Ứng dụng Internet of Things (IoT) cho nông nghiệp

-

Tháng 11.2014, ba đối tác là trung tâm Nghiên cứu và thiết kế vi mạch (ICDREC), khu Nông nghiệp công nghệ cao (AHTP) và công ty Mimosa Tek đã liên minh triển khai mô hình ứng dụng công nghệ cao trên nền tảng IoT cho sản xuất nuôi tôm ở thôn Hoà Hiệp (Long Hoà, Cần Giờ, TP.HCM). Tháng 6.2015, mô hình trên đã hoàn thiện phần cứng và phần mềm cũng như đội ngũ chuyên gia để vận hành mô hình IoT.

Theo ông Trí, mô hình này sử dụng ba đầu cảm biến (sensor) chức năng: nhiệt độ nước, đo độ pH và nồng độ oxy trong nước. Những thay đổi của ba giá trị trên sẽ được các sensor ghi nhận, dữ liệu sẽ được truyền về các trạm thông tin (do ICDREC thiết kế, sử dụng chip SG8V1), sau đó bằng kết nối không dây, dữ liệu chuyển về các server để các chuyên gia của AHTP tư vấn. Thông qua các thiết bị di động hoặc máy tính được cài đặt phần mềm (do Mimosa Tek thiết kế), nông dân có thể điều chỉnh hệ thống sục khí hoạt động hay ngưng, hoặc trực tiếp đến các vuông tôm để theo dõi.

Thử nghiệm mô hình mới

“Điểm nhấn quan trọng của mô hình này là thông tin sẽ được truyền lên mạng internet để nông dân có thể sử dụng từ bất cứ nơi đâu, không nhất thiết phải ngồi trước máy tính”, ông Ngô Đức Hoàng, giám đốc trung tâm ICDREC, đánh giá ưu thế của mô hình IoT đang thử nghiệm. Ông Đinh Minh Hiệp, trưởng ban quản lý AHTP, bổ sung: “Các thiết bị sẽ đo đếm những chỉ số thực tế, từ đó các chuyên gia của AHTP sẽ có những ý kiến tư vấn với nông dân. Để mô hình có giá trị thiết thực và hiệu quả với sản xuất, yêu cầu ý kiến của chuyên gia phải chính xác”. Cũng theo ông Hiệp, ngoài mô hình thử nghiệm tại Cần Giờ, sắp tới sẽ triển khai mô hình tương tự tại AHTP để nông dân tham khảo.

image

Theo thông tin từ nhóm thực hiện mô hình trải nghiệm, dự án này đã được chương trình đổi mới sáng tạo cấp nhà nước chấp nhận. “Nhóm liên kết dự tính hai cách triển khai: có thể cho nông dân thuê dịch vụ hoặc bán trọn gói giải pháp cho họ”, ông Hoàng cho biết thêm. Cũng theo vị giám đốc ICDREC, sắp tới sẽ đẩy mạnh nghiên cứu “tuổi thọ” của sensor ít nhất là sáu tháng hoặc một năm.

Liên minh nghiên cứu Việt – Nhật

Chiều ngày 20.7.2015, tại khu Công nghệ cao TP.HCM (SHTP), ba đối tác: SHTP, hội Kỹ thuật chính xác Nhật Bản và viện Khoa học công nghệ Nhật Bản, cùng với ICDREC tính chuyện thành lập liên minh nghiên cứu thiết kế và chế tạo cảm biến sensor và ứng dụng cảm biến không dây và IoT trong nông nghiệp.

Ông Ngô Võ Kế Thành, quyền giám đốc trung tâm Nghiên cứu và phát triển của SHTP cho biết, trong liên minh này, SHTP sẽ nghiên cứu về sensor. ICDREC nghiên cứu về chip. Phía Nhật Bản sẽ đóng góp về công nghệ không dây (wireless) và các thiết bị hoàn chỉnh (MEMS). “Những kết quả nghiên cứu không chỉ ứng dụng trong nước mà còn xuất hiện tại các quốc gia có những điều kiện tương tự về thời tiết, khí hậu và kinh nghiệm như Thái Lan, Malaysia… Hy vọng trong 2 – 3 năm, liên minh này sẽ có những sản phẩm xuất hiện trên thị trường”, ông Thành cho biết thêm. Cũng trong liên minh này, các đối tác sẽ trao đổi chuyên gia. Ông Hoàng cho biết thêm, thông qua hợp tác này, ICDREC sẽ đẩy mạnh nghiên cứu và thiết kế MEMS để sẵn sàng cho những sản phẩm tiêu thụ nội địa, nhất là các sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, đời sống, công nghiệp, y tế, giáo dục…

Giáo sư Ryutaro Maeda, giám đốc trung tâm MEMS của viện Khoa học và công nghệ Nhật Bản cho biết, ứng dụng các thiết bị MEMS và IoT đang là xu hướng của nông nghiệp hiện đại. Tại Nhật, nhiều trang trại đã sử dụng các thiết bị MEMS (với tỷ lệ 1% số lượng vật nuôi) để kiểm soát không khí, bệnh, môi trường nước… thông qua nền tảng IoT.

Về phía Việt Nam, công nghệ đã sẵn sàng. SHTP đang chuẩn bị kế hoạch đầu tư phòng sạch để nghiên cứu với nguồn kinh phí dự trù là 30 tỉ đồng. “Song song với việc chuẩn bị hạ tầng, SHTP sẽ có những cuộc khảo sát thực tế để nắm bắt nhu cầu của đời sống sản xuất, từ đó có những sản phẩm phù hợp. Phải làm ra những sản phẩm hữu ích cho xã hội chứ không làm những gì mà mình đã có sẵn công nghệ”, ông Thành trăn trở.

Source: Song Minh, http://thegioitiepthi.net/

Trieu Tuan
Trieu Tuan
Triệu Tuấn là một ông bố 2 con, tốt nghiệp Tiến sỹ chuyên ngành Công nghệ sinh học tại Nhật Bản. Hiện nay đang công tác tại Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau (iPEC).

Share this article

Recent posts

Popular categories

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Recent comments