Đại học Mỹ sử dụng cơ lấy từ sên biển để chế tạo robot lai

-

Các nhà khoa học tại Đại học Case Western Reserve (Mỹ) vừa tạo ra một con ‘biohybrid robot’ sử dụng cơ bắp lấy từ miệng của một con sên biển, kết hợp với các bộ phận in 3D để di chuyển, và khi cho một dòng điện đi qua buộc các cơ bắp co lại, nó có thể “đi bộ” với phong thái cực kỳ thong thả – 0,43 cm/phút.

Trong tương lai, nhóm sáng chế có thể sử dụng robot “lai” kiểu này cho các nhiệm vụ kéo dài, thường bào mòn nguồn năng lượng của robot truyền thống.

Sử dụng tế bào cơ lấy từ động vật thay vì các linh kiện cơ khí đồng nghĩa với việc robot bán hữu cơ có thể lấy năng lượng từ môi trường tự nhiên, tương tự như cách động vật làm. “Chúng tôi đang xây dựng một cỗ máy sống – một biohybrid robot chứ không hoàn toàn là hữu cơ”, nghiên cứu sinh Victoria Webster cho biết. Vì được làm từ chất hữu cơ, robot khi không còn sử dụng cũng không thực sự gây tổn hại đến môi trường.

Thỏ biển Californian. Ảnh: Marinebio.net ​

Biohybrid robot được tạo thành từ các tế bào cơ lấy từ xung quanh miệng của Aplysia californica, loài ốc sên biển còn được gọi với cái tên khác là “Thỏ biển California”. Các nhà nghiên cứu đã chọn californica vì con vật này được biết đến với độ dẻo dai của nó. Thỏ biển có thể tồn tại trong các dải nhiệt độ nước và độ mặn khác nhau, và có thể sống được ở vùng biển sâu hay hồ cạn. “Chúng tôi đang tạo ra một robot có thể thực hiện các nhiệm vụ đa dạng hơn, so với một con vật hay một robot nhân tạo”, Roger Quinn, giám đốc Phòng thí nghiệm robot lấy cảm hứng từ sinh học, cho biết.

Mặc dù tạo ra một mẫu robot hữu cơ như thế này mang lại rất nhiều lợi thế trong quá trình hoạt động, tuy nhiên, điều mà các nhà khoa học cần phát triển ở thời điểm hiện tại là một hệ thống điều khiển hoàn chỉnh, cho phép kiểm soát được robot. Bước tiếp theo, các nhà nghiên cứu dự định sẽ tích hợp vào robot các tế bào thần kinh cũng như dây thần kinh của ốc sên, nhằm tạo ra một bộ điều khiển hữu cơ.

Con người hiện vẫn còn cả một chặng đường dài để biến khái niệm cyborg (nửa người – nửa máy) trở thành hiện thực, nhưng dường như chúng ta đang tiến từng bước, từng bước một đến điều đó.

Source: TinhTe.Vn, Tham khảo: Popsci​

Trieu Tuan
Trieu Tuan
Triệu Tuấn là một ông bố 2 con, tốt nghiệp Tiến sỹ chuyên ngành Công nghệ sinh học tại Nhật Bản. Hiện nay đang công tác tại Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau (iPEC).

Share this article

Recent posts

Popular categories

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Recent comments