Bệnh do vi khuẩn Aeromonas hydrophila gây ra trên cá

-

Vi khuẩn A. hydrophila tồn tại trong những hệ thống nuôi thủy sản trên toàn cầu và là tác nhân gây nên nhiều bệnh nguy hiểm trên cá nuôi.

1. Sự phân bố, khả năng gây bệnh và sự lan truyền bệnh A. hydrophila trên cá

Vi khuẩn A. hydrophila tồn tại trong những hệ thống nuôi thủy sản trên toàn cầu, điều này thể hiện cho sự thích ứng của vi khuẩn trong môi trường nước (Hazen et al., 1978b; Williams và LaRock, 1985). Nó là nguyên nhân gây sự hư thối trên thực phẩm tươi sống bao gồm cả cá và hải sản (Rustigan và Stuart, 1943; Amend và Fender, 1976; Daskalov, 2006).  A. hydrophila hiện diện trong môi trường nước chảy nhiều hơn trong môi trường nước tĩnh (Hazen et al., 1978b).

Bệnh cá là một trong những nhân tố gây rủi ro trong ngành nuôi trồng thủy sản quy mô công nghiệp với sự thất thoát hàng tỷ đô la (Boulanger et al., 1977; Fang et al., 2000 và 2004). Sự lây nhiễm A. hydrophila là hậu quả của việc nuôi cá nước ngọt trên những khu vực có khí hậu ấm áp (Torres et al., 1990; Rahman et al., 2001a; Hu et al., 2005) đặc biệt là ở Trung Quốc và Ấn Độ (Karunasagar et al., 1989; Chang et al., 1992). Đây cũng là tác nhân gây bệnh quan trọng cho những người tiêu thụ các sản phẩm cá và giáp xác bị nhiễm A. hydrophila (Vivekanandhan et al., 2005).

A. hyrophila thuộc nhóm Aeromonas di động và là tác nhân chủ yếu gây bệnh nhiễm trùng huyết (MAS), cũng là tác nhân cơ hội (thứ cấp) gây bệnh EUS (Robert, 1993). Bệnh do A. hydrophila gây ra được gọi là bệnh “Đốm đỏ” (Huizinga et al., 1979). Trong điều kiện bình thường, A. hydrophila không gây bệnh đối với các sinh vật sống, nhưng khi môi trường ô nhiễm, cá bị stress, thay đổi sinh lý đột ngột hay bị nhiễm những mầm bệnh khác thì A. hydrophila là tác nhân gây bệnh tiềm tàng (Plumb et al., 1976; Fang et al., 2000). A. hydrophila trở thành một tác nhân gây bệnh trầm trọng trong nghề nuôi cá thâm canh do tăng sức tải môi trường, sinh lý cá nuôi bị rối loạn (Shaw và Squires, 1984). Khi điều kiện môi trường thuận lợi.  A. hydrophila tăng sinh rất nhanh và sản sinh ra độc tố ECP rất nhiều, đây là nguyên nhân gây bệnh đột ngột cho cá và thậm chí làm cá chết ngay (Allan và Stevenson,1981; Yadav et al., 1992; Vivas et al., 2004a).

image

Khuẩn lạc của vi khuẩn A. hydrophila mọc trên môi trường thạch máu

A.  hydrophila là nhóm vi khuẩn có khả năng sống sót trong môi trường lạnh ngoài tự nhiên với nhiều nhân tố gây độc lực. Những chủng phân lập được từ cá khỏe thì chỉ có một vài chủng có độc lực đủ để gây bệnh trên cá (Cahill, 1990; Vivekanandhan et al., 2005). Có rất nhiều yếu tố liên quan đến sự lây nhiễm A. hdrophila lên vật chủ. Ví dụ: khi môi trường quá tải, vật chủ (Chép; Cyprinus carp) bị tổn thương thì sự lây nhiễm sẽ nhanh (Pai et al., 1995). Tương tự như vậy, khi nhiệt độ nước ấm áp vào mùa hè thì sự nhạy cảm của cá Vàng, cá Koi bị nhiễm ký sinh trùng sẽ rất nhạy cảm với A. hydrophila (Dixon và Issvoran, 1993).

