Ứng dụng công nghệ biofloc, giải pháp kỹ thuật thay thế cho nghề nuôi tôm he thương phẩm hiện nay tại Việt Nam

-

Bài viết giới thiệu về công nghệ biofloc và việc ứng dụng công nghệ này trong nuôi tôm thương phẩm tại Việt Nam hiện nay.

1. Mục đích

Giới thiệu phương pháp quản lý môi trường ao nuôi tôm he thương phẩm bằng cách ứng dụng công nghệ tạo biofloc: bổ sung C hữu cơ, tạo nên tỉ lệ C/N phù hợp để vi sinh vật chuyển hóa được lượng N thừa thải ra từ thức ăn, tạo sinh khối vi sinh giàu dinh dưỡng làm thức ăn cho tôm.

2. Nội dung

2.1. Đặt vấn đề

a) Hiện trạng nghề nuôi tôm tại Việt Nam và các giải pháp thay thế

Hai loài tôm he chủ yếu đang được nuôi tại Việt Nam là tôm sú (Penaeus monodon) và tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei). Tôm sú là loài tôm bản địa, là đối tượng nuôi chủ lực của ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam từ 2007 trở về trước. Tuy nhiên, gần đây diện tích và sản lượng nuôi loài tôm này giảm sút do dịch bệnh, đặc biệt là bệnh đốm trắng. Tôm thẻ chân trắng được di nhập vào Việt Nam từ 2001, bắt đầu mở rộng diện tích nuôi từ năm 2004. Từ năm 2008, tôm thẻ chân trắng trở thành đối tượng nuôi thay thế tôm sú ở các vùng nuôi thâm canh. Năm 2011, với tổng diện tích nuôi tôm tại Việt Nam là 656.426 ha, diện tích nuôi tôm sú: 623.377 ha, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng: 33.049 ha, chỉ chiếm hơn 5%. Tuy nhiên, sản lượng tôm thẻ chân trắng năm 2011 là 139.400 tấn, chiếm đến 32,42% sản lượng tôm nuôi cả nước (430.000 tấn). Tuy nhiên, sau vài năm phát triển mạnh nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh, nghề nuôi tôm tại Việt Nam lại phải đối đầu với dịch bệnh. Năm 2011, dịch bệnh bùng phát tại đồng bằng sông Cửu Long với diện tích tôm nuôi bị bệnh lên đến 85.000 ha, với lượng giống thả khoảng 15 tỷ con, trong đó Sóc Trăng thiệt hại nhiều nhất, trên 80% diện tích nuôi tôm toàn tỉnh. Năm 2012, dịch bệnh diễn ra đều khắp ở các vùng nuôi tôm của cả nước. Nghề nuôi tôm Việt Nam cần có phương pháp nuôi mang tính ổn định và bền vững.

Một số giải pháp nên được lưu ý: (1) Giảm mật độ nuôi. Tôm chân trắng nên nuôi với mật độ khoảng 80 con/m2. (2) Áp dụng phương pháp cho ăn nhiều lần, hoặc sử dụng máy cho ăn để giảm lượng thức ăn sử dụng nhưng không giảm sinh trưởng của tôm nuôi. (3) Luân canh, xen vụ: Có thể nuôi cá chẽm,…., nhằm thay đổi ký chủ. (4) Ứng dụng công nghệ Biofloc. (5) Ứng dụng công nghệ nuôi tôm siêu thâm canh trong hệ thống nước chảy (race-way system) và tái sử dụng nước (RAS).

