Kernel: Dự án nâng cấp trí thông minh của loài người để ngăn chặn sự thống trị của AI

-

Bryan Johnson, người sáng lập đồng thời là giám đốc điều hành dự án thần kinh học Kernel, đã đầu tư hơn 100 triệu USD tiền cá nhân của mình cho dự án này vào mùa thu năm ngoái với mục đích tìm hiểu và nắm rõ sự đa dạng và phức tạp của não bộ, thông qua đó có thể chế tạo con chip nhằm tăng trí thông minh của con người.

Ý tưởng về cấy con chíp vào não bộ là một ý tưởng thú vị tuy nhiên nó cũng dấy lên nỗi lo trong nhiều người, đặc biệt là trong cộng đồng khoa học thần kinh, vì con người sẽ phải phụ thuộc vào máy móc và phần mềm để nâng cao trí nhớ cũng như các khả năng khác của con người. Tuy nhiên, sự lo lắng này là không cần thiết vì mục tiêu của Kernel không chỉ là nâng cao trí thông minh của con người mà là còn để điều trị bệnh Alzheimer – bệnh lão hoá thần kinh ở người già gây mất trí nhớ.

Bên cạnh đó, Kernel mong muốn giúp con người bổ sung hoặc tối thiểu là phát triển dựa trên máy bằng cách “digital” hóa con người. Kernel cam kết sẽ cải thiện bệnh thoái hóa thần kinh và đây là bước đệm cho việc cải thiện nhận thức của con người. Nhưng trong thập kỷ vừa qua, việc cấy ghép vào não bộ chỉ mới dừng ở mức thử nghiệm trên những bệnh nhân mắc bệnh động kinh và bệnh bại liệt.

Với công nghệ hiện nay chúng ta đã sử dụng chip gắn vào não bộ và gửi tín hiệu điện để chữa bệnh Parkinson. Phương pháp này đã thành công trong điều trị các bệnh: đau cột sống, béo phì, biếng ăn…Cái mà chúng ta chưa làm được là hiểu và lập trình cho mạng lưới thần kinh bên trong não. Cuộc cách mạng nâng cao trí lực của con người thông qua việc can thiệp và lập trình mạng lưới thần kinh sẽ tạo ra những giá trị đột phá như công nghệ về chỉnh sửa gen CRISPR.

Mặc dù việc hiểu biết về gen của chúng ta thì nhiều hơn hiểu biết về não bộ nhưng theo Blake Richards, giáo sư thần kinh học của Đại học Toronto, ông cho rằng các công nghệ để tiếp xúc với não bộ mà họ có được là những công cụ tốt nhất. Ông cũng cho biết thêm, hầu hết các neuroprostheses (sản phẩm chân tay giả được điều khiển bằng ý nghĩ của con người) đều liên kết với các điện cực được gắn vào não bộ.

NHỮNG KHÓ KHĂN VÀ RÀO CẢN CÔNG NGHỆ

Mục tiêu của Kernel không phải dễ để đặt được. Đối với một dự án mang tính tiên phong và kiến thức của con người về não bộ còn hạn chế thì Kernel cần phải bỏ rất nhiều tiền để nghiên cứu. Bên cạnh đó, dự án này cũng đòi hỏi thời gian, có lẽ mất nhiều thập kỷ để có thể đạt được bất cứ thành công nào gần với mục tiêu Kernel, điều mà hiện chỉ tồn tại trong các kịch bản phim khoa học viễn tưởng.

Trong nhiều thập kỷ vừa qua, Brain H-A-C-K-i-n-g được xem là một niềm đam mê hướng về tương lai. Ý tưởng cấy chip vào não bộ để chúng tương tác trực tiếp với các thiết bị điện tử là đề tài chính trong các tác phẩm thuộc thể loại Cyberpunk – Truyện có yếu tố công nghệ cao và tập trung vào tầng lớp dưới đáy xã hội. Ví dụ, Neuromancer của tác giả William Gibson, Ghost in the Shell của tác giả Masamune Shirow và The Matrix của Wachowskis. Tuy nhiên, trên thực tế thì ý tưởng này rất phức tạp và nguy hiểm vì trên thế giới có rất ít người trải qua phẫu thuật đặt điện cực vào não bộ và việc phẫu thuật này chỉ được áp dụng với các trường hợp không còn phương pháp nào khác với mục đích giảm các triệu chứng của bệnh thần kinh nghiêm trọng, hoặc khôi phục lại các vùng trên cơ thể bị tê liệt hoặc nhằm giúp người tàn tật điều khiển chân tay giả của mình.

