Tầm quan trọng của chất điện giải trong nuôi tôm thẻ

-

Chất điện giải là các ion tự do bao gồm ion Na+, K+, Cl-, đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự hằng định của áp suất thẩm thấu.

Các ion K+, Mg2+ là những thành phần quan trọng với dịch lỏng trong tế bào, còn các ion Na+, Cl- là thành phần không thể thiếu được của huyết tương, ion Na+ và Cl- chiếm 88% trong thành phần của huyết tương (Chen và Chen, 1996). Chất điện giải giúp tôm giữ lại các khoáng chất cần thiết như canxi, magie, natri, kali ở dạng ion, có lợi hơn cho sự hấp thu của cơ thể.

Khi độ mặn biến động, nồng độ thẩm thấu bên trong cơ thể tôm có thể thấp hoặc cao hơn so với môi trường. Riêng ở tôm thẻ thì duy trì thế thẩm thấu cao ở độ mặn thấp (hyperosmotic), tức là áp suất thẩm thấu trong cơ thể cao hơn so với môi trường và ngược lại ở độ mặn cao thì tôm có thế thẩm thấu thấp (hypoosmotic) (Díaz và ctv, 2001; Gong và ctv, 2004).

Ở một số loài tôm nước lợ, nồng độ K+ trong huyết tương có thể được điều hòa bởi enzyme Na/K ATPase khi nồng độ K+ trong môi trường biến động mạnh (Dall và Smith, 1981). Còn đối với nước ngọt thì cần bổ sung KCl vào môi trường để duy trì khả năng phát triển của tôm, từ đó giúp tăng nồng độ K+ trong môi trường (Boyd và ctv, 2002). Tôm thẻ nuôi trong môi trường nước mặn thiếu K+ cho thấy tác động tiêu cực đến tôm như giảm ăn, tôm lừ đừ, tăng trưởng chậm và thậm chí chết (Zhu và ctv, 2004).

Khả năng điều hòa áp suất thẩm thấu của động vật thủy sản có thể được xác định bằng cách so sánh độ thẩm thấu của chúng khi độ mặn biến động (Thanh và ctv, 2010) so với độ thẩm thấu của môi trường. Hơn nữa, khả năng điều hòa áp suất thẩm thấu ở tôm có thể được sử dụng để biểu thị cho các điều kiện sinh lý của chúng và đánh giá tác động của các yếu tố gây stress (Sang và Fotedar, 2004). Khi môi trường bị nhiễm nitrite thì thấy nồng độ Na+ và Cl- giảm trong huyết tương của tôm (Cheng và Chen, 1998). Mặt khác, Chen và Chen (1996) cũng cho kết quả tương tự khi cho tôm tiếp xúc với amonia, theo đó nồng độ các ion Na+, Ca2+, Mg2+, Cl- đều thấp hơn so với đối chứng. Còn khi kết hợp cả 2 yếu tố gây stress này với nhau thì ở nồng độ 1.49 mM nitrite + 1.49 mM amonia thì nồng độ Na+ và Cl- giảm tương ứng 32.1 và 38.6% (Cheng và ctv, 2013). Điều này cho thấy sự cần thiết của các chất điện giải khi môi trường bị nhiễm các khí độc như amonia và nitrite để cân bằng áp suất thẩm thấu trong cơ thể. Khả năng điều hòa áp suất thẩm thấu và nồng độ thẩm thấu trong huyết tương giảm khi tôm tăng kích cỡ (Gong và ctv, 2004). Hơn nữa, khả năng điều hòa áp suất thẩm thấu và nồng độ thẩm thấu trong huyết tương biến động theo thang nồng độ ion Na+ và Cl  giữa huyết tương và môi trường (Chim và ctv, 2003).

Một số nghiên cứu đã cho thấy rằng nếu trong môi trường nước mặn thì các ion Ca2+, K+, Mg2+ là những thành phần quan trọng nhất đối với sự sống của tôm (Davis và ctv, 2004; Gong và ctv, 2004; Araneda và ctv, 2008). Bất kỳ ion nào trong những ion này cũng có thể thiếu, nhưng nếu thiếu K+ thường là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến tôm (Davis và ctv, 2004; Roy và ctv, 2007). Tôm thẻ khi nuôi trong môi trường nước ngọt thì chúng sẽ thích nghi dần, các thành phần ion trong môi trường quan trọng hơn so với độ mặn. Ví dụ như chỉ riêng dung dịch NaCl thì không thích hợp cho nuôi tôm ở bất kỳ độ mặn nào mặc dù ion quan trọng nhất trong nước biển để điều hòa áp suất thẩm thấu là Na+ và Cl-.

Tóm lại, chất điện giải đóng vai trò vô cùng quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống và phát triển của tôm. Như kết quả nghiên cứu của Mena-Herrera (2010) thì thành phần các ion trong huyết tương của tôm phần lớn phụ thuộc nồng độ ion bên ngoài môi trường, chúng tác động đến cân bằng thẩm thấu và các chức năng sinh lý của tôm. Phải luôn đảm bảo duy trì đầy đủ thành phần các chất điện giải trong môi trường để tôm phát triển tốt nhất.

Source: Bài viết được thực hiện bởi: KS NGUYỄN TUẤN THANH – CÔNG TY CP CNSH TIÊN PHONG – VINHTHINHBIOSTADT

Trieu Tuan
Trieu Tuan
Triệu Tuấn là một ông bố 2 con, tốt nghiệp Tiến sỹ chuyên ngành Công nghệ sinh học tại Nhật Bản. Hiện nay đang công tác tại Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau (iPEC).

Share this article

Recent posts

Popular categories

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Recent comments