Nuôi tôm siêu thâm canh là hướng mà nghề nuôi tôm nước ta cần vươn tới. Với hiện trạng nghề nuôi tôm hiện nay, ứng dụng công nghệ biofloc có thể được xem là một giải pháp thay thế tích cực có thể áp dụng rộng rãi, thay cho công nghệ nuôi tôm sử dụng vi tảo để giải quyết lượng nitơ thải ra từ thức ăn gây nên sự biến đổi bất lợi cho môi trường ao nuôi.

b) Sự chuyển hóa N trong ao nuôi tôm và các giải pháp tái sử dụng nguồn N thải ra từ thức ăn

Ước tính chỉ khoảng 20-40% (trung bình 25%) lượng N từ thức ăn được tích lũy thành sinh khối cơ thể tôm. Lượng dinh dưỡng còn lại sẽ bị thải vào môi trường theo sản phẩm bài tiết của tôm và từ thức ăn thừa. Trong ao nuôi thâm canh, 90% lượng N tích lũy trong chất thải ở dạng Amonium (NH3 hoặc NH4+). Amonium hình thành trong ao có thể do tôm thải trực tiếp chất bài tiết hoặc từ quá trình khoáng hóa chất hữu cơ tạo nên (do vi khuẩn).

Trong môi trường ao nuôi, Amonium là khí độc, gây chết tôm nếu tồn tại với tỷ lệ cao ở dạng NH3 (phụ thuộc vào pH); gây nên sự phì dưỡng, dẫn đến sự nở hoa của tảo. Tảo tàn lụi sẽ gây nên sự căng thẳng về môi trường. Xác tảo bị phân hủy, tái khoáng hóa lại tạo thành Amonium.

Các giải pháp quản lý và tái sử dụng nguồn nitơ:

(i) Thay nước

Thay nước sẽ giúp đào thải trực tiếp khỏi môi trường ao nuôi nguồn nitơ thải ra từ thức ăn. Tuy nhiên, giải pháp này sẽ gây nên sự ô nhiễm môi trường chung, tốn nhiều nước sạch (Ước tính cần 20 m3 nước sạch cho 1 kg tôm thẻ chân trắng thương phẩm), không tái sử dụng được nguồn dinh dưỡng bị đào thải, và không phù hợp với nghề nuôi tôm hiện nay: nuôi ít thay nước để hạn chế rủi ro do thay nước thường xuyên gây ra.

(ii) Áp dụng công nghệ nuôi tôm sử dụng vi tảo

Trong môi trường ao nuôi tôm mà vi tảo chiếm ưu thế (Green water system), vi tảo được xem như một yếu tố quan trọng để kiểm soát chất lượng nước. Với công nghệ này, nguồn N thải được chuyển thành nguồn dinh dưỡng trong tảo (chủ yếu), rong biển và thực vật thủy sinh khác, sau đó:

+ Quản lý vi tảo, cố gắng duy trì sự ổn định của tảo bằng nhiều giải pháp. Đào thải vi tảo thông qua thay nước: Hạn chế thay nước vào đầu vụ, tăng tỷ lệ thay nước vào cuối vụ. Một phần N được đào thải qua bùn đáy (xác tảo, sản phẩm bài tiết, thức ăn,….). Đây là giải pháp chính của nghề nuôi tôm hiện nay.

+ Chuyển nguồn dinh dưỡng từ tảo và thực vật thủy sinh sang động vật ăn tảo và ăn thực vật thủy sinh: (1) Nuôi ghép trực tiếp trong ao các loài ăn tảo và thực vật thủy sinh như cá măng biển, cá đối,…. Khả năng ứng dụng của giải pháp này rất hạn chế do cần sinh khối lớn các loài cá nuôi ghép (có giá trị thấp) để giải quyết sự bùng phát của vi tảo. (2) Sử dụng hệ thống ao nuôi nước tuần hoàn kín: Nước từ ao nuôi tôm  ao nuôi động vật thân mềm hai vỏ  ao nuôi cá măng biển, cá đối, rô phi  ao trồng rong biển  sục khí  ao chứa 1  ao chứa 2  ao nuôi tôm. Giải pháp này đã được thực nghiệm vào đầu những năm 1990 nhưng không được ứng dụng rộng rãi do cần diện tích lớn (60% tổng diện tích) cho việc xử lý nước.

