Bệnh phân trắng trên tôm ở Thái Lan

-

Bệnh phân trắng đã được các nhà khoa học nghiên cứu trong nhiều năm qua. Cho đến nay bệnh được xác định là Hội chứng phân trắng (White Feces Syndrom-WFS) do nhiều tác nhân gây bệnh tác động cộng hợp tạo thành.

Giới thiệu

Đầu những năm 2000, do sự hấp dẫn bởi giá tôm tăng cao, các nhà sản xuất tôm Thái Lan quyết định nâng cao mật độ nuôi để tăng sản lượng tôm. Tuy nhiên, do nhiệt độ tăng cao bất thường (> 32 độ C) cộng với tỷ lệ cho ăn cao làm cho hàm lượng chất hữu cơ tích lũy trong ao tăng lên dẫn đến sự xuất hiện của một bệnh mới trên tôm gọi là “bệnh phân trắng”.

Bệnh này được phát hiện đầu tiên trên tôm sú nuôi ở độ mặn thấp (3-5 ppt), nhưng sau đó bệnh nhanh chóng lan sang tôm thẻ chân trắng. Tôm thẻ chân trắng chiếm tới 99% sản lượng tôm của Thái Lan.

Các trường hợp bùng phát bệnh

Bệnh xuất hiện ở các điều kiện đất khác nhau, và thường là do kết quả của chất lượng nước kém. Bệnh dễ xuất hiện và gây tỷ lệ chết cao nhất khi điều kiện oxy hòa tan thấp (< 3 mg/L) và độ kiềm thấp (< 80 ppm).

Dấu hiệu sớm của bệnh là sự xuất hiện của những sợi phân có màu trắng trên sàng ăn và cả trên mặt nước (Hình 1).

image

Hình 1: Tôm L. vannamei bệnh phân trắng, có thể nhìn thấy những sợi phân màu trắng ở trên mặt nước và bờ ao phía dưới gió (Ảnh: Durai et al., 2015)

Dấu hiệu lâm sàng

Ngoài phân trắng, tôm bị nhiễm bệnh thường có những dấu hiệu khác như bộ vỏ lỏng lẻo, mang tôm bị đen do các nguyên sinh động vật bám (Hình 2). Phân tích mô bệnh học cho thấy tế bào máu bị vón cục với những nốt sần và gan tụy bị melanin hóa (chuyển thành màu đen).

image

Hình 2: Tôm thẻ nhiễm bệnh phân trắng với mang bị đen do nguyên sinh động vật bám

Những tác nhân gây bệnh phân trắng

Cả hai nhóm vi khuẩn Vibrio spp. và trùng hai tế bào gregarine đều có liên quan đến bệnh phân trắng trên tôm. Những loài vi khuẩn phân lập được trong phân của tôm bệnh tại Khoa Thủy sản, trường Đại học Kasetsart, Thái Lan là:

Vibrio parahaemolyticus
– Vibrio fluvialis
– Vibrio alginolyticus
– Vibrio mimicus

Trùng hai tế bào phân lập được trong tôm bệnh phân trắng thuộc giống Nematopsis (Hình 3).

image

Hình 3: Trùng hai tế bào phân lập được trong ruột của tôm bệnh phân trắng.

Phòng trị bệnh

Theo khuyến cáo của các chuyên gia Thái Lan là người nuôi tôm nên giảm mật độ nuôi trong mùa nắng nóng. Điều này làm giảm hàm lượng vật chất hữu cơ ở nền đáy ao và làm giảm sự phát triển của vi khuẩn Vibrio spp. Bên cạnh đó, một số nhà nuôi tôm đã thành công trong việc kiểm soát bệnh này bằng cách sử dụng chế phẩm sinh học có chứa vi khuẩn Bacillus subtilis để hạn chế sự phát triển của nhóm vi khuẩn Vibrio spp. gây bệnh.

Để khống chế trùng hai tế bào, sử dụng tỏi với liều lượng 5-10 g/kg thức ăn cho hiệu quả cao.

© Triệu Tuấn, trieutuan.blog
Source: Dr. Chalor Limsuwan. White feces disease of shrimp in Thailand. Boletines, Nicovita.

Trieu Tuan
Trieu Tuan
Triệu Tuấn là một ông bố 2 con, tốt nghiệp Tiến sỹ chuyên ngành Công nghệ sinh học tại Nhật Bản. Hiện nay đang công tác tại Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau (iPEC).

Share this article

Recent posts

Popular categories

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Recent comments