Tuy nhiên, Richards đang hoài nghi về việc nhiều công ty hứa hẹn những tiến bộ kĩ thuật trong phẫu thuật. Bên cạnh đó, hầu hết các bệnh nhân chỉ đồng ý cấy ghép khi tình trạng sức khỏe của họ đang trở nên nghiêm trọng và họ không thật sự thích khi bác sĩ đề nghị phẫu thuật hộp sọ của họ.

Johnson thừa nhận những khó khăn mà Kernel đang gặp phải khi bắt đầu làm việc trong lĩnh vực công nghệ này. Ông cho biết, hiện nay, không tồn tại công nghệ nào giúp con người có thể thu nhập các thông tin trong bộ não người từ bên ngoài, vì vậy, cách duy nhất là phải phẫu thuật não bộ. Tuy nhiên, họ hiểu rõ về não bộ của chuột hơn là não bộ của con người và các thông tin về bộ não người mà họ có được đều là dựa trên nghiên cứu từ bộ não của các bệnh nhân mắc bệnh động kinh, và điều này gây khó khăn cho các nhà khoa học tìm hiểu cách thức bộ não vận hành.

Richards cho rằng, con người chúng ta phải mất rất nhiều năm mới có thể nắm bắt và hiểu rõ về bộ não. Chúng ta cần phải tìm hiểu và nâng cao hiểu biết về cách thức mà bộ não thực hiện chức năng cốt lõi của nó. Đây được coi là một thách thức lớn cho các nhà khoa học.

Các nhà nghiên cứu sẽ phải làm việc trong phạm vi thử nghiệm y tế với ranh giới hạn chế để xem xét việc chúng ta tác động lên não bộ của con người sẽ ảnh hưởng ra sao và như thế nào. Richards cho hay họ thậm chí vẫn chưa nắm rõ cách thức não bộ lưu trữ thông tin như thế nào. Ví dụ, làm thế nào chúng ta có thể nhớ lại các cuộc trò chuyện từ những năm trước đây. Bên cạnh đó, các tính toán và thuật toán trong não vẫn còn là bí ẩn.

Những thách thức này làm Johnson coi khoa học thần kinh như là một thách thức cần vượt qua. Khác với các công ty khác trong quá khứ, thay vì tập trung vào thương mại trong lĩnh vực neuroprosthetics, Johnson đang tập trung đầu tư vào nghiên cứu nhằm mang lại những hiểu biết mới về não. Johnson có thể được xem là một trong những người tiên phong trong lĩnh vực này tại Thung lũng Silicon. Tuy nhiên, ông nghi ngờ rằng những người khác sẽ bắt chước theo ông để biến đổi bộ não thành một nền tảng điện toán, ngay cả khi phải mất nhiều năm nghiên cứu và thậm chí là hàng tỷ đô la.

Chân dung Bryan Johnson

CON ĐƯỜNG KHÁM PHÁ BỘ NÃO CON NGƯỜI

Sau khi bán Braintree cho PayPal, Johnson đã quyết định những gì ông làm tiếp theo sẽ có tác động tích cực đối với nhân loại. Vì vậy, ông bắt đầu nói chuyện với bạn bè, chuyên gia, và những người trong ngành công nghiệp công nghệ đương thời nhằm cố gắng tìm hiểu xem tài sản của ông có thể được sử dụng tốt nhất cho cái gì và cho nơi nào.

Sau khi nói chuyện với hàng trăm người, Johnson cho rằng khoa học thần kinh là lĩnh vực có tiềm năng nhất. Theo ông, trí tuệ là tài nguyên quý và mạnh mẽ nhất đối với con người, chúng ta đã luôn luôn tạo ra những công cụ mới như nhạc rock, máy tính rồi đến AI, AI là một trí thông minh nhân tạo và đang ngày càng phát triển với tốc độ nhanh chóng, ngược lại, trí thông minh của con người thì vẫn như thế.