+ Sự bất lợi của công nghệ nuôi tôm sử dụng vi tảo

* Để chuyển hóa N thải thành N trong tảo, phải qua các quá trình trung gian như quá trình nitrat hóa với tốc độ chậm.
* Tảo hấp thụ N không liên tục (ban đêm, những ngày trời mây mù, trời mưa).
* Tảo không thể hấp thụ hết lượng N thải ra trong ao nuôi thâm canh. Một ví dụ tính toán:

Trong tảo, tỷ lệ N/C = 1/6. Trong ao nuôi thâm canh mà tảo chiếm ưu thế (green water system), năng suất sinh học sơ cấp trung bình đạt: 4 g C/m2/ngày. Khả năng hấp thụ nitơ của tảo: 4 x 1/6 = 0,66 g N/m2/ngày. Trong khi đó, ví dụ ở ao nuôi tôm có năng suất 10 tấn/ha, thức ăn có hàm lượng protein 28%, khẩu phần: 3% khối lượng thân (BW), lượng N cung cấp cho 1m2 ao nuôi (thời điểm cuối vụ): 1000 g tôm/m2 x 3%/ngày x 28% x 16% = 1,34 g N/m2/ngày. (16% là tỷ lệ nitơ có trong protein; 75% lượng N này bị thải ra môi trường, tương đương với: 1,34 g N/m2/ngày x 75% = 1,005 g N/m2/ngày). Ví dụ trên cho thấy: ngay cả khi vi tảo phát triển ổn định nhất cũng không thể hấp thụ hết lượng nitơ thải ra từ thức ăn.

+ Sự phát triển không ổn định của vi tảo sẽ tạo nên những thời điểm căng thẳng về môi trường ao nuôi.

(iii) Sử dụng trực tiếp nguồn dinh từ mùn bã hữu cơ và sinh khối vi sinh vật phát triển trên mùn bã hữu cơ

Nuôi ghép trực tiếp trong ao các loài ăn mùn bã hữu cơ như cá rô phi. Bên cạnh việc cần sinh khối lớn cá nuôi ghép và sự hạn chế về giá trị sản phẩm nuôi ghép, cần lưu ý mùn bã hữu cơ có giá trị dinh dưỡng thấp. Nguồn dinh dưỡng quan trọng là sinh khối vi sinh vật phát triển trên mùn bã hữu cơ. Tuy nhiên, trong điều kiện ao nuôi bình thường (chưa có tác động kỹ thuật), chỉ khoảng 7% N và 6% P từ thức ăn được chuyển thành sinh khối của vi khuẩn (trong khi lượng N mất từ thức ăn khoảng 60 – 80%, trung bình 75%).

(iv) Sử dụng công nghệ biofloc

– Bổ sung thêm C hữu cơ để vi sinh vật sử dụng hiệu quả nguồn N thải ra từ thức ăn, chuyển thành sinh khối vi sinh vật làm thức ăn cho tôm. Quản lý môi trường dựa vào biofloc có các ưu điểm: Giảm amonium hiệu quả do quá trình hấp thu N của vi khuẩn liên tục, diễn ra cả ngày và đêm, và nhanh gấp 10 lần quá trình nitrat hóa. Tăng hiệu quả sử dụng dinh dưỡng từ thức ăn: Lượng N thức ăn được tôm tích lũy trong cơ thể tăng lên, trung bình: 45% (thay vì chỉ 25%), lượng thức ăn công nghiệp sử dụng cho tôm nuôi giảm khoảng 20%. Hệ vi sinh có lợi kiềm hãm các vi sinh vật gây bệnh. Vì vậy, sử dụng công nghệ biofloc sẽ nâng cao hiệu quả quản lý môi trường ao nuôi, giảm dịch bệnh, giảm lượng thức ăn thông qua việc sử dụng hiệu quả nguồn dinh dưỡng của thức ăn.

– Nhược điểm của công nghệ này là cần oxy hòa tan. Do đó, phải chú trọng đến việc sục khí trong suốt quá trình nuôi.

– Tại Indonesia, đến năm 2009 đã có 33 trang trại nuôi tôm áp dụng công nghệ này và đạt hiệu quả cao. Ao nuôi được lót bạt HDPE hoặc bê tông. Mật độ thả tăng lên đến 250 – 260 con/m². Năng suất nuôi có thể đạt tới 38 – 49 tấn/ha/vụ, thường từ 24 – 25 tấn/ha/vụ. Chi phí sản xuất giảm khoảng 15 – 20%, năng suất và kích thước tôm khi thu hoạch đều được cải thiện, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh thấp do không cần phải thay nước.

