Có phải đã đến lúc cần xem xét lại các yêu cầu về chứng nhận trang trại nuôi tôm?

-

Hội đồng Quản lý Nuôi trồng Thủy sản của Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới sử dụng 7 chỉ số: sử dụng đất, sử dụng nước, hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR), tỉ lệ sống, lượng cá hoang dã có trong thức ăn, oxy hòa tan ở các vùng nước tiếp nhận và việc sử dụng năng lượng để làm một phương tiện đánh giá mức độ sử dụng tài nguyên và các tác động tiêu cực đến môi trường của các cơ sở sản xuất nuôi trồng thủy sản.

Kết quả sơ bộ từ một cuộc khảo sát của các trang trại nuôi tôm ở Việt Nam và Thái Lan cho thấy các chỉ số này có thể cung cấp một báo cáo khách quan về việc sử dụng tài nguyên và các tác động tiêu cực đến môi trường – bao gồm cả việc thu nhận các thông tin cần thiết cho việc ước tính các gánh nặng có liên quan.

Biện luận mạnh mẽ chứng minh tầm quan trọng to lớn của hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) làm một chỉ số của việc sử dụng tài nguyên và các tác động đến chất lượng nước của nuôi trồng thủy sản dựa vào thức ăn đã được đưa ra (Boyd et al. 2007, 2015). Bằng việc giảm FCR, như vậy tương ứng làm giảm lượng dinh dưỡng đầu vào, chất thải, các tác động trực tiếp của sản xuất thức ăn chăn nuôi, tổng lượng tài nguyên đã sử dụng và các tác động của sản xuất nguyên liệu thức ăn, và chi phí sản xuất tính trên một đơn vị sản xuất (Boyd and McNevin 2015b). Các chương trình cấp chứng nhận sẽ xem xét FCR – hoặc bằng cách xác định một giá trị tối đa hoặc yêu cầu báo cáo chỉ số đó.

Tuy nhiên, các giới hạn về pH và nồng độ hoặc lượng dinh dưỡng, độ đục hoặc chất lơ lửng, và nhu cầu oxy sinh học là những tiêu chuẩn chung trong cấp chứng nhận. Thực tế các giới hạn nồng độ được áp đặt có thể có giá trị trong việc ngăn ngừa tình trạng bất lợi ở vùng hỗn hợp (khu vực ngay nơi các nguồn nước thải đi vào nguồn nước tiếp nhận), nhưng họ không đảm bảo vùng nước tiếp nhận sẽ không bị ô nhiễm vì lượng tải chất thải có thể vượt quá khả năng đồng hóa của các vùng nước này.

Trong một số trường hợp, các trang trại nuôi tôm có thể nằm ở cùng khu vực tiếp nhận nước thải từ một thành phố lớn và hệ thống thoát nước từ khu vực nông nghiệp. Trong các trường hợp như vậy, việc cấp chứng nhận của tất cả các trang trại nuôi tôm ở vùng hạ lưu không thể đưa đến cải thiện đáng kể chất lượng nước. Trong trường hợp các trang trại tôm đã cho thấy như vậy, việc cấp chứng nhận của một vài trang trại nuôi tôm sẽ không làm giảm đáng kể tải lượng ô nhiễm từ toàn bộ hoạt động nuôi tôm trong khu vực.

Có những vị trí mà tại đó nguồn gây ô nhiễm chính cho vùng nước là từ một hoặc nhiều trang trại nuôi tôm đã được chứng nhận. Tuy nhiên, việc tuân thủ các tiêu chuẩn sẽ không bảo đảm là tình trạng phì dưỡng sẽ không xảy ra ở các vùng nước tiếp nhận. Khả năng đồng hóa của các vùng nước tiếp nhận sẽ không biết rõ được, do đó, không thể ước tính được lượng chất thải có thể cho phép. Việc xác định khả năng đồng hóa của vùng nước tiếp nhận quá là phức tạp để đưa vào làm một điều kiện cho việc cấp giấy chứng nhận.

