Biến khí cacbonic thành đá để đối phó hiện tượng nóng lên toàn cầu

-

Các nhà nghiên cứu đã phát triển thành công một kỹ thuật cho phép thu và lưu giữ carbon dioxide ( CO2), bằng cách biến chúng thành đá.

Công nghệ mới được cho là có thể mang đến một giải pháp nhanh chóng và an toàn hơn để hấp thụ CO2, từ đó hạn chế quá trình ấm lên toàn cầu. Từ lâu, các nhà khoa học đã nhận thấy việc thu giữ và cô lập carbon là một phương pháp tiềm năng nhằm chống lại biến đổi khí hậu.

Ý tưởng của họ là ‘giam’ lượng khí thải CO2 lại và ngăn không cho nó đi vào khí quyển. Mặc dù vậy, những nỗ lực trước đó gần như không mấy hiệu quả. Trước đây, hầu hết các thử nghiệm đều xoay quanh việc bơm khí CO2 vào đá sa thạch, hoặc vào mạch nước ngầm nằm sâu dưới lòng đất. Tuy nhiên, có không ít lo ngại về việc khí này sau đó có thể bị rò rỉ ra ngoài và tiếp tục đi vào khí quyển, do các tác động của con người hoặc địa chất.

Ảnh: P. Huey/Science

Trong khi đó, cách tiếp cận vừa được công bố hướng đến mục tiêu làm giảm nguy cơ này, bằng cách hòa tan CO2 với nước, sau đó bơm hỗn hợp này vào một loại đá núi lửa gọi là bazan. Lúc bấy giờ, CO2 sẽ biến thành một khoáng sản rắn tên Canxit, dạng bền nhất của Canxi cacbonat (CaCO3), và hoàn toàn có thể cất giữ.

Các nhà nghiên cứu tại Đài quan sát Trái đất Lamont-Doherty của Đại học Columbia, và các tổ chức khác đã thử nghiệm phương pháp này như một phần của dự án CarbFix, đã được triển khai từ năm 2012 tại nhà máy điện Hellisheidi ở Iceland – nhà máy điện địa nhiệt lớn nhất thế giới. Các nghiên cứu trước cho rằng có thể phải mất hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm để Canxit hình thành, nhưng kỹ thuật mới của các nhà nghiên cứu cho thấy tốc độ nhanh hơn nhiều.

Một khu của nhà máy địa nhiệt Hellisheidi. Ảnh: Columbia.edu​

Năm 2012, khi chương trình thử nghiệm bắt đầu, các nhà khoa học đã bơm 250 tấn CO2 (trộn với nước và Hydro sulfua) vào lớp đá bazan nằm sâu gần 500 mét dưới mặt đất. Trong vòng hai năm, 95% hỗn hợp bơm vào bazan đã rắn lại thành đá. “Điều này nghĩa là chúng ta có thể bơm xuống một lượng lớn khí CO2 và lưu trữ nó, một giải pháp rất an toàn trong một thời gian rất ngắn”, Martin Stute – nhà thủy văn học tại Đài quan sát Lamont-Doherty, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết. “Trong tương lai, chúng ta có thể nghĩ tới việc áp dụng cách này cho các nhà máy điện, nằm ở nơi có nhiều bazan. Có rất nhiều nơi như vậy”.

Hiện vẫn chưa rõ liệu phương pháp này có khả thi đối với quy mô lớn hay không. Quá trình này đòi hỏi phải sử dụng một lượng nước đáng kể: 25 tấn cho mỗi tấn CO2, và một số câu hỏi cũng được đặt ra rằng có thể ứng dụng nó ở các khu vực khác trên thế giới hay không. Theo Christopher Rochelle, một chuyên gia về giải pháp thu giữ và cô lập carbon, người đã không tham gia vào cuộc nghiên cứu, cho rằng tùy thuộc vào điều kiện địa chất ở khu vực đó, mà các nhà khoa học địa phương phải đưa ra phương án điều chỉnh kỹ thuật sao cho phù hợp.

Được biết trong năm 2014, đã có 5.000 tấn CO2 được ‘chôn’ xuống lòng đất tại nhà máy địa nhiệt Hellisheidi. Orkuveita Reykjavíkur – công ty sở hữu nhà máy này có kế hoạch tăng gấp đôi con số đó vào mùa hè năm nay.

Source: TinhTe.Vn, Tham khảo: BBC, Ảnh: The Verge​

Trieu Tuan
Trieu Tuan
Triệu Tuấn là một ông bố 2 con, tốt nghiệp Tiến sỹ chuyên ngành Công nghệ sinh học tại Nhật Bản. Hiện nay đang công tác tại Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau (iPEC).

Share this article

Recent posts

Popular categories

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Recent comments