Có một vài nghiên cứu mô tả về khả năng gây bệnh của A. hydrophila ở những loài cá khác nhau thì khác nhau, điều này chủ yếu là do tính không đồng dạng giữa các chủng, sự khác nhau về cơ chế tấn công và gây độc đối với nhũng cơ thể cá bị nhiễm bệnh (Fang et al., 2004). Khi gây cảm nhiễm tự nhiên (phương pháp ngâm) đối với một dòng thuần về mặt di truyền lên cá Hòa Lan để xác định sự gây bệnh của vi khuẩn, kết quả cho thấy tỷ lệ cá chết phụ thuộc vào nồng độ vi khuẩn và dấu hiệu bệnh lý khi cá chết (Kawula et al., 1996). Có nhiều loài cá và giáp xác rất nhạy cảm với A. hydrophila. Esteve et al. (1994), cá Chình châu Âu (Anguilla anguilla) rất nhạy cảm với A. hydrophila và được xem là ký chú đặc biệt cho sự tồn tại và gây bệnh của A. hydrophila tại các nông trại nuôi cá Chình ở Tây Ban Nha trong suôt những mùa vụ khác nhau. Cá Hồi Vân (Oncorhynchus mykiss), mức độ nhạy cảm với A. hydrophila cao hơn so với cá Chình châu Âu (Esteve et al., 1993).

2. Triệu chứng lâm sàng (bệnh lý)

Các dấu hiệu lâm sàng do A. hydrophila gây ra đã được xác định có 4 loại: thứ nhất là dấu hiệu cấp tính (nhiễm trùng huyết gây tử vong nhanh với một vài triệu chứng tổng quát), thứ hai là cơ thể bị trương nước cấp tính (da phồng, xù vẩy và áp xe), thứ ba là lở loét sâu vào cơ thể (những khối u nhọt, áp xe) và thứ tư là dấu hiệu tiềm tàng (không có triệu chứng) (Karunasagar et al., 1989). Những dấu hiệu như: vết loét nhỏ trên bề mặt (xù vẩy), xuất huyết ở các vị trí đặc biệt (trên mang, lỗ hậu môn, vi), mắt lồi, gây áp xe, bụng trương to và thường tích nước (Jeney và Jeney, 1995). Azad et al. (2001), đã quan sát những dấu hiệu bên ngoài như sự thay đổi những vùng hoại tử trên cá Rô phi (Oreochromis niloticus) bị nhiễm A. hydrophila cũng như những dấu hiệu lâm sàng bên trong nội tạng của những loài cá khác nhau. Ví dụ: gan và thận cá Hồi (Micropterus salmoides) đã bị phá hủy và hoại tử khi bị nhiễm A. hydrophila (Huizinga et al., 1979). Sự thoái hóa gan và sự hoại tử thận trên cá Vàng bị nhiễm A. hydrophila (Tafalla et al., 1999). Những vết hoại tử sẽ lan rộng trong các cơ quan nội tạng và xuất hiện những hắc tố trong đại thực bào của cá Nheo Mỹ nhiễm A. hydrophila (Ventura và Grizzle, 1988).

image

Cá nhiễm vi khuẩn A. hydrophila

Những chỉ tiêu về miễn dịch và sinh hóa của cá cũng bị ảnh hưởng. Ví dụ như sự nhiễm  trùng máu trên cá Chép nuôi tại Ấn Độ, cá Catla, Trôi đen, Trôi trắng trong nghiên cứu của Karunasagar et al. (1986 và1989). Khi nghiên cứu gây cảm nhiễm A. hydrophila trên cá Hồi cho thấy nồng độ glocose huyết thanh và số lượng bạch cầu ở cá phát triển bình thường cao hơn ở cá vượt đàn (Peters et al., 1988). Trong những thí nghiệm in vitro cũng được sử dụng như một mô hình để dự đoán những thay đổi về dấu hiệu lâm sàng trên cá nhiễm A. hydrophila. Cá vàng bị nhiễm A. hydrophila đã được phân tích và cho thấy có sự chết dần của tế bào bạch huyết (Shao et al., 2004).

