Ảnh hưởng của việc bổ sung carbohydrate trong hệ thống nuôi tôm quảng canh

-

Nuôi tôm trong ao là một trong những hoạt động nuôi trồng thủy sản chính ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới. Mô hình nuôi tôm quảng canh và quảng canh cải tiến đã đóng góp 90% sản lượng tôm cho toàn cầu (FAO, 2001), đặc trưng của mô hình này là các yếu tố đầu vào thấp (thức ăn, phân bón) và mật độ nuôi thấp. Tuy nhiên, các yếu tố môi trường thay đổi từ việc tăng cường nuôi tôm ở nhiều vùng ven biển ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới, do đó nó đòi hỏi cần phải có một công nghệ cho sự phát triển nghề nuôi tôm bền vững.

Một trong những biện pháp quản lý tiềm năng để nâng cao sản lượng và chất dinh dưỡng trong hệ thống nuôi tôm là việc bổ sung các chất giàu carbon hữu cơ (Glucose, sắn, bột lúa miến hoặc cellulose) để kiểm soát tỷ lệ C/N (Avnimelech, 1999). Nếu hàm lượng nitơ thấp (tức là tỷ lệ C/N cao), thì hàm lượng nitơ trong nước được vi sinh vật sử dụng cho tăng trưởng và được cố định như nguồn protein vi sinh vật (Boyd, 1996). Nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng quá trình cố định nitơ vô cơ chỉ xảy ra khi tỷ lệ C/N của các chất hữu cơ cao hơn 10 (Lancelot và Billen, 1985). Sự thay đổi tỷ lệ C:N có thể dẫn đến sự thay đổi quần thể vi khuẩn trong ao nuôi từ tự dưỡng sang dị dưỡng. Vi khuẩn dị dưỡng sử dụng nguồn nitơ vô cơ tổng hợp nên protein và tế bào mới, nó có thể sử dụng như nguồn thức ăn cho cá chép, cá rô phi (Schroeder, 1987;. Beveridge et al, 1989; Rahmatulla và Beveridge, 1993) hoặc tôm (Burford et al., 2004), do đó làm giảm nhu cầu về protein trong thức ăn (Avnimelech, 1999).

Nghiên cứu này nhằm mục đích để giảm hàm lượng nitơ vô cơ tích lũy trong hệ thống nuôi tôm bằng cách (1) tăng tỷ lệ C/N của thức ăn thông qua việc giảm hàm lượng protein của thức ăn và cách (2) tăng tỷ lệ C/N thông qua bổ sung carbohydrate vào ao nuôi.

Phương pháp nghiên cứu và bố trí thí nghiệm

Thí nghiệm trong nhà kính được thực hiện trên bể composite với thể tích 1200L, gồm 4 nghiệm thức với 2 mức protein, nghiệm thức 1 cho ăn thức ăn 25% protein, nghiệm thức 2 cho ăn 40% protein, nghiệm thức 3 cho ăn thức ăn 25% protein kế hợp với bổ sung 0,39 kg bột mì/kg thức ăn (P25+CH), nghiệm thức 4 cho ăn thức ăn 40% prtein kết hợp bổ sung 0,62 kg bột sắn/kg thức ăn (P40+CH). Thí nghiệm bao gồm 3 lần lặp lại và được thực hiện ở độ mặn 26 ppt. Tôm sú PL 20 được mua từ các trại sản xuất và được ương dưỡng trong bể ở mật độ 250 con/m2 với thới gian 30 ngày. Sau thời gian 30 ngày, tôm có kích cỡ trung bình 0.357±0.01 g được thả nuôi với mật độ 6 con/m2. Tôm được cho ăn 2 lần sáng 8h và chiều 18h, khẩu phần ăn 15% ở gian đoạn đầu và điều chỉnh dần đến khi kết thúc thí ngiệm là 6%.

Thí nghiệm trong ao so sánh cho ăn thức ăn 25% protein kết hợp với bổ sung carbohydrate (0,39 kg bột sắn) vào môi trường ao nuôi (P25+CH) với nghiệm thức cho ăn thức ăn 40% protein (P40), thí nghiệm được thực hiện trong 8 ao đất với diện tích 250 m2, mỗi nghiệm thức được lặp lại 4 lần và thực hiện một cách ngẫu nhiên. Tôm sú PL 20 được mua từ các cơ sở sản xuất và thả với mật độ 6 con/m2.