Vì vậy, Johnson đã nhờ sự giúp đỡ của một số các nhà khoa hàng đầu trong lĩnh vực này để bắt đầu nghiên cứu neuroprosthetics – thiết bị cấy ghép vào hộp sọ mà có thể bắt chước, thay thế hoặc hỗ trợ các chức năng của não và kiểm soát vỏ não vận động để ngăn ngừa sự tái phát cơn động kinh.

Ý tưởng của Johnson ban đầu là để đội ngũ của mình tại Kernel khám phá và hiểu rõ hơn về chức năng não như thu hồi thông tin, bộ nhớ, và truyền thần kinh. Và để làm được điều này, các công ty đang phát triển phần cứng và phần mềm riêng của mình để cố gắng giảm bớt những tác động tàn phá của bệnh thần kinh và thoái hóa giống như động kinh và Alzheimer. Việc này được thúc đẩy bởi các nghiên cứu của chuyên gia Theodore Berger, một giáo sư kỹ thuật y sinh học tại Đại học Nam California (USC). Vào năm 2002 nghiên cứu của Berger đã chứng minh được rằng có thể sử dụng phần mềm và mô hình toán học để sao chép lại hoạt động của hồi hải mã – vùng chịu trách nhiệm về trí nhớ của não bộ. Gần một thập kỷ sau đó, tại phòng thí nghiệm của mình tại USC, ông đã thành công trong việc sử dụng một con chip cấy ghép bên trong bộ não của những con chuột để khôi phục lại phần ký ức bị mất và cải thiện việc truy hồi thông tin.

Hiện tại, Berger vừa làm việc tại USC và vừa làm giám đốc giám sát cho dự án Kernel. Hiện có hơn 20 nhân viên của Kernel đã rời khỏi Los Angeles để làm việc gần phòng thí nghiệm của Berger, nhờ đó, họ có thể hợp tác với các kỹ sư y sinh học ở đó và quan sát công việc của các nhà khoa học. Thông qua việc này, Kernel có thể thu thập dữ liệu từ các thử nghiệm bằng một thiết bị y tế cấy ghép không khác gì với thiết bị được sử dụng trong thử nghiệm động vật của Berger vào năm 2011.

Để Kernel phát triển lâu dài, công ty cũng đã hợp tác với Kendall Research Systems (KRS), một công ty thuộc Viện Công nghệ Masachusetts chuyên nghiên cứu các thiết bị thần kinh để sử dụng trong nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng. Bên cạnh đó, Johnson cũng liên hệ một số tên tuổi lớn khác trong lĩnh vực khoa học thần kinh từ cộng đồng MIT như Ed Boyden, một giáo sư về kỹ thuật sinh học và não bộ và khoa học nhận thức tại MIT, đã ký hợp đồng làm giám đốc cố vấn khoa học. Và Adam Marblestone, một nhà thần kinh học tập trung vào việc cải thiện thu thập dữ liệu từ não bộ, hiện là Giám đốc chiến lược của Kernel, đã từng làm việc với Nhóm của Boyden về lĩnh vực Sinh học thần kinh.

CON NGƯỜI PHẢI KẾT NỐI VỚI AI ĐỂ NÂNG CAO TRÍ THÔNG MINH NHẰM XOÁ BỎ VIỄN CẢNH AI THỐNG TRỊ

Chad Bouton, cựu kỹ sư kỹ thuật y sinh của Viện Battelle và bây giờ là phó chủ tịch kỹ thuật tiên tiến và công nghệ tại Viện Nghiên cứu Y học Feinstein. Ông cũng cho biết: “Chúng tôi đang cố gắng tìm ra cách để giải mã hệ thần kinh trong cơ thể con người. Nếu chúng ta có thể giải mã được hệ thần kinh, chúng ta có thể mở ra rất nhiều cánh cửa”.