3. Những sản phẩm ngoại bào

Những sản phẩm ngoại bào của vi khuẩn A. hydrophila đã được quan tâm như là nhân tố chủ yếu gây độc lực của vi khuẩn (Allan và Stevenson, 1981; Ruangapan, 1986). Tuy nhiên, vai trò của mỗi nhân tố gây độc lực trong quá trình lây nhiễm vẫn chưa rõ ràng (Handfield et al., 1996). A. hydrophila là loài vi khuẩn đã được biết đến như là loài tiết nhiều độc tố như độc tố trong ruột (Ljungh et al., 1981; Chakraborty et al., 1984), aerolysin (Howard and Buckley, 1985c; Chakraborty et al., 1986), cytotoxin (Boulanger et al., 1977), haemolysin (Allan và Stevenson, 1981; Rodriguez et al., 1992), protease (Leung và Stevenson, 1988a; Rodriguez et al., 1992), amylase (Gobius and Pemberton, 1988), acetylcholine esterase (Nieto et al., 1991), lipase/acyltransferase (Munn et al., 1982; Buckley, 1982), leucocidins (Caselitz, 1966; Scholz et al., 1974), enolase (Sha et al., 2003), nucleases (Chang et al., 1992; Favre et al., 1993), chitinases (Ueda et al., 1994) và các độc tố gây bất ổn định nhiệt chưa được biết (Khalil và Mansour, 1997).

Dòng A. hydrophila cũng sản xuất ra gelatinase, caseinase, elastase, lipase, lecithinase và deoxyribonuclease (Favre et al., 1993). Những enzyme này có vai trò cung cấp dinh dưỡng cho vi khuẩn bằng cách phá vỡ các tế bào vật chủ thành các phân tử nhỏ và sau đó đi vào quá trình hình thành tế bào vi khuẩn (Cicmanec và Holder, 1979; Sakai, 1985).

Mặc dù dòng A. hydrophila sản sinh ra nhiều loại độc tố, nhưng chỉ có enzym protase là nhân tố gây độc lực chính trong ECPs liên quan đến khả năng gây bệnh trên cá. Ví dụ: sự sản sinh ra protase bởi vi khuẩn A. hydrophila sẽ làm cho cá thoái hóa các mô/cơ quan (Howard và Buckley, 1982; O’Reilly và Day, 1983; Sakai, 1985). Điều này đã được xác định bởi Khashe et al. (1996), Vivas et al. (2004a), tình trạng bệnh của cá tăng khi hoạt động của protase tăng mạnh. Tương tự, khi xác nhận sự hoạt động của protase trong các vật chủ khác nhau cho thấy: hoạt động của protelyotic tìm thấy trong A. hydrophila từ người, cá và động vật khác cao hơn A. hydrophila được phân lập từ môi trường nước (Shotts et al., 1985). Trái lại Allan và Stevenson (1981) đã đưa ra kết luận là protase không phải là nhân tố gây độc lực chính.

Độc tố tiêu huyết của A. hydrophila đã được quan tâm là nhân tố gây độc lực chính trong ECP của vi khuẩn này. Ví dụ như: Khalil và Mansour (1997) đã quan sát độc lực của ECPs đã giảm cùng với hoạt động của độc tố tiêu huyết. Tuy nhiên, trước đó Lallier et al. (1984) đã cho rằng độc tố tiêu huyết không phải là nguyên nhân gây độc của vi khuẩn làm ảnh hưởng đến cá.