– Công nghệ biofloc được áp dụng không chỉ cho nghề nuôi tôm mà còn được sử dụng trong nuôi cá, như cá rô phi.

– Hiện nay, tại Việt Nam, nhiều công ty, người nuôi tôm đang thử áp dụng công nghệ này. Các cơ quan chức năng phụ trách về nuôi thủy sản của nhiều tỉnh rất chú trọng đến việc áp dụng công nghệ biofloc.

2.2. Giải quyết vấn đề

2.2.1. Khái niệm biofloc

Biofloc (kết tủa sinh học/kết dính sinh học), hoặc Activated sludge (bùn hoặc tính) là tập họp các loại vi sinh vật khác nhau, chủ yếu là vi khuẩn, kết lại thành khối, bông xốp, màu vàng nâu, với trung tâm là hạt chất rắn lơ lửng trong nước.

Điều kiện để tạo nên biofloc: Phải có sự hiện diện của các vi sinh vật có khả năng sinh ra polymer sinh học (bio-polymer) là Polyhydroxy alkanoate (PHA), đặc biệt là Poly beta-hydroxy butirate. Các polymer sinh học có tác dụng kết dính các thành phần khác tạo thành biofloc ở dạng bông, lơ lửng trong nước. Poly beta-hydroxy butirate còn có khả năng loại bỏ vi khuẩn gây bệnh.

Các loài vi sinh vật có khả năng tạo polymer sinh học: Zooglea ramigera, Escherichia intermedia, Paracolobacterium aerogenoids, Bacillus subtilis, Bacillus cereus, Flavobacterium, Pseudomonas alcaligenes, Sphaerotillus natans, …..

Thành phần biofloc bao gồm: Hỗn hợp các vi sinh vật dị dưỡng (vi khuẩn tạo floc và vi khuẩn sợi), mảnh vụn, keo, polymer sinh học, cation, tế bào chết, muối tinh thể,….Bám vào biofloc còn có vi tảo (tảo sợi, tảo silic), nấm, động vật nguyên sinh, động vật phù du (luân trùng,…), giun tròn,…,Trong biofloc, vật chất hữu cơ chiếm 60-70%, vật chất vô cơ chiếm 30-40%. Trong vật chất hữu cơ, vi khuẩn sống chiếm khoảng 2-20%. Mật độ sinh khối vi khuẩn trung bình: 1 g tươi/ml biofloc. Biofloc có cấu trúc rỗng, xốp (99% thể tích là khoảng không), kích thước không nhất định, có thể biến đổi: 0,1 – 2 mm, tốc độ chìm lắng chậm: 1-3 m/giờ.

2.2.2. Tỉ lệ C/N và tính toán lượng carbohydrate cần bổ sung

Vấn đề mấu chốt trong công nghệ biofloc là tạo điều kiện tối ưu để vi sinh vật dị dưỡng phát triển, hấp thụ amonium, tạo sinh khối làm thức ăn cho vật nuôi.

Vi sinh vật dị dưỡng sử dụng C hữu cơ được bổ sung và nguồn nitơ thải ra từ thức ăn để tổng hợp nên protein. Nếu bổ sung C với tỷ lệ thích hợp sẽ tăng cường quá trình chuyển hóa nitơ vô cơ thành protein trong sinh khối vi sinh vật.

Tỷ lệ C:N tối ưu để hình thành biofloc: >12,5 : 1. Với C:N = 10:1, vi khuẩn dị dưỡng có thể hấp thụ hoàn toàn 10 mg NH4+-N/lít nước ao nuôi trong 5 giờ. Quá trình hấp thụ amonium sẽ chậm hơn 26 lần nếu không cung cấp thêm nguồn C hữu cơ từ bên ngoài vào.

