Ảnh hưởng của hỗn hợp Bacillus sp. chọn lọc lên tăng trưởng Artemia franciscana

-

Nuôi trồng thủy sản đã và đang trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn trong nền kinh tế quốc dân. Đặc biệt ngành nuôi thủy sản đang ngày càng có vai trò quan trọng trong việc giải quyết nhu cầu thực phẩm của con người, nhất là đối với các sản phẩm có nguồn gốc từ biển.

Với sự gia tăng dân số hiện nay và nhu cầu thực phẩm chất lượng cao, con người buộc phải chú ý đến nguồn lợi thủy sản. Ngoài việc khai thác giống tự nhiên thì việc sản xuất giống nhân tạo là vấn đề cấp thiết để cung cấp con giống chất lượng cho ngành nuôi trồng thủy sản. Trong quá trình sản xuất giống nhân tạo hiện nay thì việc giải quyết thức ăn tươi sống là khâu then chốt quyết định đến sự tăng trưởng và tỷ lệ sống của ấu trùng. Từ vai trò quan trọng đó thì nhiều loại thức ăn tươi sống được quan tâm nghiên cứu và sản xuất, đặc biệt phải kể đến Artemia. Artemia là thức ăn rất quan trọng và không thể thiếu trong nghề nuôi trồng thủy sản, nhất là trong khâu sản xuất giống. Ấu trùng Artemia franciscanalúc mới nở ở giai đoạn Instar I và Instar II có kích thước nhỏ hơn so với các dòng Artemia khác, là loại thức ăn lý tưởng cho giai đoạn đầu của ấu trùng giáp xác và cá con. Vì vậy, đây là loại thức ăn phổ biến trong các trại sản xuất giống, trại ương giống hay nuôi vỗ tôm, cá bố mẹ. Xác định rõ tầm quan trọng của nghề nuôi Artemiađã tạo tiền đề phát triển cho ngành Artemia nói riêng và ngành thủy sản Việt Nam nói chung. Vấn đề quan trọng đặt ra ở đây là làm sao ứng dụng cho tiến bộ khoa học, công nghệ mới vào nghề nuôi Artemia để góp phần tăng năng suất và chất lượng của Artemia.

Gần đây các nhà khoa học đã nghiên cứu nhiều về việc sử dụng các vi sinh vật hữu ích để tạo ra các chế phẩm sinh học. Một trong các nhóm được nghiên cứu nhiều nhất là nhóm Bacillus. Nhóm vi khuẩn Bacillus hiện đang được ứng dụng nhiều trong ngành nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, ở Việt Nam có rất ít về nghiên cứu ứng dụng của vi khuẩn Bacillus lên Artemia. Chính vì vậy, nghiên cứu “Ảnh hưởng của hỗn hợp vi khuẩn Bacillus sp. chọn lọc lên tăng trưởng Artemia franciscana” đã được thực hiện với mục tiêu là khảo sát ảnh hưởng của vi khuẩn Bacillus lên quá trình nuôi Artemia fransiscana nhằm góp phần nâng cao sinh khối Artemia. Với nội dung nghiên cứu ảnh hưởng tích cực của các dòng vi khuẩn Bacillus sp. đến chiều dài, số phôi/lần sinh sản, tỷ lệ sống của Artemia fransiscana trong quá trình nuôi. Ngoài ra, hiệu quả của vi khuẩn Bacillus sp. đã được chọn lọc và Bacillus sp. có trong chế phẩm vi sinh lên chiều dài, số phôi/lần sinh sản, tỷ lệ sống của Artemia cũng đã được so sánh.

Phương pháp nghiên cứu

Nguồn vi khuẩn: Vi khuẩn B37 (Bacillus cereus) và vi khuẩn B41 (Bacillus amyloliquefaciens) là vi khuẩn hữu ích đã được phân lập tại Vĩnh Châu, Sóc Trăng. Chế phẩm vi sinh Pro-W bao gồm các thành phần như sau (1 g): Bacillus subtilis, Bacillus licheniformis (2.5×10^12 CFU/g). Thành phần của chế phẩm vi sinh Inter-Pro trong 1 kg bao gồm: B. subtilis, B. licheniformis; B. megaterium; B. polymoxya; Nitrosomonas; Lactobacillus (2,0×10^9 CFU/kg); Amylase (55000 UI); Protease (5000 UI); Cellulase (45000 UI); Lipase (50000 UI).

