Những tiến bộ trong ương nuôi ấu trùng cá Bóp (Rachycentron canadum) trong hệ thống nuôi tuần hoàn: Giàu hóa thức ăn tươi sống và bổ sung tảo

-

Cá Bóp (Rachycentron canadum) là loài tiềm năng thể hiện ở tốc độ tăng trưởng cao trong giai đoạn ấu trùng và giai đoạn trưởng thành. Hiện nay, loài này được coi là một đối tượng tốt cho nghề nuôi thương mại trong hệ thống nuôi tuần hoàn. Tuy nhiên, có rất ít thông tin liên quan đến nhu cầu dinh dưỡng của ấu trùng cá Bóp khi ương nuôi trong hệ thống tuần hoàn.

Các thí nghiệm được tiến hành để kiểm tra ảnh hưởng của việc sử dụng luân trùng và Artemia được giàu hóa với tảo tươi hoặc các chế phẩm thương mại lên sự tăng trưởng và tỷ lệ sống của ấu trùng cá Bóp R. canadum và để đánh giá những lợi ích của việc thêm tảo tươi cho các hệ thống tuần hoàn. Thức ăn tươi sống đã được làm giàu với tảo tươi Isochrysis galbana, Nannochloris oculata, Algamac 2000, Algamac 2000 bổ sung thêm 10% hoặc 20% Aquagrow arachidonic acid, Algamac 3050. Ngoài ra, ấu trùng ở nghiệm thức sử dụng thức ăn tươi giàu hóa với Algamac 2000 đã được nuôi trong sự hiện diện của tảo I. galbana (~ 40.000 tế bào/ml) hoặc N. oculata (~ 80.000 tế bào/ml).

Kết quả cho thấy sự khác biệt đáng kể về thành phần acid béo của luân trùng và Artemia đã được tìm thấy giữa các nghiệm thức. Nói chung, giàu hóa thức ăn tươi sống với các chế phẩm thương mại có chứa hàm lượng cao các axit béo không bão hòa cao hơn so với giàu hóa với tảo tươi. Hơn nữa, một mối tương quan tích cực đã được tìm thấy giữa các chế độ ăn sử dụng axit docosahexaenoic (DHA) và hàm lượng của DHA được đo trong các mô toàn bộ cơ thể ấu trùng 16 ngày tuổi.

Sự tăng trưởng (đo chiều dài chuẩn) và tỷ lệ sống của ấu trùng 16 ngày tuổi khi được cho ăn thức ăn giàu hóa với các chế phẩm thương mại (14,7-15,2 mm; 12,0-15,6%) cao hơn đáng kể (P <0,05) so với N. oculata (11,8 mm; 4,4%). Tuy nhiên, khi ấu trùng được nuôi với luân trùng giàu hóa với tảo N. oculata và sau đó ăn Artemia giàu hóa với Algamac 2000 không có khác biệt đáng kể về sự tăng trưởng hay tỷ lệ sống so với ấu trùng được cho ăn với cả luân trùng và Artemia giàu hóa với Algamac 2000. Điều này cho thấy rằng giàu hóa luân trùng có thể ít quan trọng hơn việc làm giàu Artemia.

Không có sự khác biệt đáng kể trong sự tăng trưởng hay tỷ lệ sống khi ấu trùng được cho ăn thức ăn giàu hóa với tảo tươi I. galbana (13,5 mm; 8,2%) hoặc các chế phẩm thương mại (12,4-12,6 mm, 12,9%). Tuy nhiên, sự hiện diện của các loại tảo tươi (I. galbana hoặc N. oculata) trong các bể nuôi cải thiện đáng kể tỷ lệ sống của ấu trùng đến 23,3% và 24,7% tương ứng.

Các kết quả của nghiên cứu này cho thấy rằng làm giàu luân trùng và Artemia với tảo tươi I. galbana hoặc các chế phẩm thương mại như Algamac 2000 và 3050 cùng với các hệ thống nuôi “nước xanh” sẽ cải thiện tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ sống của ấu trùng cá Bóp trong hệ thống nuôi tuần hoàn.

Người dịch: Trần Nguyễn Duy Khoa (tndkhoa@ctu.edu.vn), Bộ môn KTN Hải sản, Khoa Thủy sản, Đại học Cần Thơ. Nguốn: Cynthia K. Faulk*, G. Joan Holt  (2005). Advances in rearing cobia Rachycentron canadum larvae in recirculating aquaculture systems: Live prey enrichment and greenwater culture. Aquaculture 249 (2005) 231– 243 (http://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0044848605002358)

Trieu Tuan
Trieu Tuan
Triệu Tuấn là một ông bố 2 con, tốt nghiệp Tiến sỹ chuyên ngành Công nghệ sinh học tại Nhật Bản. Hiện nay đang công tác tại Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau (iPEC).

Share this article

Recent posts

Popular categories

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Recent comments