Các phân tích về các mẫu nước thải để chứng minh sự tuân thủ các tiêu chuẩn thường được thực hiện bởi một phòng thí nghiệm độc lập và đã có chứng nhận, nhưng trong một số trường hợp, trang trại cũng được phép làm các phân tích này. Các phương pháp phân tích đặc thù (hoặc tương đương) thường được xác định. Những điều tra gần đây cho thấy, các phòng thí nghiệm khác nhau, bao gồm cả các phòng thí nghiệm đã có chứng nhận có thể cung cấp các kết quả khác nhau rõ rệt mặc dù họ sử dụng cùng phương pháp với cùng mẫu nước (Le and Boyd 2013; Somridhivej and Boyd, in preparation). Hơn nữa, các phương pháp khác nhau có thể cung cấp các kết quả khác nhau trên cùng một mẫu (Zhou and Boyd 2015), và có sẵn một số phương pháp dùng để phân tích hầu hết các biến số. Thông thường không đưa ra chỉ dẫn rõ ràng là các phương pháp nào tương đương với các phương pháp đã xác định bởi chương trình chứng nhận. Tóm lại, hiện tại không có cách kiểm soát chất lượng nào hiệu quả đối với các phân tích về các chất thải đầu ra của trang trại cần thiết để cho thấy việc tuân thủ với các tiêu chuẩn chứng nhận.

Sự không chắc chắn về những lợi ích có thể được nhận thấy qua việc tuân thủ các tiêu chuẩn và khả năng tuân thủ để được công nhận dựa trên các kết quả phân tích sai sót, do vậy ủng hộ điều kiện cấp chứng nhận của Hội đồng Quản lý Nuôi trồng Thủy sản là đo lường sự biến động hàng ngày về nồng độ oxy hòa tan nhằm xác định tình trạng dinh dưỡng của nguồn nước tiếp nhận trước khi cấp giấy chứng nhận ban đầu và đánh giá xem tình trạng dinh dưỡng cải thiện hoặc giảm sút như thế nào sau đó. Đặc biệt nếu kết hợp với tiêu chuẩn FCR thấp hơn nhiều so với FCR điển hình đạt được đối với loài nuôi thì cách tiếp cận này sẽ có vẻ tốt hơn và ít phức tạp hơn so với việc phụ thuộc vào các giới hạn nước thải đầu ra về nồng độ, tải trọng, hoặc cả hai.

Việc đo lường biến động oxy hòa tan hàng ngày cũng có thể được coi như là một tiêu chuẩn để ngăn các trang trại đã được chứng nhận ra khỏi các khu vực nhất định. Sẽ có vẻ hợp lý để ngăn các trang trại đã được chứng nhận không xả vào các nguồn nước nghèo dinh dưỡng ít có biến động nồng độ oxy hòa tan trong vòng 24h và khỏi các nguồn nước rất giàu dinh dưỡng có biến động nồng độ oxy hòa tan trên phạm vi rộng trong vòng 24h. Tính hợp lý đối với việc không cho xả vào các vùng nước nghèo dinh dưỡng là hiển nhiên. Lý do của việc không cho xả vào các vùng nước phì dưỡng là do các trang trại nuôi tôm có xu hướng sử dụng cùng nguồn nước để làm nước cấp và tiếp nhận nước thải. Một nơi có sự biến động oxy hòa tan trong vòng 24h rất lớn cho thấy chất lượng nước bị suy giảm nhiều. Cũng như Clay (2004), chúng tôi nhận thấy các khu vực có chất lượng nước bị suy giảm thường góp phần làm cho tỉ lệ mất cân đối lớn hơn đối với các tác động môi trường tiêu cực hơn là các khu vực ít bị hủy hoại.

Giảm ô nhiễm nước là một khía cạnh riêng biệt quan trọng trong nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm cũng như là sản xuất có trách nhiệm nói chung. Mặc dù hình như không thể làm giảm mạnh tác động của sản xuất lương thực đến đa dạng sinh học trên cạn, nhưng rất có thể giảm thiểu khả năng gây tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học thủy sinh. Tình trạng này là do tác động đa dạng sinh học trên cạn diễn ra gần như toàn bộ ngay tại trang trại trong khi các tác động đa dạng sinh học thủy sinh xảy ra ở bên ngoài do ô nhiễm nguồn nước. Tất nhiên, việc giảm ô nhiễm nước bởi một trại nuôi tôm ở một số địa điểm sẽ không tất yếu đảm bảo cải thiện chất lượng nước và sự đa dạng sinh học thủy sinh. Rõ ràng, việc cấp chứng nhận không thể đảm bảo chất lượng nước tốt hơn; việc làm này chỉ có thể làm giảm tải ô nhiễm hoặc loại ra các trang trại ở các môi trường bị tổn hại hoặc ban sơ.

