Triển vọng của hệ thống nuôi thủy sản nước chảy trong ao

-

Hệ thống nuôi thủy sản nước chảy trong ao (IPRS) từng được sử dụng trong nghiên cứu tại Đại học Auburn đã cho các kết quả sản xuất rất ổn định về sản lượng, năng suất, tỷ lệ sống cũng như lợi nhuận.

Hệ số chuyển đổi thức ăn và tăng trưởng

Hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) của cá được nuôi trong IPRS dao động từ 1,5 – 1,64, thấp hơn so với giá trị thông thường FCR > 2 theo thông tin từ đa số người nuôi. Điều này được cho là kết quả của việc kiểm soát cho ăn tốt hơn, hàm lượng oxy thích hợp được duy trì bên trong các mương nuôi (raceway), tắm cá để phòng các bệnh kí sinh trùng trên mang, không bị chim chóc ăn, tỉ lệ sống của cá được cải thiện và cá luôn ở trạng thái bơi liên tục, bơi chậm.

Trọng lượng trung bình của cá ở tất cả các mương nuôi đều ≥ 680 g/con, là trọng lượng trung bình mong muốn sau 9 tháng nuôi. Nhìn chung, từ 95 – 99% cá nuôi vượt trọng lượng tối thiểu là 450 g theo yêu cầu của các nhà máy chế biến, 63 – 82% số cá lớn hơn 680 g/con. Cá chắc chắn có thể phát triển nhanh hơn và đạt được kích thước lớn hơn so với trong thí nghiệm này nếu chúng được cho ăn nhiều hơn. Các hệ thống IPRS có thể được trang bị các máy cho ăn tự động hoặc cho ăn theo nhu cầu, giảm công lao động so với cho ăn bằng tay chỉ với 1 hoặc 2 lần trong ngày. Đây là một vấn đề sẽ được chú ý trong các thử nghiệm tiếp theo.

Kiểm soát dịch bệnh, tỷ lệ sống

Trong IPRS, cá bị giới hạn ở trong mương nuôi với mật độ cao, điều này có thể làm cho dịch bệnh xảy ra rất nhanh. Tuy nhiên, trong IPRS, người nuôi có thể kịp thời phát hiện các dấu hiệu của sự bùng phát dịch bệnh (như giảm phản ứng ăn và có cá gần chết hoặc đã chết) và hành động nhanh hơn để ngăn chặn sự tiến triển của bệnh so với các ao nuôi thương phẩm lớn hơn. Rất dễ thu gom và loại bỏ các cá gần chết và chết từ các đơn vị nuôi nhằm làm giảm nguồn lây nhiễm. Cá cũng có thể được cho ăn một cách hiệu quả bằng thức ăn có thuốc (miễn là cá chưa bỏ ăn).

FCR trong nghiên cứu thấp hơn đáng kể so với nuôi cá theo cách thông thường. Ảnh: Fernando Kubitza

Trong nghiên cứu này, cá ở tất cả các mương nuôi đều được xử lý bằng dung dịch formalin ở 120 ppm trong 40 phút để ngăn ngừa và kiểm soát ký sinh trùng da và mang. Cá được bắt đầu xử lý sau hai ngày thả nuôi trong mương và được lặp lại trong khoảng hai tuần một lần cho đến khi nhiệt độ nước ổn định vào đầu mùa hè ở khoảng 26oC (tháng 7).

Mặc dù đã được xử lý, nhưng cá ở tất cả các mương nuôi đã bị hai lần nhiễm khuẩn cấp tính. Lần đầu tiên gây ra bởi Flavobacterium columnare (với các dấu hiệu kinh điển “thối vây” và “cigar mouth”), và lần thứ hai là bị nhiễm trùng máu do Edwardsiella ictalurii gây ra. Bằng cách sử dụng dung dịch muối kali permanganate (KMnO4, 6 ppm trong 30 phút) để kiểm soát thối vây và ngưng cho ăn sau khi bắt đầu nhiễm Edwardsiella, tổn thất lớn đã được ngăn chặn. Tuy nhiên, 25% cá trong ao B2 bị chết, đây là ao bị ảnh hưởng nhiều nhất trong vụ dịch FlavobacteriumEdwardsiella.

