tín hiệu thần kinh đến các tế bào lân cận được gọi là “Thụ thể tiếp nhận thứ cấp” (primary reeceptor).

Cơ quan cảm thụ chất hóa học trên tôm

Ở tôm biển, các phản ứng của cơ thể tôm đối với các chất hóa học có trong thức ăn hay các hợp chất khác trong môi trường được tìm thấy ở các vùng chứa các thụ thể tiếp nhận trên cơ thể. Có hai loại thụ thể tiếp nhận trên tôm biển, thứ nhất là “Thụ thể tiếp nhận về khoảng cách” (Distance receptor) được tìm thấy trên râu của tôm, nó giúp tôm có thể phát hiện ra con mồi dưới lớp bùn đáy ao và giúp tôm phát hiện ra kẻ thù từ xa để tránh bị ăn thịt. Loại thứ hai là “Thụ thể tiếp nhận tiếp xúc” (Contact receptor) phân bố ở khu vực chân bò (periopod) và phần miệng của tôm có vai trò trong quá trình bắt mồi của tôm (Carr & Gurin, 1975).

Khả năng nhìn của tôm biển rất kém, do đó tôm nhận biết sự thay đổi của môi trường bằng các giác quan khác như xúc giác, vị giác và khứu giác. Cơ quan xúc giác thường tìm thấy ở khu vực râu (anten) của tôm. Mặt khác, các bộ phận thuộc miệng và chân bò đóng vai trò là cơ quan cảm thụ vị giác của tôm. Cơ quan khứu giác của tôm được tìm thấy ở khu vực anten của tôm (Nunes, 2006). Một số bộ phận phụ khác của tôm cũng rất nhạy cảm so với các loài khác.

Hóa thụ quan của tôm có liên quan đến tính ngon miệng và sự hấp dẫn của thức ăn chế biến. Các cơ quan cảm thụ chất hóa học khác nhau trên tôm giúp chúng phân biệt các loại chất hóa học khác nhau, cho phép tôm phân biệt được đâu là thức ăn và những thứ không ăn được, và dành thời gian thích hợp cho việc bắt mồi. Cơ quan xúc giác nằm ở anten cho phép tôm phân biệt thức ăn cứng và thức ăn mềm. Tương tự như vậy, cơ quan vị giác giúp tôm quyết định có nên ăn hoặc từ chối ăn thức ăn đó (một chức năng được biết đến như là tính ngon miệng).

Các chất dẫn dụ (hấp dẫn) trong thức ăn cho tôm

Chất dẫn dụ là các chất chuyển hóa được (tiêu hóa được) và tan trong nước, có trọng lượng phân tử thấp được bổ sung vào thức ăn tôm để kích thích tôm bắt mồi. Một nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Liên Bang Ceara, Brazil sử dụng 9 loại chất dẫn dụ đang được dùng trong sản xuất thức ăn tôm như sau:

1. VDB 80 (80% protein thô từ sinh khối thực vật khô)
2. VDB 68 (68% protein thô từ sinh khối thực vật khô, cộng với glutamate và betaine)
3. CAA (một hổn hợp acid amin phức tạp bao gồm: alanin, valin, glycine, proline, serine, histidin, acid glutamic, tyrosine y betain)
4. CSFP (protein đậm đặc từ dịch cá thủy phân)
5. SLM (bột gan mực)
6. BET (Betaine)
7. DFSLH (dịch cá khô Histamin thấp)
8. DFSHH (dịch cá khô Histamine-cao)
9. WSPH (protein từ mực nguyên con)

Kết quả cho thấy CFSP, CAA, SLM và WSPH có tính hấp dẫn tôm bắt mồi cao nhất. Tôm phát hiện ra thức ăn nhanh nhất và dành thời gian ăn thức ăn lâu nhất đối với CAA so với tất cả các loại chất dẫn dụ khác (Nunes, 2006). Có mối tương quan thuận giữa tỷ lệ % bổ sung CFSP và tính hấp dẫn tôm bắt mồi. Một sự kết hợp giữa cadaverine/histamine có tính kích thích tôm bắt mồi tốt hơn so với phối trộn với các thành phần khác.

Kết luận

Tôm biển đã phát triển các giác quan khác để bù đắp cho sự kém phát triển của thị giác, bằng cách sử dụng các hóa thụ quan nằm ở râu, chân bò, và các bộ phận quanh miệng một cách hiệu quả. Hóa thụ quan đóng một vai trò quan trọng trong việc bắt mồi, sinh sản (giao phối) và chống lại kẻ thù. Mặt khác, các nghiên cứu đã xác định được phức hợp acid amin và các hợp chất có nguồn gốc từ biển là những chất kích thích tôm bắt mồi tốt.

© Triệu Tuấn, trieutuan.blog
Source: Carlos A. Ching. Chemoreception in marine shrimp. Nicovita-ALICORP SAA Technical Service. 

Trieu Tuan
Trieu Tuan
Triệu Tuấn là một ông bố 2 con, tốt nghiệp Tiến sỹ chuyên ngành Công nghệ sinh học tại Nhật Bản. Hiện nay đang công tác tại Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau (iPEC).

Share this article

Recent posts

Popular categories

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Recent comments