Sự xuất hiện những đốm đỏ trên cá Hồi (Salvelinus fontinalis) khi được tiêm bằng đường bụng chất ECP của vi khuẩn A. hydrophila cho thấy hoạt động độc tố tiêu huyết gây chết cá có ý nghĩa (Allan và Stevenson, 1981). Điều này đã được chứng minh khi Ventura và Grizzle (1988) đã quan sát thấy những hemoglobin bị vỡ ra khi cá Nheo Mỹ nhiễm A. hydrophila. Tuy nhiên, hoạt động sản sinh ra độc tố tiêu huyết ở những dòng A. hydrophila khác nhau thì khác nhau, do đó khả năng gây độc khác nhau, độc tố tiêu huyết của A. hydrophila có khả năng chống lại các loài vi khuẩn khác (như Staphylococcus spp.) (Messi et al., 2003). Theo Rodriguez et al. (1993), enzym acetylcholinesterase của vi khuẩn A. hydrophila được tìm thấy trong cá Hồi bị nhiễm bệnh, ezyme này đã làm cho cá giảm phản ứng bơi lội, giảm sự thăng bằng, cá bơi lờ đờ và chết. Thông qua những triệu chứng đó tác giả đã đề xuất: độc tố ảnh hưởng đến trung tâm hệ thống thần kinh.

Độc tố Aerolysin được cho là độc tố ngoại bào phức tạp trong độc lực của A. hydrophila, nó kết hợp với các thụ thể glycoprotein đặc biệt trên bề mặt những tế bào nhân thật, Aerolysin xâm nhập vào những màng lipid rồi hình thành nên những cái lỗ có đường kính 3 nm (Karunasagar et al., 1986). Điều này sẽ dẫn đến sự tiêu diệt sự bảo vệ của màng thấm và sau đó làm cho tế bào chêt (Howard và Buckley, 1985c). Như vậy, Aerolysin hủy diệt tế bào bằng cách hình thành những rãnh riêng biệt trong màng plasma của những tế bào (Buckley và Howard, 1999). Theo Sirirat et al. (1999), số lượng Aerolysin trong những dòng có độc lực cao hơn những dòng không có độc lực.

Sự biểu hiện của các nhân tố độc lực trong ECP phụ thuộc vào môi trường dinh dưỡng sẵn có (Gonzalez-Serrano et al., 2002). Ví dụ: Theo Esteve và Birbeck (2004), số lượng của độc tố tiêu máu và phân giải protein của A. hydrophila phụ thuộc vào môi trường nuôi cấy như sự khác biệt về biểu hiện của những hoạt động này trong môi trường TSY và BHI.

Sự sản sinh ra các thành phần trong các sản phẩm ngoại bào phụ thuộc vào nhiệt độ môi trường nuôi cấy như Merino et al. (1992) đã tìm thấy khả năng gây độc cho cá tăng cao khi vi khuẩn được nuôi cấy ở 25oC thay vì nuôi ở 37oC. Theo O’Reilly và Day (1983), sự sản sinh protase của các dòng A. hydrophila ở 30oC nhiều hơn so với ở 25oC. Tương tự như vậy, sự sản sinh độc tố tiêu huyết tăng khi nuôi vi khuẩn ở 35oC thay vì nuôi ở 25 và 30oC (Khalil và Mansour, 1997). A. hydrophila có thể sinh ra độc tố tiêu huyết và độc tố phân bào khi nuôi ở 37, 28 và 5oC, tuy nhiên, ở 28oC sẽ cho tỷ lệ cao hơn so với 5 và 37oC (Tsai et al., 1997).