Tỉ lệ sống

Trong 1 ao nuôi khi tỉ lệ tôm sống nhiều hơn thường dẫn đến sản lượng cao hơn và FCR thấp hơn (Chumnanka et al. 2015). Ngoài việc áp dụng an toàn sinh học nghiêm ngặt để đảm bảo ao nuôi và tôm giống sạch bệnh tại thời điểm thả giống, lý do lớn nhất gây chết tôm là do bệnh. Mặc dù người nuôi tôm sử dụng các loại thuốc và kháng sinh khác nhau với nỗ lực để ngăn chặn hoặc điều trị bệnh, nhưng không có bằng chứng thuyết phục rằng phương pháp điều trị này có hiệu quả. Lý do chính đối với hầu hết các bệnh thông thường trong ao nuôi tôm và tại các cơ sở nuôi trồng thủy sản nói chung là do chất lượng nước bị suy giảm gây stress cho tôm và dẫn đến bệnh. Tỷ lệ sống trong các ao nuôi có xu hướng là một chỉ số cho thấy mức độ an toàn sinh học và việc quản lý chất lượng nước có hiệu quả hay không.

Các chương trình chứng nhận có xu hướng yêu cầu các trang trại phát triển các kế hoạch quản lý cho ăn, duy trì chất lượng nước và quản lý sức khỏe tôm, v.v. Bằng chứng là các kế hoạch này đã được xây dựng và lưu trong hồ sơ nhưng không có liên quan gì đến việc các trang trại được quản lý tốt như thế nào. Tuy nhiên, tỉ lệ sống và FCR là bằng chứng rõ ràng cho thấy hiệu quả của việc quản lý thức ăn, chất lượng nước và sức khỏe tôm – các kế hoạch có thể được dùng làm hướng dẫn, nhưng sự tồn tại của các kế hoạch này không cung cấp bằng chứng về quá trình thực hiện.

Duy trì chất lượng nước tốt trong các ao nuôi tôm dựa vào thức ăn tùy thuộc cân bằng giữa mật độ thả nuôi và mức độ cho ăn với sự sẵn có của oxy hòa tan. Hiếm khi có thể có mức cho ăn trên 30 kg/ha/ngày trong ao không có sục khí và duy trì chất lượng nước ở mức có thể chấp nhận được. Sử dụng sục khí ở mức khoảng 1 hp cho mỗi 10 kg/ha lượng thức ăn cho vào hàng ngày tăng lên (Boyd and Tucker 2014). Nồng độ oxy hòa tan thích hợp rất quan trọng đối với quá trình hô hấp của tôm và các loài thủy sản nuôi trồng khác và cần thiết cho quá trình oxy hóa chất thải từ thức ăn. Để tránh gây stress cho tôm do nồng độ oxy hòa tan thấp và giảm thiểu khả năng gây độc của amoniac, nitrit và sulfide thì nồng độ oxy hòa tan không nên thấp hơn 3 mg/L vào buổi sáng sớm và gần trạng thái bão hòa trong ngày (Boyd and Tucker 2014). Nồng độ oxy hòa tan tối thiểu là 3 mg/L nên được quy định là một tiêu chuẩn chứng nhận.

Sử dụng cá tự nhiên làm bột cá sản xuất thức ăn tôm

Thức ăn tôm thường chứa lượng bột cá từ 15 đến 20%. Điều này gây khó khăn cho các nhà sản xuất để đạt được tỷ lệ cá giữa đầu vào – đầu ra bằng hoặc ít hơn 1,0. Bởi vì nuôi tôm tiêu thụ một lượng lớn bột cá, chiếm khoảng 27% trong tổng lượng sử dụng cho nuôi trồng thủy sản năm 2006 (Tacon và Metain 2008) – do vậy giảm sử dụng bột cá trở nên mối quan tâm lớn trong việc cấp chứng nhận.

Một vấn đề nan giải lớn tồn tại liên quan đến lượng bột cá thực sự cần thiết trong thức ăn tôm. Một số nghiên cứu trong một thập kỷ qua đã chứng minh bột cá có thể được thay thế hoàn toàn trong thức ăn nuôi tôm mà không làm giảm hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) và sản lượng. Tuy nhiên, theo hiểu biết của chúng tôi, nghiên cứu này đã cơ bản bị bỏ qua bởi các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi và nông dân. Do đó cần một nỗ lực để xác định xem liệu thức ăn nuôi tôm không chứa bột cá có tương đương với thức ăn có bột cá hay không. Nếu thế thì dường như đây là phận sự của các chương trình chứng nhận nuôi tôm đòi hỏi thức ăn không có bột cá hoặc ít nhất ở một tỷ lệ bột cá thấp hơn nhiều so với hiện nay được tìm thấy trong hầu hết các thức ăn tôm.

