6 công nghệ giúp bảo vệ động vật hoang dã khỏi nguy cơ tuyệt chủng

-

Có rất nhiều loài động vật hoang dã đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng vì sự săn bắt vô tội vạ của con người. Các tổ chức bảo vệ đời sống hoang dã đang ra sức ngăn chặn điều này, bằng cách phổ biến nâng cao ý thức, ban hành các điều luật cho đến áp dụng công nghệ cao.

Trong vô vàn công nghệ đang được áp dụng, mời các bạn điểm qua 6 công nghệ hứa hẹn sẽ đem lại hiệu quả cao trong việc ngăn chặn tình trạng săn bắt động vật trái phép, cứu chúng khỏi bờ vực tuyệt diệt.

1. Máy bay drone

Ứng dụng máy bay drone là một trong những giải pháp đang được nghiên cứu để bảo vệ động vật hoang dã. Tổ chức World Wildlife Fund (WWF) đang phát triển dự án Wildlife Crime Technology Project, sử dụng các máy bay không người lái drone để theo dõi những kẻ săn bắt trộm, trên drone sẽ gắn các thiết bị dò chuyển động, mắt hồng ngoại quay đêm để có thể hoạt động trong buổi tối. Dự án này bắt đầu được áp dụng hồi năm 2013 với 2 chiếc drone, cuối năm nay số lượng máy bay sẽ được tăng lên thành 8 chiếc.

image

Google đã tài trợ cho tổ chức này 5 triệu đô để duy trì dự án. Hiện tại đang được áp dụng ở công viên quốc gia Namibia ở Etosha và một số khu bảo tồn động vật hoang dã ở châu Phi. Dự án hi vọng sẽ hạn chế được tình trạng săn trộm voi, hưu cao cổ, tê giác và các loài thú quí hiếm khác. Trang web ủng hộ cho dự án này ở đây

2. Sử dụng hệ thống cảnh báo làm từ smartphone cũ

Rainforest Connection (RFCx) có giải pháp sử dụng smartphone cũ, sau khi cải tạo sẽ biến thành bộ công cụ phát hiện và cảnh báo kẻ săn trộm cũng như lâm tặc. Có thể hiểu tác dụng của thiết bị này tương tự như hệ thống camera an ninh. Dự án của RFCx từng phát động trên kênh gây quĩ Kickstarter hồi giữa năm 2014, quyên góp các smartphone không còn dùng nữa để sử dụng cho hệ thống cảnh báo này, đã thành công với số tiền thu về hơn 167 ngàn đô la.

image

Những thiết bị Rainforest Connection sẽ lắp trên thân cây, nó giúp phát hiện âm thanh lạ là tiếng súng, tiếng xe, tiếng cưa máy chặt trộm cây của những kẻ lạ mặt bước chân vô khu rừng đồng thời báo cho lực lượng kiểm lâm. Hệ thống tự sạc pin bằng năng lượng mặt trời. Bạn có thể tham gia đóng góp smartphone cũ cho dự án này ở đây.

3. Sừng tê giác giả bằng công nghệ in 3D

Với nạn săn bắn ngày càng gia tăng, tê giác châu Phi có thể sẽ bị tuyệt chủng trong vòng một vài thập kỷ tới. Hàng nghìn con tê giác bị giết mỗi năm chỉ để lấy sừng, sau đó được bán với giá khoảng 30.000 USD mỗi pound (gần nửa ký). Những chiếc sừng này được sử dụng như một bài thuốc cổ truyền tại Trung Quốc và Việt Nam. Mặc dù y học phương Tây chỉ ra rằng phương pháp điều trị bằng sừng tê giác không có công dụng, song, nhu cầu đối với các sản phẩm từ loài này tiếp tục gia tăng.

image

Trước tình hình đó, một công ty có trụ sở ở Seattle (Mỹ) mang tên Pembient nghĩ rằng có thể kiềm hãm sự tàn sát tê giác nhờ kỹ thuật sinh học, bằng cách tạo ra những chiếc sừng có hình dáng và hương vị như thật. Chuyên trang khoa học New Scientist cho biết vào tháng tới, công ty dự định sẽ chính thức giới thiệu sừng tê giác in 3D đầu tiên. Sản phẩm có thể được bán ra vào đầu mùa thu năm sau với giá bán chỉ bằng 1/10 so với sừng thật. Biện pháp này hy vọng sẽ giúp các tên chuyên kinh doanh trái phép sừng tê giác không còn mặn mà với thị trường này nữa.

