Mối quan hệ giữa màu sắc gan tụy của tôm giống với vi khuẩn Vibrio gây bệnh EMS

-

Dịch bệnh gan tụy cấp AHPND/EMS bùng phát ở các trang trại nuôi tôm ở Châu Á và một số nơi khác trên thế giới ngày một gia tăng. Ở các trang trại nuôi tôm Thái Lan, một số ao bị nhiễm EMS nhưng một số ao khác thì không. Tỷ lệ sống của tôm khác nhau tùy thuộc vào nồng độ vi khuẩn Vibrio trong tôm post thả nuôi trong ao.

Màu sắc của gan tụy tôm giống có mối quan hệ mật thiết với nồng độ vi khuẩn Vibrio và dấu hiệu sớm của bệnh AHPND/EMS. Tôm giống với gan tụy có màu nâu có mật số vi khuẩn Vibrio khoảng 3.50 x 10^3 CFU/g sẽ không bị nhiễm EMS và có tỷ lệ sống cao. Tôm với khối gan tụy có màu trắng có mật số vi khuẩn Vibrio khoảng 6.02 x 10^7 CFU/g và tôm sẽ chết sau 10 ngày thả nuôi. Một số tôm với gan tụy có màu nâu và trắng có mật độ vi khuẩn Vibrio thấp trong gan tụy, nhưng tỷ lệ sống phụ thuộc vào điều kiện ao nuôi. Quá trình quản lý ao nuôi rất quan trọng trong việc quyết định tỷ lệ sống của tôm nuôi.

Nghiên cứu về màu sắc gan tụy tôm

Nghiên cứu tại các trang trại nuôi cho thấy sự khác nhau về tỷ lệ sống của tôm phụ thuộc vào màu sắc của khối gan tụy của tôm giống thả nuôi. Các mẫu gan tụy tôm với màu sắc khác nhau được cấy trên môi trường TCBS để xác định mật số vi khuẩn Vibrio tổng cộng. Kết quả cho thấy, mật độ vi khuẩn Vibrio cao nhất (trung bình khoảng 6.02 x 10^7 CFU/g) ở tôm có khối gan tụy màu trắng và tôm thường chết sau 10 ngày thả giống. Mật độ vi khuẩn Vibrio trong gan tụy của tôm có màu nâu khoảng 3.5 x 10^3 CFU/g, tôm thường có tỷ lệ sống cao trên 60%.

image

Hình bên trái: tôm giống với gan tụy màu nâu (A,C) và mật độ Vibrio 3.5 x 10^3 CFU/g (D), mô gan tụy tôm không có dấu hiệu bị EMS tấn công (B). Hình bên phải: Tôm post với gan tụy có màu nâu và trắng (A,C) và mật độ Vibrio 1.08 x 10^5 CFU/g (D) có tỷ lệ sống thấp. Mô gan tụy có dấu hiệu bị EMS tấn công (B).

Một nhóm tôm post khác có gan tụy màu nâu và màu trắng có mật số vi khuẩn Vibrio khoảng 1.08 x 10^5 CFU/g. Nhóm này khi thả nuôi tỷ lệ sống sẽ gia tăng khi điều kiện ao nuôi và chăm sóc tốt.

Các biện pháp quản lý bao gồm tránh cho tôm ăn dư thức ăn. Tổng lượng thức ăn cho 100,000 tôm giống không vượt quá 200 kg trong 30 ngày đầu thả nuôi. Quản lý tốt mật độ tảo, tránh tảo nở hoa trong 40 ngày đầu của chu kỳ nuôi. Luôn kiểm soát chất lượng nước tốt, pH từ 7.8-8.3, độ kiềm từ 120 mg/L trở lên.