Sử dụng năng lượng

Năng lượng được sử dụng trực tiếp để bơm nước, sục khí ao, thu hoạch tôm và cho một số mục đích khác tại trang trại nuôi tôm cũng như trong hầu hết các loại nuôi trồng thủy sản. Năng lượng cũng được tính vào tài nguyên sử dụng trong nuôi trồng thủy sản đầu vào, đặc biệt là trong thức ăn. Một nhu cầu cấp thiết để bảo tồn năng lượng do bởi nguồn cung hạn chế của nhiên liệu hóa thạch, cũng là nguồn năng lượng chính trong mục tiêu nỗ lực của con người, trong đó có nuôi tôm. Ngoài ra, sử dụng nhiên liệu hóa thạch là nguyên nhân chính làm tăng nồng độ cacbon dioxide trong khí quyển. Bất chấp với những thực tế này, chúng tôi tin là cần có một mô hình mới liên quan đến các nguồn năng lượng toàn cầu (Boyd and McNevin 2015a), và trong lúc này, có thể chấp nhận việc mua bán năng lượng nhiều hơn sử dụng cho sản xuất nuôi tôm hiệu quả hơn và ít gây suy thoái môi trường nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của sản phẩm này. Tất nhiên, nên yêu cầu các trang trại nuôi tôm bảo tồn năng lượng, nhưng chúng tôi không thấy có cách nào có thể đáp ứng được nhu cầu tôm dự kiến trong tương lai bằng một cách làm có trách nhiệm mà không cần sử dụng nhiều năng lượng. Tôm là một mặt hàng thực phẩm không thiết yếu và có vẻ hợp lý khi hạn chế tiêu thụ tôm. Tuy nhiên, không có tiền lệ nào trong việc điều tiết tiêu thụ thực phẩm hoặc các sản phẩm nông nghiệp khác, trừ khi chúng gây ra các rủi ro cho sức khỏe hoặc xã hội mà đa số dân chúng coi là cực kỳ nghiêm trọng.

Kết luận

Việc cấp chứng nhận có thể đưa đến hiệu quả cao hơn trong việc sử dụng hầu hết các nguồn tài nguyên cần thiết cho nuôi tôm, cũng có thể làm giảm tác động môi trường tiêu cực ở cấp độ trang trại. Tuy nhiên, trừ khi phần lớn hoạt động nuôi tôm trong một khu vực có được chứng nhận, còn không thì các tác động của các trang trại khác có thể che dấu những lợi ích của chứng nhận. Ở một số vùng, việc cấp chứng nhận cho tất cả các trang trại nuôi tôm sẽ không dẫn đến sự thay đổi môi trường tích cực do bởi các tác động tiêu cực của các hoạt động khác. Những cải thiện chính về chất lượng môi trường ở một số vùng nuôi tôm đòi hỏi phải có các thay đổi mạnh mẽ trong quy định của chính phủ và việc thực thi mọi hoạt động ở các vùng ven biển. Tuy nhiên, việc cấp chứng nhận có thể làm cho các trang trại sử dụng tài nguyên có hiệu quả hơn và có trách nhiệm với môi trường. Việc làm này cũng có thể phục vụ để chứng minh cho lợi ích của việc thực hành tốt hơn.

Việc cấp chứng nhận đòi hỏi nhà sản xuất/người nuôi tiến hành các đánh giá khác nhau, phát triển các kế hoạch quản lý, thực hiện chương trình chứng nhận, giám sát chất thải và hợp đồng với một công ty kiểm toán được công nhận để xác minh việc tuân thủ ban đầu và liên tục. Mọi khía cạnh của quy trình thủ tục phức tạp và đắt tiền này có thể là mong muốn trong những năm đầu của việc cấp chứng nhận, tuy nhiên chúng tôi đề xuất là các yêu cầu và tiêu chuẩn của các chương trình cấp giấy chứng nhận phải được tiếp tục xem xét và sửa đổi có cân nhắc đến những khám phá, những kinh nghiệm và công nghệ mới.