Nguồn carbon hữu cơ bổ sung có thể làm thay đổi số lượng, thành phần của polymer sinh học trong biofloc (Nguồn C hữu cơ là Acetate (CH3COO-), polimer sinh học tạo thành là Poly beta-hydroxy butirate Nếu bổ sung Propionate (C2H5COO-), polimer sinh học là 3-hydroxy-2-methylvalerate và polyhydroxyvalerate).

Carbon hữu cơ thường được bổ sung thông qua các carbohydrate như: tinh bột, rỉ đường, cám gạo, glycerol,…, hoặc bằng cách thay đổi thành phần thức ăn: tăng hàm lượng carbohydrate và giảm protein (Tỷ lệ C trong carbohydrate thường là 50%). Carbohydrate nên được bổ sung định kỳ để tạo ra sự luân phiên giữa điều kiện phú dưỡng và cạn kiệt tạm thời.

Các chỉ số áp dụng khi tính toán lượng C bổ sung:

– Lượng N thải vào môi trường từ thức ăn

Trong sản xuất, để đơn giản, lượng nitơ (∆N) trong amonium tổng số có thể được tính toán dựa vào: Lượng thức ăn đã sử dụng (W thức ăn). Tỷ lệ N trong thức ăn (% N thức ăn = % Protein thức ăn x 16%, với 16% là tỉ lệ N trung bình có trong protein). Và % N thải ra chuyển thành amonium (thường ước tính khoảng 50% ).

∆N = W thức ăn x % N thức ăn x % N thải
= W thức ăn x % Protein thức ăn x 16% x 50%
= 0,08 x W thức ăn x % Protein thức ăn

(∆N là lượng nitơ vi sinh vật chuyển hóa được. Trong trường hợp này, chúng ta mong muốn toàn bộ lượng nitơ thải ra từ thức ăn đều được chuyển hóa thành sinh khối vi sinh vật, cho nên ∆N cũng chính là lượng nitơ thải ra từ thức ăn).

– Hiệu quả chuyển hóa C của vi sinh vật

E = C đồng hóa (∆Cmic )/C hấp thụ (∆C). E thường: 40-60% (chọn gần đúng: E = 40% = 0,4)

– Tỷ lệ C:N thích hợp cho hình thành biofloc là 10 hoặc 12.

– Trong cơ thể vi sinh vật, tỷ lệ C/N thường là 4/1 (∆Cmic/∆N =4).

– ∆CH là lượng carbohydrate cần bổ sung. Tỉ lệ C trong carbohydrate bổ sung thường là 50%. Vì vậy: ∆C/∆CH = 50%.

Lượng N được vi sinh vật hấp thụ để tổng hợp protein: ∆N = ∆Cmic : 4 = 0,4 x ∆C : 4 = 0,4 x 0,5 x ∆CH : 4 = 0,05 x ∆CH

Hay: ∆CH = ∆N/0,05

Tức là: Để vi khuẩn chuyển hóa 1g NH4+-N/m3, cần cung cấp 20 g carbohydrate/m3.

Có thể tính lượng carbohydrate cần thiết trực tiếp theo lượng thức ăn sử dụng:

Ví dụ: Ao nuôi 5000 m2. Độ sâu: 1,5 m. Tổng khối lượng tôm trong ao: 7.500 kg. Thức ăn có 28% protein. Khẩu phần: 2,5%. Chọn C:N = 12:1.

Tính cho 1 m3 nước ao nuôi: Mật độ sinh khối tôm: 1 kg/m3.

Lượng thức ăn: 1 x 2,5% = 0,025 kg/m3/ngày = 25 g/m3/ngày

∆N = 0,08 x W thức ăn x % Protein thức ăn = 0,08 x 25 x 28% = 0,56 g/m3/ngày

Nhu cầu C: ∆C = 12 x ∆N = 12 x 0,56 = 6,72 g/m3/ngày

Lượng carbohydrate cần bổ sung: ∆CH = ∆C : 50% = 6,72 : 0,5 = 13,44 g/m3/ngày

(Có thể thấy: Lượng carbohydrate bổ sung hơn 50% lượng thức ăn đã cho ăn).