Bố trí thí nghiệm: Thí nghiệm bao gồm 4 nghiệm thức. Nghiệm thức 1: không bổ sung vi khuẩn (ĐC). Nghiệm thức 2: Bổ sung hỗn hợp vi khuẩn B37+B41. Nghiệm thức 3: Bổ sung chế phẩm vi sinh Pro-W. Nghiệm thức 4: Bổ sung chế phẩm Inter-Pro. Artemia được ấp nở ở độ mặn 35‰ trong điều kiện vô trùng. Trứng bào xác Artemia được áp dụng kỹ thuật bóc vỏ trước khi cho nở trong điều kiện vô trùng. Ấu trùng vô trùng được bố trí trong điều kiện có bổ sung sục khí liên tục bằng máy thổi khí, không khí được lọc qua bộ lọc có kích thước mắt lưới 0,2 um trước khi vào chai nuôi. Sau đó Naupli được bố trí cho vào 12 chai thủy tinh (1L) đã tiệt trùng có chứa 500 mL nước có độ mặn 35‰ mật độ 100 con/500 mL. Tảo Chaetoceros được sử dụng làm nguồn thức ăn chính cho Artemia trong suốt quá trình nuôi. Vi khuẩn được bổ sung ngay sau khi tiến hành ấp và nuôiArtemia với mật độ bổ sung là như nhau 10^6 CFU/mL ở tất cả các nghiệm thức với nhịp bổ sung vi khuẩn 4 ngày/lần. Thí nghiệm được thực hiện liên tục trong 15 ngày.

Cách cho ăn và quản lý Artemia thí nghiệm: Tảo Chaetoceros sp. được sử dụng làm thức ăn cho Artemia trong suốt quá trình nuôi. Chế độ cho ăn: 4 lần/ngày, liều lượng cho ăn theo kiểu thỏa mãn bằng cách quan sát màu nước trong chai, biểu hiện bơi lội Artemia và hiện diện thức ăn trong đường ruột Artemia (nếu đường ruột bị đứt quãng chứng tỏ lượng thức ăn đưa vào không đủ). Trong thời gian nuôi quản lý thức ăn luôn được chú trọng, không cho ăn quá dư thức ăn vì dễ làm bẩn nước và ảnh hưởng đến tỉ lệ sống của Artemia. Tảo Chaetoceros sp. được ly tâm trước khi cho Artemia ăn.

Theo dõi các chỉ tiêu sinh học của Artemia: Các chỉ tiêu sinh học của Artemia như tỷ lệ sống, tỷ lệ đực, cái, tăng trưởng chiều dài và số phôi/lần sinh sản, được thu một lần vào thời điểm kết thúc thí nghiệm (ngày thứ 15). Tỷ lệ sống của Artemia được xác định bằng phương pháp đếm trực tiếp bằng mắt thường, tỷ lệ đực cái cũng xem trực tiếp bằng mắt thường cũng tương tự như tỷ lệ sống. Artemia mang trứng được cho vào đĩa Petri và đưa lên kính nhìn nổi để đếm số phôi có trong buồng trứng, mỗi nghiệm thức được thực hiện trên 90 cá thể (mỗi chai 30 cá thể). Chiều dài của Artemia được xác định bằng cách bắt ngẫu nhiên 30 con, sau đó tiến hành đo dưới kính hiển vi chuyên dùng cho việc đo kích thước.