4. Các nhân tố gây độc của A. hydrophila

Những nhân tố gây độc lực như aerolysin, haemolysin, cytosine, enterotoxin, hoạt động phân giải protein, hoạt động thủy phân chất béo, gelatinase, sản xuất dịch nhờn và những peptide kháng khuẩn đã được xác định trong A. hydrophila (Asmat và Gires, 2002; Castro – Escarpulli et al., 2003; Martins et al., 2002; Illanchezian et al., 2010). Những nhấn tố gây độc lực có vai trò trong sự sống còn, cơ chế tự bảo vệ và khả năng gây bệnh của vi khuẩn. Vào năm 1995, các nhà nghiên cứu đã khẳng định rằng, các nhân tố độc lực chính là yếu tố quyết định khả năng gây bệnh của vi khuẩn (Vadivelu et al., 1995). Đây là những nhân tố chủ yếu được tìm thấy trong nhóm Aeromonas spp. (Singh et al., 2010). Theo Subashkumar và các đồng nghiệp, protease, aerolysin, hemolysin, enterotoxins, lipases, gelatinase và màng sinh học là những nhân tố độc lực của Aeromonas spp. Màng sinh học là một chất nhầy polysaccharide trên bề mặt ngoại bào của vi khuẩn dùng để bám dính và tự bảo vệ mình. Kết quả hình thành màng sinh học là để tạo ra sức đề kháng cho vi khuẩn, sự kháng kháng sinh thường dùng và sự gây bệnh một cách bền vững của vi khuẩn (Rodney, 2008). Màng sinh học giúp tái sinh những chất khoáng (Brown et al., 1999). Một số nhà nghiên cứu đã tìm thấy sự đề kháng của vi khuẩn chứa ( Pb2+, Cu2+ và Zn2+) từ 2 đến 600 lần khi so với những tế bào sinh vật phù du (Teitzel và Parsek, 2003; Harrison et al., 2005). Những kim loại nặng mặc dù cần thiết trong một cơ thể sống nhưng với số lượng quá cao sẽ trở nên nguy hiểm cho hệ thống sống bao gồm cả vi sinh vật. Điều này là do sự gắn kết với nhũng thành phần khác để tạo ra những hợp chất phức tạp (Anne Spain và  Elizabeth Alm, 2003). Những kim loại này được tìm thấy trong môi trường sống của vi khuẩn hay trong tự nhiên thông qua các hoạt động của con người (Adarsh et al., 2007). Theo Anne Spain và Elizabeth Alm (2003), sự gia tăng của các gen kháng kháng sinh cùng với những kim loại năng trong môi trường đã đe dọa đến sức khỏe của con người.

5. Sự chẩn đoán bệnh

Sự chẩn đoán bệnh và sự định danh những tác nhân lây nhiễm là một phần quan trọng trong việc quản lý bất kỳ một loại bệnh nào. Dựa vào những dấu hiệu lâm sàng có thể rất khó khăn vì sự phát triển rất nhanh của A. hydrophila trong cơ thể cá dưới điều kiện thuận lợi (Jeney và Jeney 1995) và các mầm bệnh khác như A. salmonicidaVibrio cũng gây ra những dấu hiệu tương tự. Có một số phương pháp xác định loại bệnh này như phương pháp truyền thống (hình thái và đặc điểm sinh hóa), miễn dịch học và kỹ thuật sinh học phân tử.

Phương pháp truyền thống dùng để xác định A. hydrophila bào gồm: hình dạng, màu sắc khuẩn lạc trên môi trường NA, nhuộm gram, hình thái, khả năng di động của vi khuẩn và một số phân tích chỉ tiêu sinh hóa khác (Altwegg et al., 1990; Chaudhury et al., 1996; Yambot, 1998). Một phương pháp định danh nhanh chóng dựa trên phân tích sinh hóa từ băng API có chứa sẵn những hóa chất đã được pha trộn trước, phương pháp này thường được sử dụng để định danh  A. hydrophila (Dixon et al., 1990; Gatesoupe, 1991; Hettiarachchi và Cheong, 1994; Noterdaeme et al., 1991). Tuy nhiên, phương pháp truyền thống thì không chính xác để định danh A. hydrophila đến mức độ loài (De Figueiredo và Plumb, 1977).

Phương pháp xác định miễn dịch học như phương pháp ELISA đã được phát triển để xác định A. hydrophila bởi Merino et al. (1993) và Sendra et al. (1997). Korbsrisate et al. (2002) đã sản xuất đa kháng thể để chống lại A. hydrophila sử dụng một thử nghiệm kết dính trực tiếp để xác định A. hydrophila. Kháng thể đơn dòng cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định các tác nhân gây bệnh trên cá (Adams và Thompson, 2006). Chanphong et al. (1999) đã phát triển một kháng thể đơn dòng chống lại một protein 41 kDa của vi khuẩn A. hydrophila, trong khi kháng thể đơn dòng cũng đã được sản xuất để chóng lại polypeptide 110 kDa của vi khuẩn A. hydrophila (Delamare et al., 2002). Mặc dù phương pháp miễn dịch học rất hữu ích trong việc xác định A. hydrophila nhưng nó chỉ có thể định danh được những dòng đặc biệt (Merino et al., 1993).