image

Hình bên trái: Tôm post có gan tụy màu trắng (A,C) và mật độ vi khuẩn Vibrio 6.02 x 10^7 CFU/g (D) sẽ chết sau khi thả nuôi khoảng 10 ngày. Mô gan tụy bị tấn công nghiêm trọng bởi EMS (B). Hình bên phải: Gan tụy tôm khỏe có lớp biểu mô trơn láng và có hàm lượng lipid cao (A). Ống gan tụy tôm bị tổn thương do Vibrio tấn công bị teo (B,C). Giai đoạn nhiễm EMS nặng cấu trúc ống gan tụy bị phá hủy hoàn toàn và hầu như không còn chứa lipid (D)    

Nguyên nhân làm chất lượng tôm giống yếu

Một cuộc khảo sát về tôm bố mẹ và trang thiết bị trong các cơ sở sản xuất giống để tìm ra nguyên nhân của vấn đề.

Kết quả cho thấy, tôm bố mẹ yếu thường bị cắt mắt một bên. Tôm cái bị mất một bên mắt thường chết sau khi sinh sản lần đầu tiên. Mật độ ương ấu trùng thường cao, trên 100 nauplii/lít. Nhiệt độ thường dao động trong suốt quá trình ương ấu trùng thay vì được giữ ổn định trong khoảng 30 ± 1°C. Mật độ tảo không ổn định và giá trị pH thường nằm ngoài khoảng thích hợp.

Các biện pháp quản lý ao nuôi khi phát hiện có EMS

Một vài ao nuôi có thể cải thiện tình hình và gia tăng tỷ lệ sống của tôm khi phát hiện tôm bị nhiễm EMS. Các biện pháp cần thực hiện ngay sau khi phát hiện tôm nhiễm EMS như sau:

– Dừng cho tôm ăn cho đến khi tôm hết chết, và khi thấy tôm vào vó khỏe mạnh trở lại mới bắt đầu cho tôm ăn lại một cách từ từ.

– Dùng chế phẩm sinh học (probiotic) để nâng cao chất lượng nước.

– Sử dụng vôi để nâng pH ao nuôi lên khoảng 7.8-8 vào buổi sáng và tối đa là 8.3 vào buổi chiều.

– Bật hết hệ thống quạt, oxy đáy để cung cấp oxy tối ưu cho ao nuôi.

– Duy trì mật độ tảo phù hợp, tránh tảo nở hoa.

Tiêu chuẩn con giống tốt

Bộ Thủy sản Thái Lan khuyến cáo tiêu chuẩn cho mật độ vi khuẩn Vibrio tổng số trên tôm post phải thấp hơn 1,000 CFU/g phân lập trên đĩa thạch. Trong số 1000 khuẩn lạc, chỉ cho phép có tối đa 100 CFU/g khuẩn lạc màu xanh và 900 CFU/g khuẩn lạc có màu vàng. Số khuẩn lạc Vibrio parahaemolyticus không được vượt quá 30 và không được phép có vi khuẩn Vibrio harveyi.

Ngoài ra, nhiều người nuôi tôm Thái Lan cũng xem xét hình dạng ống gan tụy và hàm lượng lipid trong gan tụy tôm. Ống gan tụy với các biểu mô láng mịn và hàm lượng lipid cao được xem là tôm khỏe mạnh, trong khi ống gan tụy bị teo và hàm lượng lipid thấp được xem là tôm yếu và thường phát bệnh khi thả nuôi.

Triệu Tuấn, trieutuan.blog
Source: Dr. Chalor Limsuwan, Dr. Niti Churchird, Dr. Natthinee Munkong Wongsiri (Department of Fishery Biology, Kasetsart University, Bangkok, Thailand). Dr. Carlos A. Ching, Aquaculture Manager Nicovita – Alicorp SAA, Av. Argentina 4793 Callao, Lima, Perú, cchingm@alicorp.com.p Global Aquaculture Advocate, January/February 2014

Trieu Tuan
Trieu Tuan
Triệu Tuấn là một ông bố 2 con, tốt nghiệp Tiến sỹ chuyên ngành Công nghệ sinh học tại Nhật Bản. Hiện nay đang công tác tại Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau (iPEC).

Share this article

Recent posts

Popular categories

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Recent comments