Kết quả nghiên cứu

Một số yếu tố môi trường trong quá trình thí nghiệm: Do thí nghiệm được bố trí trong phòng kín, nhìn qua thí nghiệm thì nhiệt độ trong chai tương đối ổn định. Nhiệt độ trung bình lúc 7 h (27,4±0,94○C), 14 giờ (32±0,72○C). Nhiệt độ ở các nghiệm thức dao động trong khoảng tương đối nhỏ và nằm trong ngưỡng tốt nhất cho sự phát triển của Artemia. Độ mặn ở các nghiệm thức được duy trì khoảng 35‰ nhằm tạo điều kiện cho vi khuẩn Bacillus phát triển. Chỉ tiêu pH ở các nghiệm thức dao động trong khoảng 7,5-8. Hàm lượng TAN ở nghiệm thức ĐC dao động ở giai đoạn đầu và cuối thí nghiệm (0,073 – 0,568 mg/L). Còn đối với những nghiệm thức có bổ sung vi khuẩn tương đối ổn định hơn (0,093 – 0,284 mg/L). Vì vậy, đối với nghiệm thức bổ sung vi khuẩn thì TAN tương đối ổn định vì vi khuẩn có khả năng phân giải vật chất hữu cơ tồn đọng trong quá trình nuôi. Hàm lượng NO2 ở nghiệm thức có bổ sung vi khuẩn lúc đầu và cuối thí nghiệm ít chênh lệch và dao động trong khoảng 0,127 – 0,408 mg/L so với nghiệm thức ĐC (0,091– 0,637 mg/L). Từ kết quả trên cho thấy đối với nghiệm thức có bổ sung vi khuẩn đã góp phần cải thiện hàm lượng NO2 trong môi trường nuôi Artemia.

Chiều dài của Artemia: Chiều dài của Artemia ở nghiệm thức ĐC là thấp nhất (7,4±0,8 mm) và khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0,05) so với B37+41 (9,4±1,2 mm), Pro-W (11,3±0,8 mm) và Inter-Pro (8,6±0,7 mm). Trong 3 nghiệm thức có bổ sung vi khuẩn thì nghiệm thức Pro-W (11,3±0,8 mm) đạt kích thước lớn nhất và khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0,05) so với B37 +41 (9,4±1,2 mm) và Inter-Pro (8,6±0,7 mm). Tuy nhiên, chiều dài của Artemia ở nghiệm thức B37+41 và Inter-Pro khác biệt có ý nghĩa thống kê p<0,05).

Trung bình số phôi/lần sinh sản: Đối với những nghiệm thức có bổ sung vi khuẩn thì trung bình số phôi/lần sinh sản cao hơn và khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0,05) so với nghiệm thức ĐC (137,2 ± 3,5 phôi/lần sinh sản). Trong 3 nghiệm thức có bổ sung vi khuẩn thì nghiệm thức Pro-W có số phôi/lần sinh sản cao nhất (216,0±6,6 phôi/lần sinh sản) so với B37+41 (209,1±6,5 phôi/lần sinh sản) hoặc Inter-Pro (162,4±4,7 phôi/lần sinh sản) và khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0,05). Kết quả cho thấy Artemia ở nghiệm thức bổ sung vi khuẩn Bacillus con cái hình thành buồng trứng tốt hơn so với nghiệm thức ĐC.

Tỷ lệ sống trung bình của Artemia: Artemia ở những nghiệm thức được bổ sung vi khuẩn có tỷ lệ sống cao hơn và khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0,05) so với ĐC (66.7±1,5%). Tỷ lệ sống ở nghiệm thức có bổ sung vi khuẩn B37+41 cao nhất (88±3,6%) và khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0,05) với Pro-W (72,0±2%) và Inter-Pro (71,7±1,5%). Tuy nhiên, tỷ lệ sống của Artemia ở nghiệm thức Pro-W và Inter-Pro khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p>0,05). Kết quả cho thấy việc bổ sung vi khuẩn Bacillus góp phần cải thiện tỷ lệ sống của Artemia.

Tỷ lệ đực, cái trung bình của Artemia: Tỷ lệ đực cao nhất ở nghiệm thức ĐC (38,4±6,8%) khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0,05) so với nghiệm thức Pro-W (33,5±1,7%). Ở nghiệm thức có bổ sung B37+41 thì tỷ lệ con đực (31,8±1,8%) khác biệt (p<0,05) với Pro-W (33,5±1,7%) nhưng không khác biệt so với Inter-Pro (23,7±1,8%). Tỷ lệ Artemia cái ở khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0,05) với ĐC (61,5±6,8%). Tuy nhiên, tỷ lệ con cái ở nghiệm thức ĐC (61,5±6,8%) tương đương (p>0,05) với B37+41 (68,2±3,2%) và Inter-Pro (66,5±1,6%). Kết quả cho thấy nghiệm thức bổ sung vi khuẩn tỉ lệ cái cao hơn nghiệm thức không bổ sung vi khuẩn. Trong thực tế nếu tỉ lệ con cái cao hơn con đực thì năng suất nuôi đạt cao hơn nếu con cái đẻ trứng hoặc đẻ con.

