Bổ sung bả rượu shochou trong khẩu phần ăn của cá tráp

-

Bổ sung bả rượu shochou kết hợp với hàm lượng thấp bột cá giúp cá tráp (Pagrus major) tăng trưởng nhanh và tăng cường hệ miễn dịch.

Giới thiệu

Shochu là một loại rượu truyền thống của Nhật Bản được làm từ nhiều nguồn nguyên liệu khác nhau như khoai tây, khoai lang, bắp, gạo,… Tuy nhiên, rượu shochu sản xuất từ khoai lang là phổ biến và làm nên thương hiệu rượu shochu nổi tiếng nhất của người Nhật. Quá trình sản xuất rượu shochu trải qua 5 bước, bao gồm: chế biến nguyên liệu thô, bổ sung men (koji), lên men cơ bản, lên men giai đoạn hai và cuối cùng là chưng cất sản phẩm.

Sản phẩm thải ra sau khi chưng cất gọi là shochu kasu hay còn gọi là bả rượu shochu (shochu distillery by-product, SDBP). SDBP từ khoai lang chứa hàm lượng lớn các butoxybutyl alcohol (BBA), nó được xem là một trong các chất giúp kích thích tăng trưởng trên động vật. Bên cạnh đó, SDBP được tạo ra nhờ quá trình lên men từ khoai lang và nấm men, qua đó giúp tăng cường khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng khác từ các nguồn thức ăn khác nhau. Việc bổ sung SDBP vào khẩu phần ăn của động vật trên cạn từ lâu đã được sử dụng rộng rãi; tuy nhiên, hiện tại việc bổ sung SDBP cho thức ăn thủy sản vẫn chưa được phổ biến.

Phương pháp nghiên cứu

Thí nghiệm được thực hiện tại trường Đại học Kagoshima, Nhật Bản nhằm nghiên cứu việc bổ sung SDBP vào thức ăn cá với hàm lượng khác nhau lên tăng trưởng và hệ miễn dịch của cá tráp.

Thí nghiệm bao gồm 4 nghiệm thức với 3 lần lặp lại được trình bày trong Bảng. Cá tráp với trọng lượng ban đầu trung bình là 1,5 g, cá được bố trí trong bể polyethylene 100 lít với mật độ 15 cá/bể. Các chỉ tiêu tăng trưởng và hệ miễn dịch của cá được thu sau mỗi 2 tuần. Thí nghiệm được tiến hành trong 56 ngày.

Kết quả nghiên cứu

Các chỉ tiêu tăng trưởng và tỷ lệ sống: Sau 56 ngày nuôi; tỷ lệ sống (trên 80%), hiệu quả sử dụng thức ăn (FER), hệ số tiêu tốn thức ăn (FCR), hiệu quả sử dụng protein (PER) và lượng thức ăn ăn vào (feed intake) khác biệt không có ý nghĩa thống kê giữa các nghiệm thức (P>0,05). Trọng lượng cuối (final weight), tăng trọng theo % (weight gain), và tốc độ tăng trưởng đặc biệt (SGR) của cá ở nghiệm thức 2 (14% SDBP) cao hơn các nghiệm thức còn lại.

Thành phần hóa học của cơ thể cá: Các thành phần hóa học cơ bản của cá sau thí nghiệm được phân tích bao gồm ẩm độ, protein thô, tổng lipid và hàm lượng tro. Kết quả cho thấy, không có sự khác biệt giữa các nghiệm thức; tuy nhiên hàm lượng protein thô và tro có xu hướng tăng cao hơn ở các nghiệm thức có bổ sung bả rượu shochu so với các nghiệm thức còn lại.

Các chỉ tiêu huyết học có liên quan đến hệ miễn dịch của cá: Các chỉ tiêu huyết học của cá bao gồm: đường glucose (Glu), tổng cholesterol (T-cho), ure trong máu (BUN), tổng bilirubin (T-bil), glutamyl oxaloacetic transaminase (GOT), glutamic pyruvate transaminase (GPT), tổng protein (T-pro), triglyceride (TG) được ghi nhận. Kết quả cho thấy, T-cho, GOT, GPT có xu hướng giảm ở các nghiệm thức có bổ sung SDBP so với nghiệm thức bổ sung 60% bột cá (nghiệm thức 3). Tuy nhiên, TG giảm có ý nghĩa (P<0,05) ở các nghiệm thức bổ sung SDPB so với nghiệm thức 3. Hoạt tính diệt khuẩn của huyết tương cũng có xu hướng thay đổi tương tự như các chỉ tiêu hóa học của máu cá. Hàm lượng hợp chất phản ứng với acid thiobarbituric (TBARS) ở gan và cơ cá khác khác biệt không có ý nghĩa thống kê giữa các nghiệm thức.

Kết luận

Kết quả nghiên cứu cho thấy, có thể phát triển khẩu phần thức ăn cho cá tráp không có hoặc hàm lượng thấp bột cá mà không ảnh hưởng tiêu cực đến các chỉ tiêu tăng trưởng, thành phần hóa học cơ bản cũng như sức khỏe của cá.

Source: Huỳnh Như, TepBac

Trieu Tuan
Trieu Tuan
Triệu Tuấn là một ông bố 2 con, tốt nghiệp Tiến sỹ chuyên ngành Công nghệ sinh học tại Nhật Bản. Hiện nay đang công tác tại Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau (iPEC).

Share this article

Recent posts

Popular categories

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Recent comments