Bước đầu nghiên cứu tác dụng diệt khuẩn của Tỏi (Allium sativum L.) trong điều trị bệnh do Aeromonas hydrophila trên Ếch Thái Lan (Rana tigerina)

-

Tỏi được sử dụng rộng rãi trong phòng trị bệnh thủy sản. Tuy nhiên, hiệu quả trên ếch như thế nào vẫn chưa được hiểu rõ.

Năm 2001 – 2002, ếch Thái Lan (Rana tigerina) được nuôi thử nghiệm ở ĐH Nông Lâm Tp.HCM, và sau đó phát triển mạnh ở các tỉnh ĐBSCL vào năm 2005 (Báo SGGP, số ngày 19/8/2005). Thịt ếch được đánh giá là một nguồn protein ưu việt, có thể thay thế một số nguồn protein động vật khác (Omoniyi, L.O và ctv, 2012) và là đặc sản được tiêu thụ nhiều trong nước và có tiềm năng xuất khẩu ra nhiều thị trường như Mỹ, EU, Đài Loan,… (Lê Minh Quốc, 2012). Từ năm 2003 đến năm 2006, sản lượng đùi ếch xuất khẩu của Việt Nam đạt 2199 tấn, với giá trị hơn 11 triệu USD (Cơ sở dữ liệu thống kê thương mại hàng hóa của Liên hợp quốc năm 2010,http://comtrade.un.org/db/).

Song song với việc phát triển nuôi ếch ngày càng nhiều thì cũng kéo theo nhiều vấn đề như chất lượng ếch giống kém, môi trường suy thoái, tình hình dịch bệnh thường xuyên xảy ra, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người dân (Báo SGGP ngày 19/8/2005).

Trong số các bệnh thường gặp trên ếch Thái Lan (Rana tigerina) thì bệnh lở loét có tỷ lệ mắc bệnh cao (64,58%), ảnh hưởng đến nghề nuôi ếch (Trần Hồng Thủy, 2008). Điều đáng nói là việc điều trị các bệnh trên ếch, thường do người dân tự vận dụng kinh nghiệm bản thân. Hơn 50% hộ nuôi sử dụng kháng sinh để điều trị mà không có sự hướng dẫn của cơ quan chức năng (Trần Hồng Thủy, 2008), nên kết quả điều trị không cao, gây ra hiện tượng kháng thuốc của một số loài vi khuẩn, ảnh hưởng đến môi trường và tác động xấu đến sức khỏe của con người (J.Y Lee và ctv, 2012). Ngược lại với kháng sinh nhân tạo, theo Pleasant Grove (1995) thì tỏi được xem như là một loại kháng sinh tự nhiên, giảm nguy cơ ung thư, chất bỗ trợ miễn dịch, có thể làm giảm Cholesterol trong máu,…mà không gây tác động xấu đến môi trường. Với ưu điểm như không độc, không tồn dư, dễ hòa tan (Chu Mạnh Thắng và ctv, 2009) nên ngày nay, việc ứng dụng tỏi trong nuôi trồng thủy sản ngày càng phổ biến (J.Y Lee và ctv, 2012).

image

Kích thước ếch sau khi kết thúc thí nghiệm, từ trái sang phải hình (a), (b), © tương ứng với các nghiệm thức bổ sung 0g tỏi/kg, 30g tỏi/kg, 40g tỏi/kg thức ăn

Có rất nhiều nhà khoa học trên thế giới đã nghiên cứu về ảnh hưởng của tỏi trong việc phòng trị bệnh trên động vật thủy sản (Erol-Florian Garbor và ctv, 2010) và cũng có nhiều báo cáo ghi nhận rằng tỏi có thể loại bỏ hiệu quả các loài vi khuẩn chủ yếu trên nước ngọt bao gồm Pseudomonas fluorescens, Myxococcus piscicola, Vibrio anguillarum, Edwardsiella tarda, Aeromonas punctata, Flexibacter intestinalis Yersinia ruckeri (J.Y Lee, 2012).

Xuất phát từ những thực tiễn trên, chúng tôi tiến hành đề tài nghiên cứu tác dụng diệt khuẩn của cây tỏi (Allium sativum L.) trong điều trị bệnh do vi khuẩn Aeromonas hydrophila gây ra trên ếch Thái Lan (Rana tigerina) nhằm có những dữ liệu khoa học trong điều trị bệnh ếch.

Mục tiêu chính của đề tài là (1) Tìm hiểu khả năng kháng khuẩn của tỏi với vi khuẩn Aeromonas hydrophila; (2) Xác định liều lượng tỏi hợp lý để bổ sung vào thức ăn trong điều trị bệnh do Aeromonas hydrophila gây trên ếch Thái Lan (Rana tigerina)

Thí nghiệm được tiến hành với các nghiệm thức như sau: 0g tỏi/kg, 30g tỏi/kg, 40g tỏi/kg thức ăn.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ sống của ếch lần lượt là  60%, 86.7% và 82.2% tương ứng với các nghiệm thức 0g/kg, 30g/kg, 40g/kg. Có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa hai nghiệm thức 0 g/kg và 30 g/kg, nhưng không có sự khác biệt giữa nghiệm thức 0 g/kg và 40 g/kg. Vi khuẩn Aeromonas hydrophila rất nhạy cảm với chiết xuất tỏi, với đường kính vòng vô trùng là 14.43 – 17.75mm. Từ những kết quả nghiên cứu trên, chúng tôi nhận định Tỏi (Allium sativum L.) có khả năng kháng vi khuẩn Aeromonas hydrophila trong điều kiện phòng thí nghiệm.

Cần có nhiều nghiên cứu sâu hơn về tác dụng của tỏi với một số loài động vật thủy sản và một số vi khuẩn khác, để từ đó có được lộ trình điều trị thích hợp cho một số bệnh trên ĐVTS. Từ cơ sở nghiên cứu này, nên có một số nghiên cứu về các con đường cấp hiệu quả khác như ngâm, tắm để tiết kiệm được thời gian và công sức trong điều trị bệnh ếch. Các thí nghiệm tiếp theo nên đẩy mạnh nghiên cứu ngoài thực địa với việc cung cấp tỏi ở các giai đoạn khác nhau.

Source: Trần Hồng Thủy, Nguyễn Trung Tính, Trần Ngọc Thiên Kim, Nguyễn Thành Nhân. Khoa Thủy Sản, Trường ĐH Nông Lâm Tp.HCM. 

Trieu Tuan
Trieu Tuan
Triệu Tuấn là một ông bố 2 con, tốt nghiệp Tiến sỹ chuyên ngành Công nghệ sinh học tại Nhật Bản. Hiện nay đang công tác tại Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau (iPEC).

Share this article

Recent posts

Popular categories

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Recent comments