Biến động mật độ vi khuẩn Bacillus trong nước: Mật độ vi khuẩn ở các nghiệm thức được bổ sung B37+41 (3,5 ×10^5 CFU/mL), Pro-W (3,7 × 10^5 CFU/mL) và Inter-Pro (3,2 × 10^5 CFU/mL) khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0,05) so với ĐC (2,6 × 10^2 CFU/mL). Các nghiệm thức được bổ sung vi khuẩn 4 ngày/lần cho thấy mật độ Bacillus tương đối ổn định trong quá trình thí nghiệm.

Biến động mật độ vi khuẩn Vibrio trong nước: Ở các nghiệm thức có bổ sung vi khuẩn thì mật độ Virbrio thấp, dao động trong khoảng (1,3 × 10^2 – 6,1 ×10^2 CFU/mL) và tương đối ổn định còn đối với nghiệm thức ĐC tăng dần về sau. Trung bình mật độ vi khuẩn ở nghiệm thức ĐC đạt cao nhất (3,8 × 10^3 CFU/mL) và khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0,05) so với B37+41 (9,9 × 10^2 CFU/mL), Pro-W (3,9 × 10^2 CFU/mL) và Inter-Pro (2,8 × 10^2 CFU/mL).

Kết luận

Tỷ lệ sống, chiều dài, số phôi trên lần sinh sản của Artemia trong các nghiệm thức có bổ sung vi khuẩn khác biệt có ý nghĩa so với nghiệm thức không bổ sung vi khuẩn. Bổ sung hỗn hợp vi khuẩn Bacillus B37+41 có hiệu quả tốt nhất về tỷ lệ sống của Artemia. Bổ sung chế phẩm Pro-W cho kết quả tốt nhất về chiều dài và số phôi/lần sinh sản.

Effect of selected Bacillus sp. on growth of Artemia franciscana

Study the effect of supplementation selective Bacillus sp. on the growth of Artemia fanciscana to improve the efficiency of biomass production of natural food was conducted. The experiment included 4 treatments and 3 replications; in that (1) the control (no additional bacteria). (2) Additional mix of Bacillus B37 and B41, (3) additional Probiotic Pro-W. (4): additional Probiotic Inter-Pro. The density of additional Bacillus sp. was similar in all treatments (10^6 CFU/mL). Artemia density in culture bottle was 100L ind./500 mL. The results showed that the survival rate of Artemia in additional treatments B37+B41 obatained highest (88%) and was significant difference (p<0.05) compared to control (66.7%) or treatments with Pro-W and Inter-Pro; 72 % and 71.7%, respectively. The length and the number of offsprings/brood in Pro W was highest (11.3 mm, 216 embryos/reproductions) and difference (p<0.05) with B37+B41 (9.4 mm, 209.1 offsprings/brood). Percentage of males in control treatments (37.8%) was higher than in treatments with B37+B41 (31.8%), Inter-Pro (33.5%) and Pro-W (23.7%). Percentage of females in bacterial supplemented treatments was higher than control. Fluctuation of female in the control, Pro W, B37+41and Inter-pro treatment were 61.5%, 76.3%, 68.2% and 66.5%, respectively.

trieutuan.blog (tổng hợp)
Source: Phạm Thị Tuyết Ngân và Trần Sương Ngọc. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ. Số chuyên đề: Thủy sản (2014)(2): 184-191.

Trieu Tuan
Trieu Tuan
Triệu Tuấn là một ông bố 2 con, tốt nghiệp Tiến sỹ chuyên ngành Công nghệ sinh học tại Nhật Bản. Hiện nay đang công tác tại Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau (iPEC).

Share this article

Recent posts

Popular categories

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Recent comments