– Nuôi tôm ứng dụng công nghệ biofloc (hoàn toàn không có vi tảo): Lượng carbohydrat bổ sung bằng khoảng 50% lượng thức ăn.

– Nuôi tôm với công nghệ semi-biofloc (có kèm theo vi tảo): Lượng carbohydrat bổ sung bằng khoảng 20% lượng thức ăn.

2.2.3. Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hình thành và duy trì biofloc trong ao nuôi tôm

i. Tỷ lệ N/P

Tỷ lê N/P quyết định thành phần tảo (tự dưỡng) hay vi khuẩn dị dưỡng chiếm ưu thế trong ao.

N/P < 10, dinoflagellata (tảo giáp) chiếm ưu thế
N/P = 10-20, tảo lục, tảo silic, tảo giáp và vi khuẩn sẽ cân bằng
N/P > 20, vi khuẩn chiếm ưu thế

Trong ao nuôi với công nghệ biofloc, cần duy trì N/P > 20, bằng cách dùng zeolite để hấp thụ bớt P. Không dùng urea để nâng N/P, vì sẽ làm cho tảo nhanh chóng chiếm ưu thế.

ii. Độ kiềm

Duy trì độ kiềm 100-200 mg CaCO3/lít bằng vôi CaCO3 hoặc Dolomite (1-20 ppm, mỗi 1-2 ngày).

iii. Oxy hòa tan (DO)

Trong ao nuôi áp dụng biofloc, nhu cầu oxy cao, cần thiết cho sự hoạt của các vi sinh vật hiếu khí. Yêu cầu: > 4 mg O2/lít. Sục khí để bảo đảm DO và bảo đảm sự lơ lửng của biofloc nhưng không ảnh hưởng đến cấu trúc của floc. Thực nghiệm cho thấy: Năng lượng dùng cho đảo nước ở mức 0,1-10 W/m3, floc được tạo thành tốt.

iv. Nhiệt độ

Theo các nghiên cứu nước ngoài: 24 -26oC là nhiệt độ tối ưu.

Tuy nhiên, nghiên cứu tại Việt Nam, nhiệt độ trong khoảng 28 – 30oC thích hợp nhất. Ở nhiệt độ này, hệ vi khuẩn phát triển tối ưu, hệ vi khuẩn sinh polymer sinh học có hoạt lực cao, kết dính các hạt floc, vì vậy làm tăng chỉ số FVI (chỉ số thể tích của floc, đơn vị: ml/g. FVI yêu cầu > 200 ml/g).

v. pH

pH thích hợp nhất cho biofloc: 7,2-7,8. Tuy nhiên, floc vẫn được tạo thành và duy trì tốt ở pH tốt nhất cho tôm (7,8-8,2).

2.2.4. Một số trường hợp biến đổi bất lợi của biofloc và giải pháp khắc phục

– Biofloc nổi bọt: Do vi khuẩn dạng sợi phát triển mạnh. Xử lý: Calcium peroxide (CaO2): 10 ppm. Sau đó thay nước 5-6 ngày. Sau 6 ngày nếu vẫn còn nổi bọt, bón tiếp Calcium peroxide: 10 ppm và lặp lại quy trình.

– Biofloc quá dày: Loại bỏ bớt biofloc bằng cách thay nước hoặc cho nước chảy tràn qua ống chống tràn.

– Biofloc giảm, nước có màu xanh lá cây: Không pha loãng nước 5-6 ngày, diệt tảo lam hoặc tảo lục.

– Biofloc giảm, nước có xu hướng chuyển sang màu nâu đỏ: Không pha loãng nước 5-6 ngày. Bón CaCO3 20 ppm hàng ngày. Sử dụng Calcium peroxide.

2.2.5. Thông tin về quy trình nuôi tôm ứng dụng công nghệ biofloc đang thực nghiệm Viêt Nam

Phương pháp áp dụng biofloc đang thực nghiệm (tại Phòng Kinh tế Cần Giờ):

– Ao lót bạt HDPE (với ao không lót bạt, chỉ thích hợp cho ứng dụng semi-biofloc). Tăng sục khí: 30-32 HP /ha.