Phương pháp sinh học phân tử được đề nghị để xác định A. hydrophila để khắc phục những khuyết điểm từ phương pháp truyền thống hay phương pháp miễn dịch. Sugita et al. (1994) đã đề nghị một phương pháp lai ADN để định danh A. hydrophila khi khuếch đại một gen cụ thể (gen tiêu huyết) bằng phản ứng PCR đã được khuyến cáo cho việc định danh vi khuẩn (Xia et al., 2004). Thêm vào đó, có một phương pháp xác định nhanh chóng dựa trên sự xác định trình tự 16s ribosome ADN (rADN) của vi khuẩn A. hydrophila (Dorsch et al., 1994). Và gần đây, Chu và Lu (2005) đã phát triển một phương pháp PCR đa thành phần để khuếch đại gen 16s rDNA và gen aerolysin để xác định chủng gây bệnh. Sau đó có một phương pháp kết hợp giữa miễn dịch học và sinh học phân tử để xác định nhanh chóng và hiệu quả A. hydrophila (Peng et al., 2002).

6. Kiểm soát và xử lý

6.1 Kháng sinh

Kháng sinh là một trong những nhân tố chủ yếu để kiểm soát A. hydrophila (Fang et al., 2004). Hiệu quả nhất là nhóm furance (Mitchell và Plumb, 1980), sulfonamide (Bowser et al., 1987), chloramphenical, neomycin, sulfamethoxazoletrimethoprim, streptomycin, naladixic acid, oxolinic acid, neomycin và sarafloxacin (Krovacek et al., 1989; Dixon et al., 1990), rifampicin (Ansary et al., 1992), oxytetracycline (Tafalla et al., 1999), cephamycins và moxalactam (Zervosen et al., 2001), ciprofloxacin (Ko et al., 2003), amoxycillin và enrofloxacin (Ilhan et al., 2006). A. hydrophila cũng nhạy cảm với các amino acid có nguồn gốc từ hydroximates (Walter et al., 1999) và H2O2 (Landre et al., 2000). Mặc dù kháng sinh kiểm soát được A. hydrophila nhưng ở mức độ nào đó, một nghiên cứu cho thấy vi khuẩn đã kháng lại các tác nhân hóa trị liệu khi chúng được sử dụng trong một khoảng thời gian dài (Mitchell và Plumb, 1980; Vivekanandhan et al., 2002). Nhiều dòng A. hydrophila được phân lập đã có sự đề kháng với các loại kháng sinh ampicillin, carbenicillin, erythromycin, gentamicin, penicillin, tetracycline, nitrofuradantoin, ormetoprim-sulfadimethoxine, sulfamethoxazole-trimethoprim và triple sulfa (Dixon et al., 1990; Ansary et al.,1992; Dixon và Issvoran, 1993; Ilhan et al., 2006).

Tỷ lệ kháng lại kháng sinh ngày càng cao đối với nhóm A. hydrophila được phân lập từ những loài cá nuôi, do áp lực mạnh về việc sử dụng hóa trị liệu trong nuôi cá công nghiệp. Trong khi đó, những dòng A. hydrophila được phân lập từ cá tự nhiên thì không có sự kháng lại kháng sinh (Aoki et al., 1971; Radu et al., 2003). Hơn thế nữa, phần lớn những nhà nghiên cứu đã tìm thấy những plasmid có tính đối kháng đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành những dòng kháng kháng sinh (Chang và Bolton, 1987; Choudhury et al., 1996; Son et al., 1997). Kích thước phân tử plasmid kháng trong vi khuẩn A. hydrophila từ 3 – 150  Kb Chang và Bolton, 1987; Choudhury et al., 1996; Son et al., 1997). Việc hạn chế sử dụng thuốc để điều trị vi khuẩn cho cá nuôi để giảm sự phát triển những plasmid kháng trong vi khuẩn  (Son et al., 1997). Tuy nhiên, một số yếu tố khác đang được nghi ngờ là có khả năng kháng lại kháng sinh kể từ khi Ansary et al. (1992) đã tìm thấy trong A. hydrophila một thành phần không phải là plasmid kháng kháng sinh mà là một thành phần gì đó kháng lại (ampicillin và carbenicillin).

