Tôm chết ở Thái Lan: Các nhà khoa học vẫn bối rối về nguyên nhân gây bệnh và cách kiểm soát dịch bệnh

-

Hội chứng tôm chết sớm (EMS) làm sản lượng tôm Thái Lan giảm khoảng 40%. EMS cũng gây thiệt hại đáng kể ở Việt Nam và Trung Quốc. Các nhà khoa học đã xác định được nguyên nhân là do vi khuẩn, nhưng họ không thể đưa ra phương pháp kiểm soát bệnh hiệu quả.

Khi GS. Donald Lightner tìm ra nguyên nhân gây nên EMS vào đầu năm nay, nhiều trang trại nuôi tôm ở Châu Á rất phấn khởi vì họ tin rằng dịch bệnh sẽ được khống chế. Bệnh hoại tử gan tụy cấp (AHPND) hay EMS được phát hiện đầu tiên ở Trung Quốc vào năm 2009, trong vòng 2 năm bệnh đã lan sang Việt Nam và Thái Lan – những nước xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới. Nhiều nông dân bị mất trắng và họ không có khả năng khôi phục sản xuất.

Lightner đã xác nhận nguyên nhân gây nên AHPND/EMS là do vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus. Nhóm của ông là một trong những nơi đang tiếp tục nghiên cứu về nơi “ẩn náo” của vi khuẩn để tìm cách kiểm soát và loại trừ chúng.

Ở Thái Lan, Trung tâm Quốc gia kỹ thuật di truyền và công nghệ sinh học (BIOTEC) cũng đang làm việc để loại trừ căn bệnh này. “Vi khuẩn này có mặt ở khắp mọi nơi ở các vùng biển nhiệt đới,” GS. Tim Flegel ở BIOTEC nói. “Vi khuẩn này không gây hại gì đối với con người, nó chỉ gây bệnh cho tôm.”

Nông dân cảnh giác hơn với dịch bệnh

Udorn Songserm, người sở hữu 50 ao nuôi tôm ở tỉnh Rayong miền đông Thái Lan bị thiệt hại 50% khi EMS xuất hiện. Ông ngay lập tức làm việc với chính quyền để tìm cách hạn chế thiệt hại do dịch bệnh tại trang trại của mình.

“Rất may mắn, kể từ khi chúng tôi áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh hiệu quả thiệt hại chỉ còn khoảng 10-20%,” Songserm nói.

Trước tiên, Songserm diệt khuẩn ao nuôi và môi trường nước cẩn thận sau đó chọn tôm giống chất lượng cao đảm bảo không bị nhiễm EMS để thả nuôi.

Nhưng bất chấp các phương pháp diệt khuẩn và phòng trừ dịch bệnh bổ sung trong quá trình nuôi, đôi khi bệnh vẫn xuất hiện và do thiếu các xét nghiệm nhanh để xác định nguyên nhân gây chết tôm có phải do EMS hay không.

“Chúng tôi vẫn không có cách nào để xác định nó, ngoại trừ phương pháp nuôi cấy vi khuẩn và sau đó gây cảm nhiễm nó trên tôm để xác định mầm bệnh. Tuy nhiên, một số chủng thì gây bệnh, còn một số khác thì không và câu hỏi đặt ra là tại sao lại như vậy?” GS. Flegel nói.

Nguyên nhân tôm chết là do giun biển?

GS. Flegel đặt ra giả thuyết về nơi mà vi khuẩn gây nên EMS đang “ẩn náo” trong chuỗi thức ăn của tôm. “Rất có khả năng một trong những thứ dùng làm thức ăn cho tôm bố mẹ có chứa vi khuẩn gây nên EMS. Giun biển sống thường được dùng để làm thức ăn cho tôm bố mẹ tại Trung Quốc ở các trang trại sản xuất giống- nơi bệnh EMS xuất hiện đầu tiên.”

image

Flegel cho rằng giun biển mang vi khuẩn gây nên EMS trong ruột của chúng và khi tôm ăn sẽ bị lây bệnh từ giun biển.

Một số nhà khoa học lo ngại rằng vi khuẩn có thể đã phát tán vào đại dương và điều này làm cho dịch bệnh bùng phát và lây lan khắp nơi.

EMS thường gây thiệt hại cho tôm nuôi dưới một tháng tuổi. Tôm ở giai đoạn này quá nhỏ để có thể dùng làm thực phẩm và một số nước cũng cấm nhập khẩu tôm bị nhiễm EMS.

Hiện tại cũng có dấu hiệu cho thấy EMS đang gây thiệt hại cho tôm nuôi ở Ấn Độ và Malaysia.

Cuộc đua quốc tế để tìm câu trả lời

Flegel nghi ngờ GS. Lightner, người phát hiện ra EMS tại Trung Quốc có thể đã tìm ra câu trả lời cho vấn đề này. Nhưng Flegel nghĩ Lightner đã cố tình trì hoãn tiết lột chi tiết những phát hiện đầy đủ của mình vì trường Đại học Arizona muốn thu lợi từ những nghiên cứu này.

“Chúng tôi vẫn dang làm việc với các nhà khoa học Nhật Bản và Đài Loan. Chúng tôi hy vọng sẽ giải trình tự toàn bộ bộ gen của vi khuẩn này và tìm thấy một điều đặc biệt nào đó của vi khuẩn này có thể được sử dụng như là một dấu hiệu đặc trưng. Nhưng tôi nghĩ rằng [Lightner] sẽ công bố nó trước.”

Nếu các nhà nghiên cứu ở Châu Á tìm thấy nó, họ sẽ công bố nó mà không lo lắng gì về bằng sáng chế.

Trong khi người nuôi tôm đang thiệt hại nặng nề, hầu hết các nhà sản xuất tôm lớn ở Thái Lan nghĩ rằng những tác động tồi tệ nhất của EMS đã trôi qua.

Một số nhà khoa học lo ngại rằng phương pháp nuôi tôm thâm canh có thể là nguyên nhân gây bùng phát dịch bệnh trên tôm. Nhưng nông dân Songserm nói dịch bệnh EMS đã giúp toàn bộ ngành công nghiệp nuôi tôm chú trọng hơn đến các biện pháp phòng ngừa.

“Tương lai đang tốt hơn. Hiện tại trang trại nuôi tôm của chúng tôi hầu như không bị dịch bệnh. Tiêu chuẩn của chúng tôi cao hơn và nó sẽ hiệu quả hơn trong việc phòng chống dịch bệnh trong tương lai”, Songserm nói.

Mặc dù kêu gọi ngành công nghiệp nuôi tôm lựa chọn những phương pháp canh tác bền vững, nông dân Thái Lan không thể chờ đợi phương pháp chuẩn đoán EMS từ các nhà khoa học.

Triệu Tuấn, trieutuan.blog. Source: http://www.dw.com. Date 17.12.2013

Trieu Tuan
Trieu Tuan
Triệu Tuấn là một ông bố 2 con, tốt nghiệp Tiến sỹ chuyên ngành Công nghệ sinh học tại Nhật Bản. Hiện nay đang công tác tại Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau (iPEC).

Share this article

Recent posts

Popular categories

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Recent comments