Tình hình kháng thuốc của vi khuẩn Edwardsiella ictaluri gây bệnh gan thận mủ trên cá tra (Pangasianodon hypophthalmus) nuôi thâm canh ở ĐBSCL

-

Việc thâm canh hóa trong nuôi cá tra (Pangasianodon hypophthalmus), đặc biệt là nuôi với mật độ cao và chưa có những biện pháp quản lý dịch bệnh hợp lý đã làm cho dịch bệnh xảy ra thường xuyên hơn và gây thiệt hại nhiều hơn. Một trong những bệnh truyền nhiễm đã và đang gây thiệt hại nghiêm trọng đến năng suất và sản lượng cá nuôi là bệnh gan thận mủ vi khuẩn Edwarsiella ictaluri gây nên.

Bệnh gan thận mủ (còn gọi là bệnh mủ gan hay bệnh mủ ở gan thận hay bệnh đốm trắng nội tạng) trên cá tra nuôi ở Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) được phát hiện đầu tiên vào cuối năm 1998 và gọi là bệnh BNP (Bacillary Necrosis of Pagasius). Khi cá tra bị bệnh mủ gan biểu hiện bên ngoài không có gì đặc biệt, một số trường hợp cá bệnh có hiện tượng xuất huyết ở các vi, có khi xuất huyết toàn thân, khi giải phẫu và quan sát nội tạng thấy có nhiều đốm trắng trên gan, thận và tỳ tạng. Ở vùng ĐBSCL bệnh gan thận mủ gây thiệt hại đến các tỉnh có nghề nuôi cá tra phát triển. Tỷ lệ hao hụt lớn ở cá giống nhưng gây thiệt hại về kinh tế ở giai đoạn cá có trọng lượng từ 300- 500g. Vi khuẩn Edwarsiella ictaluri đã được phân lập từ mẫu cá tra có dấu hiệu bệnh gan thận mủ thu từ các ao nuôi cá tra ở An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bến Tre và Trà Vinh.

Do nghề nuôi cá tra ở Việt Nam phát triển tự phát quá nhanh nên các nghiên cứu về dịch bệnh và các biện pháp quản lý chưa thể đáp ứng kịp. Trong những năm qua, hầu hết người nuôi cá tra đối phó với dịch bệnh theo kinh nghiệm qua quan sát dấu hiệu bệnh lý hoặc dựa theo tỉ lệ cá chết hàng ngày. Thuốc và hoá chất được người nuôi sử dụng để phòng và trị bệnh cho cá tra nuôi thường được sử dụng mà không biết rõ tác nhân gây bệnh, không đúng theo sự hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc không có sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật. Kết hợp nhiều loại thuốc kháng sinh để trị bệnh cũng khá phổ biến trong nuôi cá tra. Người nuôi cá cũng như chưa có nhận thức tốt về sự độc hại của thuốc đối với người và môi trường. Việc sử dụng thuốc và hoá chất không đúng qui định và lặp đi lặp lại trong thời gian đã dẫn đến tình trạng kháng thuốc của nhiều tác nhân gây bệnh trong nuôi cá tra, đặc biệt là các bệnh do vi trùng gây ra. Bên cạnh sự kháng thuốc thì vấn đề dư lượng thuốc và hoá chất trong sản phẩm thủy sản còn gây ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng và điều này gây nhiều trở ngại cho việc xuất khẩu cá tra.

Hiện tượng kháng thuốc kháng sinh của vi khuẩn E. ictaluri gây bệnh gan thận mủ ở cá tra đã được cảnh báo trong nhiều năm qua. Vi khuẩn này kháng với nhiều loại thuốc kháng sinh được phép sử dụng hoặc hạn chế sử dụng trong nuôi trồng thuỷ sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo năm 2009 (Bảng 1). Hiện tượng khángthuốc kháng sinh là khả năng mà vi khuẩn có thể chịu được tác động củaloại thuốc kháng sinh nào đó. Các gen kháng thuốc thường có sẵn trong các loài vi sinh vật tạo ra kháng sinh nhằm bảo vệ chúng khỏi tác động của thuốc kháng sinh này. Vi khuẩn đã kháng thuốc kháng sinh có thể truyền gen kháng thuốc sang vi khuẩn khác và hiện tượng kháng thuốc có nguy cơ xảy ra ở hầu hết các loại kháng sinh đã dùng trong nuôi trồng thủy sản.

Bảng 1. Thông tin về sự kháng thuốc kháng sinh của vi khuẩn E. ictaluri phân lập ở cá tra bệnh gan thận mủ từ các nghiên cứu tại Khoa Thủy sản, Đại học Cần Thơ

image

Để việc sử dụng thuốc kháng sinh phòng bệnh gan thận mủ ở cá tra có hiệu quả cũng nhằm hạn chế sự kháng thuốc kháng sinh trong nuôi thủy sản, người nuôi cá tra cần thực hiện những qui tắc cơ bản trong sử dụng thuốc và hoá chất. Cụ thể là:

(1) Cần xác định rõ nguyên nhân gây ra bệnh trong ao trước khi áp sử dụng thuốc kháng sinh để trị bệnh cho cá tra, thuốc kháng sinh chỉ có tác dụng điều trị các bệnh do nhiễm vi khuẩn và một số bệnh do nhiễm nấm. Trường hợp cá chết do các nguyên nhân như thời tiết thay đổi, ngộ độc hóa chất hay thuốc trừ sâu, hay nhiễm bệnh ký sinh trùng thì trị bằng thuốc kháng sinh sẽ không có tác dụng. Đối với bệnh gan thận mủ thì chỉ sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị khi nguyên nhân gây bệnh được xác định là do vi khuẩn E. ictaluri.

(2) Loại thuốc kháng sinh được chọn để điều trị bệnh phải dựa theo kháng sinh đồ của vi khuẩn gây bệnh gan thận mủ vào thời điểm hiện tại, không nên sử dụng kết quả kháng sinh đồ của mầm bệnh từ các vụ nuôi của năm trước. Loại thuốc kháng sinh được chọn để lập kháng sinh đồ phải là những loại thuốc không nằm trong danh mục thuốc cấm sử dụng trong nuôi thủy sản và vi khuẩn gây bệnh gan thận mũ có còn có khả năng nhạy với loại thuốc đó. Hiện tại, theo thông tin vi khuẩn E. ictaluri kháng thuốc (Bảng 1) thì florfenicol hoặc doxycycline có thể được chọn để lập kháng sinh đồ và xác định liều sử dụng có hiệu lực để trị bệnh gan thận mủ ở cá tra.

(3) Nên sử dụng thuốc kháng sinh đúng liều lượng khuyến cáo, không nên sử dụng quá mức, tránh kết hợp điều trị luân phiên bằng nhiều loại thuốc kháng sinh, nhất là trộn nhiều loại thuốc kháng sinh với nhau để điều trị sẽ dẫn đến tình trạng đa kháng thuốc, một số loại kháng sinh có tác dụng đối kháng khi sử dụng kết hợp và làm ảnh hưởng đến sức khoẻ cá nuôi và hậu quả là làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Source: Đặng Thị Hoàng Oanh, Khoa Thủy sản, Đại học Cần Thơ. Công ty UV-Vietnam.

Trieu Tuan
Trieu Tuan
Triệu Tuấn là một ông bố 2 con, tốt nghiệp Tiến sỹ chuyên ngành Công nghệ sinh học tại Nhật Bản. Hiện nay đang công tác tại Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau (iPEC).

Share this article

Recent posts

Popular categories

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Recent comments