– Chuẩn bị ao nuôi: Gây màu biofloc thay cho gây màu bằng vi tảo.

+ Trước khi thả giống 15 ngày: Cải tạo ao nuôi, bơm nước.
+ Trước khi thả giống 12 ngày: Gây màu biofloc: Bón 20 kg thức ăn + 20 g Pro-W đã ủ qua đêm, và 20 kg bột mì (hoặc bột gạo), và 15 kg NutriLake.
+ Trước khi thả giống 11 ngày: Yêu cầu độ kiềm: 100-200 mg CaCO3/lít. Nếu < 90 mg CaCO3/lít, bón 50 kg Dolomite.
+ Trước khi thả giống 10 ngày: Bón 20 kg thức ăn + 20 g Pro-W đã ủ qua đêm, và 10 kg mật đường.
+ Trước khi thả giống 9 ngày: Nếu độ kiềm < 100 mgCaCO3/lít, bón 50 kg Dolomite.
+ Trước khi thả giống 8 ngày: Bón 20 kg thức ăn + 20 g Pro-W đã ủ qua đêm, và 20 kg bột mì.
+ Trước khi thả giống 7 ngày: Nếu độ kiềm < 100 mgCaCO3/lít, bón 50 kg Dolomite.
+ Trước khi thả giống 6 ngày: Bón 20 kg thức ăn + 20 g Pro-W đã ủ qua đêm, và 20 kg bột mì.
+ Trước khi thả giống 5 ngày: Kiểm tra pH, độ kiềm, DO. Điều chỉnh độ kiềm bằng CaCO3 và Dolomite.
+ Trước khi thả giống 3 ngày: Bón 10 kg thức ăn + 10 g Pro-W đã ủ qua đêm, và 10 kg bột mì hoặc mật đường. (Nếu độ trong > 50cm, bón lượng gấp đôi).
+ Trước khi thả giống 1 ngày: Nếu độ trong > 40cm, bón 10 kg thức ăn + 10 g Pro-W đã ủ qua đêm, và 5 kg bột mì hoặc mật đường.

– Trong quá trình nuôi:

Bổ sung bột mì/mật đường 3 lần/tuần với lượng bằng 50% lượng thức ăn cho ăn trong tuần.

Kiểm tra lượng biofloc: Lấy mẫu lúc 10-11 giờ. Dùng 3 bình nón 1lít, lấy mẫu trước quạt nước ở độ sâu 15 cm, để lắng 30 phút. Yêu cầu lượng biofloc: 3-11 ml. Nếu lượng biofloc <3 ml, tăng lượng thức ăn 100-200% (lượng bột mì/mật đường bổ sung tăng theo thức ăn). Nếu lượng biofloc > 15 ml, ngưng bón bột mì/mật đường.

Lưu ý theo dõi ngày nuôi 25-50, khi môi trường chuyển sang hoàn toàn biofloc. Không thay nước, chỉ bổ sung nước.

2.3. Kết luận

– Ứng dụng công nghệ biofloc đang được ứng dụng hiệu quả ở một nước, là giải pháp có thể được ứng dụng rộng rãi tại Việt Nam, mang lại hiệu quả quản lý môi trường, giảm lượng thức ăn.

– Ứng dụng công nghệ biofloc đang được quan tâm bởi nhiều công ty, doanh nghiệp nuôi tôm tại Việt Nam hiện nay.

Nguồn: Lục Minh Diệp. Ứng dụng công nghệ mới trong nuôi trồng thủy sản. Kỷ yếu hội thảo khoa học. Nha Trang, tháng 11 năm 2012.

Trieu Tuan
Trieu Tuan
Triệu Tuấn là một ông bố 2 con, tốt nghiệp Tiến sỹ chuyên ngành Công nghệ sinh học tại Nhật Bản. Hiện nay đang công tác tại Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau (iPEC).

Share this article

Recent posts

Popular categories

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Recent comments