Cụ thể hơn về những chiếc sừng được in 3D, TechCrunch giải thích: “Sừng tê giác được cấu tạo chủ yếu từ một loại protein có tên là keratin. Công ty Pembient đã tìm ra mã di truyền, sau đó tái sản xuất những chiếc sừng bằng keratin với kỹ thuật in 3D”. Nếu những chiếc sừng được bán ra sắp tới gặt hái thành công, công ty cho biết họ sẽ áp dụng kỹ thuật trên đối với các sản phẩm từ động vật hoang dã đang bị buôn bán trái phép khác, chẳng hạn như ngà voi hay xương hổ.

4. Gắn camera lên sừng tê giác

Song song giải pháp sử dụng sừng in 3D cho tê giác để tránh bị cắt trộm, thì bên cạnh đó có thêm một giải pháp khác đó là gắn những cái camera tí hon lên sừng chúng, để quay lại hình ảnh những kẻ manh động, dự án này tên là Project RAPID. Bộ cảm biến sẽ bao gồm 3 thành phần là camera, chip GPS và chip theo dõi nhịp tim. RAPID chỉ gắn camera lên sừng tê giác nên giải pháp này không thể ngăn cản bọn săn lậu hạ sát chúng, nó chỉ có thể ghi lại hình ảnh của nghi phạm để bắt chúng chịu tội trước pháp luật.

image

Được biết nạn tê giác bị săn bắt trộm để lấy sừng đã tăng lên tới 9000% so với năm 2007. Các nước chủ yếu tiêu thụ sừng tê giác là Việt Nam và Trung Quốc, nơi mà người ta tin rằng sừng tê giác có tác dụng chữa bách bệnh, kể cả rắn độc cắn, ung thư lẫn AIDS. Khoa học đã chứng minh rằng thành phần của sừng tê giác y hệt với móng tay móng chân của chúng ta mà thôi, vì vậy thậm chí là phân của tê giác còn “bổ dưỡng” hơn sừng.

5. Tiêm thuốc độc vô sừng tê giác

Còn một giải pháp khác nữa là bơm thuốc độc vô sừng tê giác. Loại đầu này không gây hại cho tê giác, nhưng khi con người sử dụng sừng bị tiêm thuốc sẽ gặp các triệu chứng như ói mửa, nhứt đầu, từ đó dần dần khiến người ta sợ, không còn muốn mua sừng tê về sử dụng nữa.

image

Tuy nhiên, con người nên nghĩ ra những phương pháp khác hữu hiệu hơn, ngăn chặn luôn tình trạng săn bắt tê giác, chứ cả 3 cách tiêm thuốc vô sừng, gắn camera lẫn sừng in 3D đều chỉ mang tính tạm thời, thợ săn vẫn giết tê giác trước rồi mới cắt sừng sau, tức là tê giác vẫn đối mặt với nguy cơ bị săn bắt.

6. Cảm biến và vệ tinh chống tiếp cận trái phép

Một dự án ở Kenya sử dụng vệ tinh để theo dõi chuyển động của thợ săn trái phép nếu chúng xuất hiện ở những nơi cấm săn bắt. Hệ thống này được Zoological Society ở London phối hợp với tổ chức đời sống hoang dã ở Kenya thực hiện.

image

Vệ tinh sẽ thực hiện chụp ảnh khu vực nó theo dõi 30 lần/ngày, song song đó là giám sát các chuyển động bất thường, nó cũng có thể thu lại âm thanh tiếng súng để báo cho nhân viên kiểm lâm biết, có mặt can thiệp kịp thời.

Source: TinhTe.Vn, Theo Engadget​

Trieu Tuan
Trieu Tuan
Triệu Tuấn là một ông bố 2 con, tốt nghiệp Tiến sỹ chuyên ngành Công nghệ sinh học tại Nhật Bản. Hiện nay đang công tác tại Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau (iPEC).

Share this article

Recent posts

Popular categories

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Recent comments