Các bên có liên quan đến các yêu cầu về cấp chứng nhận hy vọng hiểu được mục đích của các chương trình này là nhằm giảm bớt tác động tiêu cực đến môi trường. Việc làm này được hoàn thiện bằng cách thực hành và giám sát tốt để chứng minh trang trại vận hành có phù hợp với các tiêu chuẩn này hay là không. Vì vậy, các tiêu chuẩn không phải là yêu cầu hiển thị các kế hoạch bằng văn bản có liên quan đến các chỉ số quan trọng, mà phải là chứng minh trang trại vận hành có phù hợp với các tiêu chuẩn có thể kiểm chứng được liên quan đến mỗi chỉ số hay là không. Ví dụ, sự chuẩn bị một kế hoạch quản lý thức ăn thỏa đáng đã lưu tại một chỗ dễ tiếp cận không phải là một tiêu chuẩn cho dù chỗ đó đẹp đẽ và thuận tiện. Tiêu chuẩn phải là trang trại vận hành phù hợp với kế hoạch quản lý thức ăn tốt đạt FCR bằng hoặc nhỏ hơn tiêu chuẩn của chương trình chứng nhận đối với chỉ số FCR. Logic này cũng nên áp dụng cho tất cả các kế hoạch quản lý như vậy.

Trong một chuyến thăm gần đây đến một trang trại nuôi tôm có chứng nhận, chúng tôi đã được yêu cầu kiểm tra, nhận và đeo thẻ của khách tham quan, điền thông tin cá nhân, trả lời các câu hỏi về lần tiếp xúc gần đây với vật nuôi hay tôm nuôi và tình trạng sức khỏe của chúng tôi. Các tòa nhà đều được đánh số và ngăn nắp sạch sẽ. Nền nhà cũng gọn gàng và tất cả mọi thứ đều ngăn nắp. Chúng tôi được dẫn vào một phòng họp là nơi sắp xếp các đánh giá và kế hoạch quản lý. Tuy nhiên, trong các cuộc thảo luận với quản lý trang trại thì rõ ràng ngay lập tức thấy phản ứng của họ với những câu hỏi của chúng tôi là họ không biết bất cứ điều gì khác ngoài các khía cạnh tính toán của việc cấp chứng nhận đã đạt được. Họ không có ý tưởng làm thế nào để giảm thiểu các tác động tiêu cực.

Các khía cạnh tính toán của các chương trình chứng nhận thật dễ dàng, vừa tẻ nhạt và tốn thời gian. Những khía cạnh này nên được giảm thiểu và nhấn mạnh vào cải thiện các hoạt động có tác động đến môi trường. Chúng ta biết rằng tuyên bố này có vẻ không cần thiết, nhưng mọi việc liên quan đến cấp chứng nhận nên lưu ý đến mục đích của nỗ lực này và không nhầm lẫn biểu hiện bề ngoài với tính hiệu quả.

Chúng tôi tin đây là thời điểm để xem xét lại một cách nghiêm túc các yêu cầu và tiêu chuẩn để cấp chứng nhận cho trang trại nuôi tôm và sửa đổi các tiêu chuẩn này để tập trung vào các vấn đề quan trọng. Cấp chứng nhận cho trang trại tôm sẽ không mang lại các lợi ích tiềm năng trừ khi nó thực sự dẫn đến cải thiện môi trường và khi đa phần các trang trại nuôi tôm đều có chứng nhận. Đơn giản hóa các tiêu chuẩn nhấn mạnh vào những điểm tạo ra các cải tiến lớn sẽ làm giảm bớt chi phí chứng nhận và làm cho nó hấp dẫn hơn đối với những nhà sản xuất/người nuôi tôm.

BioAqua.vn
Nguồn: Claude E. Boyd, School of Fisheries, Aquaculture and Aquatic Sciences. Auburn University, Auburn, Alabama, 36849 USA. – Aaron A. McNevin, Director of Aquaculture World Wildlife Fund, Washington, D.C. 20037 USA – Aquaculture Magazine.

Trieu Tuan
Trieu Tuan
Triệu Tuấn là một ông bố 2 con, tốt nghiệp Tiến sỹ chuyên ngành Công nghệ sinh học tại Nhật Bản. Hiện nay đang công tác tại Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau (iPEC).

Share this article

Recent posts

Popular categories

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Recent comments