Tỷ lệ sống của cá dao động từ 75 – 95,7%. May mắn là trong thời gian bùng phát dịch bệnh cá vẫn còn nhỏ nên việc mất đi sinh khối cá không ảnh hưởng quá nhiều đến sản lượng và hệ số chuyển đổi thức ăn. Cũng đáng chú ý là chi phí giảm đáng kể khi cá được xử lý trong các mương nhỏ so với xử lý toàn bộ ao.

Hiệu quả kinh tế

Mặc dù đây không phải là một thử nghiệm với quy mô thương mại hoàn chỉnh, nhưng kết quả và phân tích kinh tế thì có triển vọng. Chi phí sản xuất được tính toán thông qua lượng thức ăn được sử dụng, con giống, năng lượng, lao động, hóa chất, dịch vụ bảo trì, thu hoạch và các chi phí khác mà người nuôi cá da trơn hiện phải chi trả ở Tây Alabama (vào tháng 01 năm 2017). Giá bán 2,53 USD/kg (1,15 USD/pound) là giá mà nhà máy chế biến trả sau khi nhận được cá tại nhà máy. Đầu tư 63.300 USD (không gồm đất, xây dựng ao) là cần thiết để cài đặt hệ thống IPRS trong 4 ao nuôi 0,4 ha (tương đương với 39.562 USD/ha cho các mương nuôi, máy thổi khí, lưới khuếch tán, bơm nước, hệ thống dây điện và hộp kiểm soát, máy phát điện sử dụng khí propan và các thiết bị khác).

Các chi phí cố định (khấu hao và dự phòng bảo dưỡng thiết bị) được ước tính dựa trên khoản đầu tư này. Tổng chi phí sản xuất kết hợp cả 4 ao nuôi là 2,03 USD/kg cá. Các chi phí cho thức ăn, nhân công (cho ăn, giám sát chất lượng nước, bảo trì, thu hoạch, …) và con giống chiếm 68% tổng chi phí sản xuất.

Với mức giá bán 2,53 USD/kg, khả năng sinh lãi gộp là 24 cent cho mỗi USD chi phí sản xuất. Chi phí này dự kiến ​​sẽ giảm đáng kể do sản lượng tăng và quy mô đơn vị IPRS lớn hơn, giúp giảm chi phí liên quan đến lao động và năng lượng và dự kiến ​​đem lại lợi nhuận cao cho người nuôi.

Các mặt tích cực và triển vọng của công nghệ IPRS

Trong mô hình IPRS, cá tập trung ở một phạm vi nhỏ (ít hơn 3% diện tích bề mặt ao), nên giảm đáng kể công lao động (cho ăn và thu hoạch) so với các hệ thống nuôi trong ao khác. Do có kích thước nhỏ, các mương nuôi có thể dễ dàng được che phủ bằng lưới chim với chi phí thấp, giảm tổn thất do chim ăn cá đến gần bằng không. Cá cũng có thể được thường xuyên tắm các hóa chất để ngăn ngừa ký sinh trùng, nấm và nhiễm trùng do vi khuẩn.

Đối với phương pháp xử lý bằng cách tắm, dòng nước chảy qua mương sẽ tạm thời ngừng, các tấm chắn ở hai đầu mương sẽ bị khóa, người nuôi có thể sục khí trong mương nuôi để giữ mức ôxy thích hợp trong quá trình điều trị. Theo cách này, cá có thể được xử lý bằng một lượng nhỏ hóa chất, có chi phí thấp với nồng độ và thời gian có hiệu quả. Xử lý cá thường xuyên ở những ao thông thường sẽ gần như không thể và rất tốn kém đối với đa số các loại hóa chất.

Hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) của cá da trơn trong IPRS đã được cải thiện (từ 1,5 – 1,7) so với FCR đã được ghi nhận ở các trang trại nuôi thương phẩm (từ 2,0 – 2,8). IPRS cũng cung cấp luồng nước liên tục và hiệu quả trong ao, phá vỡ sự phân tầng vật lý và hóa học của nước ao nuôi. IPRS cải thiện lượng oxy hoà tan trong suốt cột nước và gần đáy ao, đẩy nhanh việc phân hủy các chất thải hữu cơ với một tốc độ nhằm cho phép duy trì được chất lượng nước thích hợp, ngay cả khi cá được cho ăn với tỷ lệ cao. Tác động tương tự cũng được cho là xảy ra ở các ao nuôi cá da trơn được sục khí cao (từ 25 – 35 HP/ha), một chiến lược mà một số người nuôi bắt đầu áp dụng để tăng sản lượng cá da trơn từ 14.000 – 19.000 kg/ha trong các ao nuôi tĩnh. Trong khi ở các ao nuôi theo cách thông thường, sản lượng đạt được từ 4.500 – 9.000 kg/ha nếu sục khí từ dưới 7 – 15 HP/ha.

Cuối cùng, IPRS mang lại khả năng giảm chất thải rắn (từ phân cá) xâm nhập vào môi trường ao nuôi. Các nhà nghiên cứu ở Đại học Auburn đang thử nghiệm các thiết bị được thiết kế để tập trung và loại bỏ chất thải rắn ra khỏi IPRS. Điều này có thể dẫn đến cải thiện đáng kể chất lượng nước cũng như năng suất cá nuôi mà các hệ thống ao nuôi khác không thể làm được. Việc thu gom chất thải rắn cũng sẽ làm cho IPRS trở thành một phương pháp thay thế khả thi cho công nghệ nuôi lồng ở các hồ và các môi trường thủy sinh khác, nơi mà lượng chất thải sản xuất, chất thải rắn là mối quan tâm và có thể phải tuân theo quy định.

Triển vọng

Những mặt tích cực của IPRS đã thu hút sự chú ý của nhiều người nuôi thủy sản trên toàn thế giới, đặc biệt là ở các nơi đang thử nghiệm công nghệ mới ở quy mô thương mại trên các loài cá chép, cá rô phi và nhiều loài bản địa được nuôi bằng thức ăn công nghiệp. Tuy nhiên, ở miền Nam Hoa Kỳ, nơi mà công nghệ IPRS đã phát triển lại có rất ít người nuôi chấp nhận.

Công nghệ IPRS có thể làm thay đổi đáng kể cách nuôi cá da trơn hiện nay ở Mỹ. Nhưng công nghệ này đòi hỏi một khoản đầu tư ban đầu cao hơn so với việc đầu tư nhiều hơn vào các bộ phận sục khí cho các ao nuôi thông thường. Tuy nhiên, sự so sánh có ý nghĩa giữa IPRS và các ao có sục khí cao cần phải tính đến chi phí điện bổ sung do việc chạy nhiều bộ phận sục khí. Khi các dữ liệu ấn tượng về kinh tế và sản lượng đã ổn định, các quy trình quản lý được tinh chỉnh và có thể đạt được năng suất cao hơn một cách ổn định thì nhiều người nuôi cá da trơn sẽ sử dụng IPRS và lợi ích từ công nghệ hứa hẹn này sẽ ảnh hưởng tích cực đến tính cạnh tranh và tính bền vững của ngành.

Source: Đào Minh, TepBac

Trieu Tuan
Trieu Tuan
Triệu Tuấn là một ông bố 2 con, tốt nghiệp Tiến sỹ chuyên ngành Công nghệ sinh học tại Nhật Bản. Hiện nay đang công tác tại Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau (iPEC).

Share this article

Recent posts

Popular categories

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Recent comments