Do sự kháng lại kháng sinh cao nên khi tiến hành các phương pháp trị liệu lâm sàng nên rât khó để kiểm soát những dòng A. hydrophila được phân lập từ những hệ thống nuôi thủy sản (Riquelme et al., 1996; Daskalov, 2006). Sự phát triển những dòng kháng kháng sinh là do việc sử dụng nhiều loại thuốc kháng sinh và những loại kháng sinh có hiệu quả cao. Ngoài ra, việc lây truyền những dòng vi khuẩn kháng kháng sinh đến con người hay động vật trên cạn đang là mối nguy cao đến sức khỏe cộng đồng (Shariff, 1998). Thayumanavan et al. (2003) đã cảnh báo về việc gia tăng những dòng vi khuẩn A. hydrophila kháng kháng sinh trên tôm cá thì đang là mối nguy hiểm cho con người. Ngoài ra, việc gia tăng kháng sinh sẽ làm tăng chi phí trong nuôi trồng thủy sản công nghiệp. Vì vậy việc quan trọng là giảm nguyên nhân gây bệnh và giảm sử dụng thuốc đến tối thiều (Gudding et al., 1999).

Ngoài việc kháng kháng sinh, một số tác giả đã báo cáo về tác dụng phụ của việc sử dụng kháng sinh như việc tích lũy dư lượng tại các mô và làm giảm khả năng miễn dịch tự nhiên ở cá (Van Muiswinkel et al., 1985; Ellis, 1988; Thompson và Adams, 2004). Trái lại, một số tác giả khác cho rằng, việc sử dụng những loài kháng sinh như sulfonamide và oxytetracycline sẽ không có tác dụng phụ cho cá (Bowser et al., 1987; Tafalla et al., 1999). Việc sử dụng kháng sinh và những hóa chất trị liệu đã chi ra sự ảnh hưởng độc hại đến động vật (Martin, 1973) và có thể cản trở nhất định đến quá trình tổng hợp protein (Watson, 1975). Một số người đã cho rằng có sự ức chế việc tổng hợp protein của ty thể bởi một số loại kháng sinh (De Vries và Kroon, 1970).

Đáp ứng miễn dịch dịch thể và tế bào của cá chép đã được chứng minh là bị ức chế trong thời gian xử lý cá bằng oxytetracyline và sự gia tăng bạch cầu hạt trong cá được xử lý (Rijkers et al., 1980). Việc sử dụng các loại hóa chất khác để diệt ký sinh trùng, côn trùng và cây cỏ sẽ làm giảm khả năng đáp ứng miễn dịch trên cá. Cá chép Ấn Độ giảm đáp ứng miễn dịch không đặc hiệu khi tiếp xúc với thuốc trừ sâu gốc permethrin (Nayak et al., 2004a), chúng rất nhạy cảm khi tiếp xúc với A. hydrophila. Cá tiếp xúc với đồng ở nồng độ cao cũng làm ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng miễn dịch, khi đó sẽ có một số thay đổi về các thông số miễn dịch đo được (Ellis, 1981; Shariff et al., 2001).