Bouton khẳng định họ đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc tìm ra cách vỏ não vận động và điều khiển chân tay. Theo ông, nếu chúng ta có thể giải mã phần còn lại của hệ thần kinh và hiểu được các tín hiệu, chúng ta sẽ có thể chẩn đoán và điều trị bệnh tốt hơn.

Trong tương lai, Johnson có tham vọng vĩ đại ngoài điều trị y tế. Ông muốn sử dụng những cấy ghép với hy vọng, một ngày nào đó, có thể tăng thêm trí thông minh của con người. Ông hình dung ra một thế giới nơi mà con người thông minh hơn, nhanh hơn và sáng tạo hơn. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là Johnson nhìn thấy một thế giới nơi mà con người, không phải là một cỗ máy, hoàn thiện hơn bao giờ hết.

Một số chuyên gia công nghệ dự đoán rằng trí thông minh nhân tạo có thể sớm thay thế hàng triệu công ăn việc làm và ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người lao động, tồi tệ hơn có thể dẫn đến ngày tận thế. Đây cũng chính là động lực để tạo ra Kernel.

Trước những thông tin đó, Johnson khẳng định con người nên xác định được mục tiêu muốn làm gì và con người cần phải kết nối với trí thông minh nhân tạo, chúng ta vẫn sẽ thông minh nhất.

Chính vì lý do này mà Tesla và Giám đốc điều hành SpaceX Elon Musk đã bắt đầu yêu cầu nhóm của mình phải khám phá thêm những khả năng của con người với mục đích y tế và nâng cao con người. Tuần trước, tại Hội nghị cấp cao Chính phủ thế giới tại Dubai, ông bày tỏ quan điểm của mình: “Chúng ta có thể sẽ sớm thấy sự hợp nhất chặt chẽ giữa trí thông minh sinh học và trí thông minh nhân tạo.” Hiện tại, kế hoạch liều lĩnh của ông vẫn còn là ẩn số nhưng sẽ được ông công khai sớm nhất có thể.

ELON MUSK CŨNG LÀM VIỆC VỚI MỤC ĐÍCH NÂNG CAO CON NGƯỜI

Johnson cũng nói rằng: “Theo như tôi biết, từ góc độ thương mại, Elon Musk và tôi là hai người duy nhất theo đuổi lĩnh vực này. Tôi rất vui khi anh ấy cũng tham gia vào cuộc chơi này.” Johnson cũng cho biết, số lượng các cuộc gọi ông nhận được từ các nhà đầu tư quan tâm đã tăng lên kể từ lúc Elon Musk bắt đầu kế hoạch tại Vịnh Sanfrancisco vào cuối năm ngoái.

Ngay cả cộng đồng khoa học thần kinh cũng nhất trí coi việc tăng AI và tăng nhận thức của con người là mục tiêu. Richards, người đã từng nghiên cứu AI trước khi chuyển sang nghiên cứu khoa học thần kinh cho rằng những thành công trong AI là xuất phát từ cách bộ não hoạt động. Ông cho biết thêm: “Có một mối tương quan giữa AI và khoa học thần kinh vì AI lấy cảm hứng từ khoa học thần kinh và khoa học thần kinh lấy cảm hứng từ AI. Tuy việc thực hiện mục tiêu này diễn ra rất chậm nhưng chắc chắn chúng ta đang làm việc hướng tới một lý thuyết rộng về trí thông minh, cả nhân tạo và tự nhiên ”.

Theo lý thuyết, Kernel sẽ giúp loài người đạt được thành công trong thử thách này – và thậm chí còn đi xa hơn thế nữa – nhưng phần lớn nó sẽ phụ thuộc vào việc Johnson sử dụng tiền của ông như thế nào và liệu những rào cản của tiến bộ khoa học có cản trở tầm nhìn táo bạo của người sáng lập của tương lai hay không.

Source: TinhTe

Trieu Tuan
Trieu Tuan
Triệu Tuấn là một ông bố 2 con, tốt nghiệp Tiến sỹ chuyên ngành Công nghệ sinh học tại Nhật Bản. Hiện nay đang công tác tại Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau (iPEC).

Share this article

Recent posts

Popular categories

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Recent comments