Kết quả nghiên cứu

– Kết quả thí nghiệm nuôi trong nhà kính

Trung bình nhiệt độ, pH, độ mặn, độ trong và hàm lượng oxy hòa tan của các nghiệm thức lần lượt là 28,1-29,8oC; 7,8-7,9; 26,3-26,7ppt; 45,9-51,4cm và 6-6,1 mg O2/L, giữa các nghiệm thức không có sự khác biệt về các thông số chất lượng nước (p>0,05). Thức ăn kết hợp với bổ sung carbohydrate không gây ảnh hưởng đáng kể đế BOD, COD, tổng kiềm. Việc bổ sung carbohydrate vào môi trường nước có tác dụng làm giảm TAN và N-NO2. Tổng hàm lượng nitơ trong nước giảm (p<0,05) khi bổ sung carbohydrate. Lượng vi khuẩn dị dưỡng dao động từ 12,1 đến 26,9 x 10^4 CFU/mL trong nước và trong vật chất lơ lửng từ 24,8 đến 62,1 x10^6 CFU/mL. Kết quả thống kê cho thấy khi bổ sung carbohydrate có ảnh hưởng đáng kể (p<0,05) đến lượng vi kuẩn dị dưỡng. Lượng vi khuẩn dị dưỡng trong nước tăng lên (p<0,05) trong quá trình nuôi trong khi lượng vi khuẩn dị dưỡng trong vật chất lơ lửng vẫn duy trì trong suốt chu kỳ nuôi.

Tốc độ tăng trưởng đặc biệt (SGR) khác biệt đáng kể (p<0,05) và giá trị cao hơn được ghi nhận ở nghiệm thức P40+CH, P40, P25+CH (lần lượt 3,8±0,2; 3,4±0,2; 3,4±0,1) so với nghiệm thức P25 (2,6±0,3). FCR của tôm ở nghiệm thức P40+CH, P40, và P25+CH từ 2,4-3 thấp hơn đáng kể so với nghiệm thức P25 (6,4).

– Kết quả thí nghiệm nuôi trong ao đất

Đối với thí nghiệm trong ao đất, các yếu tố môi trương như nhiệt độ (32,7-32,7oC), pH (7,7-7,7), độ mặn (13-13,2 ppt), độ trong (59,5-60,9) và oxy hòa tan từ (5,8-8,9 mg O2/L), không có sự khác biệt giữa các nghiệm thức nhưng thay đổi theo thời gian nuôi. Hàm lượng TAN khác biệt đáng kể (p<0,05) giữa các nghiệm thức và thấp nhất được ghi nhận ở nghiệm thức P25+CH (1,5µg/L) so với nghiệm thức P40 (3,5 µg/L). Trung bình số lượng vi khuẩn dị dưỡng trong nước ở nghiệm thức bổ sung carbohydrate (P25+CH) cao hơn (57,1 x10^5CFU/mL) so với nghiệm thức không bổ sung (P40) (40,6×10^5 CFU/mL), trong vật chất lơ lửng ở nghiệm thức P25 lượng vi khuẩn dị dưỡng là 53,9×10^7 CFU/mL, và P40 là 41,5 x 10^7 CFU/mL.

Trọng lượng tôm lúc thu hoạch ở nghiệm thức P25+CH (25,7±1,7 g) cao hơn đáng kể so với nghiệm thức P40 (21,1±0,8 g), FCR ở nghiệm thức P25+CH (1,6) thấp hơn đáng kể (p<0,05) so với nghiệm thức P40 (2,2).

Tổng doanh thu ở nghiệm thức P25+CH cao hơn so với nghiệm thức P40 bởi gì ở nghiệm thức P25+CH sản lượng cao hơn 644,3 kg/ha và giá tôm 6,72 USD trong khi đó nghiệm thức P40 sản lượng tôm khoảng 447,9 kg/ha và giá bán 6,27 USD. Tỷ suất lợi nhuận ở nghiệm thức 2 (1,3) cao hơn đáng kể (P<0,05) so với nghiệm thức P40 (0,2).

Phó Văn Nghị, trieutuan.blog
Source: Hari, B., Kurup, M. B., Johny, T. V., Schrama, J. W., Verdegem M. C. J., 2004. Effects of carbohydrate addition on production in extensive shrimp culture systems. Aquaculture, 241 (2004), 179-194.

Trieu Tuan
Trieu Tuan
Triệu Tuấn là một ông bố 2 con, tốt nghiệp Tiến sỹ chuyên ngành Công nghệ sinh học tại Nhật Bản. Hiện nay đang công tác tại Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau (iPEC).

Share this article

Recent posts

Popular categories

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Recent comments