6.2 Chất kích thích miễn dịch

Những chất kích thích miễn dịch được chiết xuất chủ yếu từ thảo dược như polysaccharide và vitamin C giúp tăng cường hệ thống miễn dịch của cá để chống lại A. hydrophila. Ví dụ, sự tăng khả năng miễn dịch của cá Sặc gấm (Trichogaster trichopterus) bằng cách ngâm cá vào chất chiết xuất từ tảo biển (aminaran) để chống lại dòng A. hydrophila (có độc lực) (Samuel et al., 1996). Sự gia tăng đường trong huyết thanh, cholesterol, protein tổng số, số lượng tế bào máu đỏ, hemoglobin và hematocrit đã được tìm thấy trong A. hydrophila lây nhiễm trên cá Chép sau khi được xử lý với dịch chiết từ lá cây (Azadirachta indica) (Harikrishnan et al., 2003). Bột của hạt cây thảo dược (Achyranthes aspera) đã được bổ sung vào chế độ cho ăn đã làm tăng khả năng miễn dịch bẫm sinh và sự kháng lại A. hydrophila ở cá Chép Ấn Độ (Vasudeva Rao et al., 2006).

Một số dịch chiết từ những động vật biển có màng áo như Mực biển (Ecteinascidia turbinate) để làm tăng miễn dịch tế bào và miễn dịch dịch thể trên cá Chình Mỹ (A. rostrata) chống lại A. hydrophila (Davis và Hayasaka, 1984). Một số báo cáo cho thấy polysaccharide có khả năng tăng đáp ứng miễn dịch của cá chống lại A. hydrophila như tỷ lệ sống cá Rô Phi và cá Trắm Cỏ khi được tiêm một số polysaccharide trước khi bị lây nhiễm A. hydrophila (Wang và Wang, 1997). Tương tự như vậy, cá Chép được tiêm polysaccharide đã làm tăng lượng bạch cầu trung tính và bạch cầu đơn nhân và khả năng chống lại A. hydrophila khi thí nghiệm gây cảm nhiễm bệnh cho cá (Selvaraj et al., 2005).

Một tác dụng bổ trợ của polysaccharide được quan sát khi tiêm polysaccharide vào cá cho thấy kháng thể tăng cao nhất để chống lại chủng vắc-xin A. hydrophila. Đáp ứng miễn dịch trung gian qua miễn dịch thể và miễn dịch tế bào của cá Chốt Nghệ (Mystus gulio) tăng lên cao khi tăng lượng Vitamin C bổ sung vào thức ăn cho cá (Anbarasu và Chandran, 2001). Theo Sobhana et al. (2002), ở cá Trôi có sự tập trung của tế bào thực bào đến vị trí tiêm chủng nhanh khi chế độ cho ăn của cá có bổ sung Vitamin C và cá hết nhiễm vi khuẩn sau 9 ngày.

Hormon lactoferrin ở người cũng có thể điều hòa hoạt động miễn dịch, theo Weifeng et al. (2004), sự kháng lại A. hydrophila trong cá Trắm Cỏ chuyển gen (Ctenopharyngodon idella) có hormon lactoferrin. Sự bổ sung men ribonucleotides vào thức ăn cũng có khả năng kháng lại A. hydrophila ở cá Rohu (Choudhury et al., 2005). Chế phẩm sinh học cũng có khả năng làm tăng đáp ứng miễn dịch cho cá. Theo Ramadan et al. (1994), khi bổ sung ascogen vào thức ăn cho Rô Phi cho thấy kháng thể tăng khi cá được tiêm chủng A. hydrophila (chết). Ngoài ra, chế độ cho ăn với hormon triiodothyronine trong cá Rohu cũng làm tăng cường đáp ứng miễn dịch của cá khi cá được tiêm chủng A. hydrophila (chết) (Sahoo, 2003).

Source: ThS. Nguyễn Thành Tâm. Chuyên Đề: Tình Hình Nghiên Cứu Và Ứng Dụng Vắc-Xin Phòng Bệnh Vi Khuẩn Aeromonas Hydrophila. Khoa Thủy sản, ĐH. Cần Thơ

Trieu Tuan
Trieu Tuan
Triệu Tuấn là một ông bố 2 con, tốt nghiệp Tiến sỹ chuyên ngành Công nghệ sinh học tại Nhật Bản. Hiện nay đang công tác tại Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau (iPEC).

Share this article

Recent posts

Popular categories

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Recent comments